Trong quá trình Quốc hội thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao những kết quả đã đạt được về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm nay. Lần đầu tiên, cả 12/12 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội đã đạt và vượt mức Quốc hội giao; tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008; nước ta hiện nay thuộc nhóm các nước có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định,  lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách nhà nước tăng khá; các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định... Qua đó, đã khẳng định nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các mục tiêu được Quốc hội giao.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 30-5. Ảnh: Quốc hội.

Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá đây là những thành tựu ấn tượng và là niềm vui chung của cử tri, nhân dân cả nước. Tuy vậy, bên cạnh đánh giá tích cực đó, các đại biểu cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của tình hình kinh tế-xã hội hiện nay.

Tránh để bộ phận nhỏ làm "bẩn bức tranh toàn cảnh"

Đầu giờ sáng, đã có 91 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu. Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng nhiều cử tri vẫn hoài nghi với những kết quả đã đạt được bởi niềm tin của họ bị lung lay nên những cái tốt, tích cực không được tiếp nhận như thông thường.

Theo đại biểu, niềm tin của người dân bị ảnh hưởng vì thực tế hằng ngày diễn ra xung quanh họ. “Chúng ta có thể có nhiều chính sách vĩ mô tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng bức xúc hằng ngày của người dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng như: Vấn đề BOT giao thông; điều hành giá điện, giá xăng dầu; gian lận thi cử, đánh giá kết quả giáo dục...”, đại biểu dẫn chứng và nhấn mạnh đây là những vấn đề cần xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng để có phương án giải quyết thấu đáo với tinh thần “dù phác đồ đúng nhưng tình hình người bệnh không tốt lên thì phải xem xét lại. Nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai nhiều khi sai ở mắt xích nào đấy. Lúc này, cần xem xét, không bảo thủ, duy ý chí, che giấu sai lầm”, tránh để những cố gắng của cả hệ thống lại "bị vài bộ phận nhỏ làm bẩn bức tranh toàn cảnh”.

Cần lời giải để phát triển bền vững

Khẳng định “kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện”, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như: Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ. Khu vực nông nghiệp, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Khu vực công nghiệp, tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế... Theo đại biểu, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng bền vững vẫn là bài toán đặt ra cần một lời giải căn cơ, toàn diện.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

Góp ý những vấn đề cụ thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm đã nhấn mạnh đến 3 bất cập lớn hiện nay. Thứ nhất, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ, nhưng “tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động”. Năm 2018 có 165.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động song lại có đến 90.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động; cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường; doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 98% tổng số doanh nghiệp cả nước... “Như vậy, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến chất lượng lao động, đại biểu cho rằng, năng suất lao động tăng qua các năm, nhưng chất lượng lao động còn bất cập. Tính đến hết năm 2018, nền kinh tế có khoảng 54 triệu lao động, nhưng có 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lên. Điều này cho thấy, chất lượng lao động đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng, nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu, cần có giải pháp đột phá.

Về ngân sách nhà nước - nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối được ngân sách; có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi; kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần. “Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm”, nhấn mạnh điều này, song đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, vẫn còn những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ để bảo đảm thu ngân sách bền vững.

Cho rằng những giải pháp của Chính phủ là khá đầy đủ, toàn diện, kể cả đối với 3 bất cập nêu trên, song đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp ưu tiên dồn nguồn lực vào lĩnh vực nào cũng như tổ chức thực hiện ra sao để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2019.

Kiểm soát mặt bằng giá chung

Quan tâm giải pháp bảo đảm tiêu chí kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, lạm phát quý 1 năm 2019 chưa đáng lo ngại nhưng từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều vấn đề cần quan tâm, lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu ý kiến. 

Theo đại biểu, giá điện chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất vừa được điều chỉnh tăng 8,36% vào cuối tháng 3 vừa qua sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế và sẽ trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, giá điện tăng đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2019 tăng khoảng 0,29% so với tháng 3-2019. Cùng với đó, giá xăng tăng, thuế môi trường tăng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở 42 tỉnh thành trong cả nước sẽ ảnh hưởng lớn đến cung-cầu giá thực phẩm trong nước... Ngoài ra, giá viện phí, giá sách giáo khoa dự kiến tăng...

Nhấn mạnh "chỉ số giá tiêu dùng tăng sẽ dẫn đến lạm phát tăng", nữ đại biểu đề nghị Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế chỉ số lạm phát dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Bên cạnh đó, cần có thời điểm thích hợp cho tăng giá các dịch vụ y tế, giáo dục...để bảo đảm không tăng lạm phát; chủ động các mặt hàng, lĩnh vực tác động đến người dân một cách linh hoạt, chủ động bảo đảm cân đối cung cầu, bảo đảm giá cả thị trường, từ đó kiểm soát tốt mặt bằng giá chung, hạn chế tác động đến sản xuất, tiêu dùng cũng như đời sống của người dân; điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng; tiếp tục rà soát hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về giá; đẩy nhanh hoàn thiện định mức kinh tế-kỹ thuật, làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ vào giá...

Sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng dành phần lớn thời lượng phát biểu của mình để đề cập đến giá điện. Theo đại biểu, “từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là "tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi". Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên, có hay không giá điện chỉ tăng bình quân 8,36% như doanh nghiệp công bố khi hóa đơn tiền điện tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần...

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu ý kiến.

Đại biểu dẫn chứng, qua tiếp xúc cử tri, một cử tri đã nêu vấn đề đáng suy nghĩ là, “cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao, vậy mà mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp, tối thiểu 50-100kWh, chỉ phù hợp với hộ gia đình nghèo, khó khăn.”

"Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn, không phải tiết kiệm bằng mọi giá”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho rằng, đánh giá của EVN về giá điện của Việt Nam là thấp so với các nước là “so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào”, và thu nhập đầu người của Việt Nam thấp. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về giá điện cho người dân, cử tri được biết.

Cũng liên quan đến giá điện, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng việc tăng giá điện thời điểm này không phù hợp và đề nghị Chính phủ sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện; có đúng quy định không, nếu sai thì xử lý thế nào.

Theo đại biểu tỉnh Bình Thuận, việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, nhất là vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất, gây bức xúc cho người dân. “Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa tình trạng "té nước theo mưa” để tăng giá các mặt hàng khác; đẩy mạnh theo dõi thị trường, kiểm tra việc kê khai giá của các doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp nếu có biến động”, đại biểu đề nghị.

* Trước đó, tại phiên khai mạc ngày 20-5, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Báo cáo khẳng định, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội quý IV đã chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của năm 2018 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 - 2020. Chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã xác định phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả"; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể; có kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hằng tháng, hằng quý theo ngành, lĩnh vực; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc, nhất là về đầu tư, thương mại, thuế, phí, lao động, đất đai, tài nguyên...Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, thúc đẩy những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho phát triển...

PHƯƠNG HẰNG