 |
Nhà thơ Phạm Hổ |
Nhà thơ Phạm Hổ, một cây bút viết cho thiếu nhi vừa qua đời ở tuổi 82. Trong bài viết tưởng nhớ đến người nghệ sĩ tài hoa, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gọi “
Phạm Hổ là một món quà đặc biệt mà Tạo hoá đã “thửa” riêng, làm riêng để trao tặng con trẻ”.
Xứ thần tiên ấy, không phải ở trong truyện cổ tích, cũng không phải ở một chốn xa xôi, mù mịt nào, mà chính là cái cõi trần ta đang sống. Và ông, chủ nhân của xứ sở huyền diệu ấy, cũng là một con người trần thế, với mùi mồ hôi trần tục, cùng cái ốm cái đau, cái hắt hơi, sổ mũi, cũng là cái bệnh, cái tật thông dụng của cõi phàm trần.
Ấy vậy mà, không hiểu sao, ngắm ông, đôi lúc, tôi cứ có cảm giác hình như ông hoàn toàn siêu thoát. Ông không chỉ là người, mà còn là một món quà đặc biệt mà Tạo hoá đã “thửa” riêng, làm riêng để trao tặng các đấng con trẻ. Và Tạo hoá là ông lão nghịch ngầm. Ngài đã đùa khi dán lên sản phẩm tuyệt vời của mình một cái nhãn hiệu mà trước đó ngài đã dán lên đức Chúa Sơn Lâm. Bởi thế, tên ông khi “xướng” lên, ngay cả những đứa trẻ ngỗ ngược nhất, táo tợn nhất, cũng thấy sởn tóc gáy.
- Mình là Hổ. Nhưng là Hổ giấy thôi!
Phạm Hổ đã có lần phân bua một cách vui vẻ như thế. Và quả thật, còn hơn cả Hổ giấy, ông rất hiền. Một ông già hiền khô, có phần hơi ngơ ngác như Đức Chúa Sơn Lâm vừa chạm phải cái lá rừng. Ông không có khả năng làm điều ác, ngay cả việc đơn giản nhất là nghĩ xấu về người khác. Ở ông, dường như không có chỗ cho cái xấu trú ngụ. Ông rất dễ xúc động. Dường như chuyện gì cũng làm ông xúc động. Những điều ta chỉ hiu hiu buồn, cũng đã đủ để ông giàn giụa nước mắt. Ông rất tin người. Ai nói gì cũng tin. Một ông già với mái tóc ngả bạc, nhưng tâm hồn lại trong vắt như tâm hồn của một đứa trẻ. Vì thế, đến với ông, tôi cứ có cái cảm giác ngờm ngợp như mình đang đứng trước một ngọn tháp bằng kính trong suốt giữa khu rừng âm âm màu cổ tích. Ông nhìn con người, nhìn cuộc đời bụi bặm của chúng ta bằng con mắt trong veo và ngơ ngác của trẻ thơ. Chính vì thế, ông rất dễ đến với các em, hoà nhập với các em. Ông dẫn các em vào thế giới thần tiên, thế giới của riêng ông tạo dựng. Ở đó, có chú bò chiều chiều ra sông uống nước, ngắm bóng mình mà cứ tưởng ai, lại nghĩ có ông bạn vàng nào đó vừa mới đến với mình. Ở đó có em bé múc bát nước để chỗ vắng, rồi hồi hộp nấp sau khe cửa, rình xem Mặt trời xuống uống nước. Rồi những con vật nuôi trong nhà, ông gọi là Những người bạn ồn ào. Rồi Hoa, rồi Quả mà không hiểu sao ông lại nhìn ra là Những người bạn im lặng. Rồi chim chóc cỏ hoa. Cả một thế giới sinh động, đa dạng, phong phú, là những đồ chơi xinh xẻo, ngộ nghĩnh, Phạm Hổ đã nặn ra, bằng bàn tay điêu luyện, rồi thổi hồn vía của cả đời mình vào, biến chúng thành cơ thể sống, thành chính sự sống.
Phạm Hổ đã hiến dâng trọn vẹn cái phần tinh tuý nhất của đời mình, của tâm hồn và tài năng mình cho con trẻ. Đọc ông, ta thấy ông rất yêu trẻ con. Mà không phải chỉ yêu, ông còn kính trọng và sùng bái chúng. Chính vì thế mà ông đã có được nhiều tác phẩm hay viết cho các em. Và nói đến ông, ta thường quen nghĩ đó là nhà thơ chuyên viết cho con trẻ, viết bằng tất cả sức lực với nhiều thể loại: Thơ, truyện, kịch, truyện thần thoại, đồng thoại, rồi kịch bản phim hoạt hình... Ta quên mất ông còn là một thi sĩ có tài với nhiều bài thơ đặc sắc viết cho người lớn. Ông cũng yêu thương người lớn lắm. Đối với ông, hình như người lớn cũng chỉ là những đứa trẻ đã trưởng thành. Và vì thế, ông cũng lại vui vẻ, ríu rít dẫn ta vào khu rừng cổ tích. Ta có thể cùng ông Qua sông Bạch
Phạm Hổ đã hiến dâng trọn vẹn cái phần tinh tuý nhất của đời mình, của tâm hồn và tài năng mình cho con trẻ. Đọc ông, ta thấy ông rất yêu trẻ con. Mà không phải chỉ yêu, ông còn kính trọng và sùng bái chúng. Chính vì thế mà ông đã có được nhiều tác phẩm hay viết cho các em. |
Đằng, ngắm Những ngọn cây (tự bỏ quên mình ở trên cao), nghe những giọt mưa ngàn xưa (thầm thì trò chuyện với ta) ở Đền Hùng. Cũng có khi ông lại cùng ta nghe sự im lặng trong đầm, hoặc ngắm Cái bóng con người, cái bóng nửa thực, nửa ảo, nửa người, nửa ma. Đi trong khu rừng cổ tích Phạm Hổ dành riêng cho người lớn, ở những vùng đắc địa nhất, ta cứ thấy hồi hộp, phấp phỏng. Cỏ cây, con sóng, giọt mưa, cái bóng của ta, và cả sự im lặng trong đầm nữa, đều rờn rợn nhuốm một màu Liêu Trai. Nhưng tôi lại thấy ở đấy có rất nhiều tính chất Phạm Hổ. Hình như đó mới đích thực là Phạm Hổ.
Bây giờ, người ở xứ thần tiên đã về với cõi tiên, để lại cho chúng ta một khoảng trống không dễ gì bù đắp được. Nhưng không:
Tôi vẫn ở đây
Và ở nhiều nơi khác...
Phạm Hổ đã nói thế.
Quả đúng vậy. Cõi thần tiên của Phạm Hổ đâu có ở chốn thiên đường, cũng không phải ở xứ mù tăm xa tít tắp. Như nhiều thi sĩ có tài khác, Phạm Hổ vẫn luôn bên ta. Muốn tìm gặp ông, ta chỉ cần lật những trang sách của ông, những di sản mà ông để lại. Phạm Hổ vẫn chờ ta ở đấy.../.
Theo VOV