Tờ trình dự án Luật Trồng trọt do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày nêu rõ: Sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Nổi bật, năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD, có 7 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở nước ta đã xuất hiện những bất cập, hạn chế. Theo đó, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đang phát triển nhanh, từng bước chuyển sang nền sản xuất hàng hoá tập trung theo định hướng thị trường, trong khi quan hệ sản xuất còn chậm được thay đổi. Ngoài ra, sự tác động của biến đổi khí hậu đã, đang hiện hữu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ, phức tạp hơn đòi hỏi phải có những chính sách và biện pháp quản lý sản xuất trồng trọt phù hợp, ứng dụng công nghệ canh tác thông minh để thích ứng và giảm thiểu tác động...
Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập về quản lý giống cây trồng, khảo nghiệm giống, quản lý phân bón; đồng thời nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết.
Khẳng định đồng ý với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Trồng trọt, trong phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật phải được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về sản xuất trồng trọt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường; phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng thời, bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiện đại; sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu...
 |
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu ý kiến. Ảnh: quochoi.vn. |
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì đánh giá việc dự báo về thị trường của chúng ta chưa ổn định. “Nên có những quy định cụ thể liên quan đến chiến lược phát triển trồng trọt, công tác dự báo, phát triển thị trường, bảo đảm thị trường đầu ra cho nông sản, hạn chế tình trạng làm ăn, sản xuất manh nha, chạy theo thị trường, được mùa mất giá, phải đi “giải cứu” nông sản như đã từng xảy ra trong thời gian qua”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn chứng một cách làm hay của tỉnh Sơn La trong thời gian vừa qua: Tỉnh đã liên hệ trực tiếp với nước ngoài, nắm bắt được nhu cầu hằng năm của nước bạn đối với sản phẩm nhãn, chanh leo, xoài xanh.... Kết quả, những loại quả này đã được xuất khẩu chào hàng với số lượng từ 2-5 tấn trong sang các thị trường Úc, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Pháp...trong năm qua.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Làm được như vậy tức là trồng trọt đã xuống đến từng hộ dân, khiến người dân phấn khởi, đời sống người dân ổn định. Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng một chiến lược về quy hoạch, phát triển, để dự báo thị trường trong thời gian tới, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tránh tình trạng “chạy theo” thị trường như hiện nay khiến đời sống người nông dân rất bấp bênh.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: quochoi.vn. |
Nhận định Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, việc xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của luật, tránh sự chồng chéo, hoặc quá rộng, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế. Đại biểu Phan Thanh Bình cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần có những quy định liên quan đến chiến lược phát triển trồng trọt, hướng mạnh tới phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển nông nghiệp sạch. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể trong bảo tồn các nguồn gen, nguồn giống quý của cây trồng Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi thế giới có luật tương tự không, quy định từ canh tác, thu hoạch, xuất khẩu, nhập khẩu, giống... nếu có tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì tham khảo từ nước nào, cần nêu rõ để đại biểu, người dân yên tâm. Đại biểu Lê Thị Nga cũng băn khoăn khi luật này có khắc phục được thực trạng về quản lý phân bón trong thời gian qua hay không, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng phân bón giả, để tránh trường hợp như vụ phân bón giả Thuận Phong xảy ra trong thời gian vừa qua.
NGUYỄN THẢO