Tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực

Báo cáo khẳng định: Năm 2018, tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp với những yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và còn những hạn chế, bất cập trong nội tại. Với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn đảng, toàn dân và toàn quân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong đó, có 3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu Tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 7,08% (số đã báo cáo Quốc hội là 6,7%).

Kết quả thực hiện 4 tháng đầu năm 2019, nhìn chung vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định; thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần....

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Theo báo cáo, xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã xác định phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả". Báo cáo nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề mới phát sinh; chủ động nghiên cứu, có chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy hơn nữa tiềm năng, sức mạnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020...

Với tinh thần đó, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

Cải cách môi trường kinh doanh còn chậm, chưa thực chất

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, nhất là những kết quả đạt được của tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn về một số nội dung. Cụ thể, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 tương đối toàn diện; song cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả đạt được năm 2018, những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành năm 2019 và các năm tiếp theo. Cùng với đó, cần tiếp tục đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân chủ quan của 11 nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu nêu trong Báo cáo của Chính phủ, nhất là vấn đề mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển các thị trường yếu tố sản xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: Quốc hội.

Bên cạnh đó, tuy đánh giá tình hình thu-chi ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực, song kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn; chất lượng công tác phân tích dự báo về ngân sách nhà nước còn chậm được cải thiện, số chuyển nguồn vốn đầu tư công khá lớn. Công tác thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, có thể gây khó khăn, bị động trong quá trình tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, tuy các Bộ, ngành có nhiều nỗ lực rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải cách môi trường kinh doanh nhưng còn chậm, chưa thực chất, nhưng việc thực hiện chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong đợi. Còn nhiều quan ngại của doanh nghiệp như: Chi phí không chính thức giảm nhưng còn ở mức cao; việc gia nhập thị trường còn nhiều khó khăn; thủ tục hành chính về đất đai, thuế, quản lý thị trường, giao thông vận tải… còn phiền hà; các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ vẫn đang gặp khó khăn...

Đáng chú ý, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; nhiều trường hợp trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất. Bên cạnh đó là tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra nghiêm trọng, nhiều vụ án thương tâm, gây bức xúc và lo lắng trong xã hội; nhiều vụ trọng án về ma túy đã được triệt phá, tuy nhiên còn nhiều lo ngại về tình hình, diễn biến phức tạp của các vụ án tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn. Số người chết vì tai nạn giao thông còn cao, chỉ giảm 0,4% so với năm 2017; đề nghị tiếp tục làm rõ cách tính, số liệu thống kê để phản ánh đúng thực trạng tai nạn giao thông; công tác quản lý, xử phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia quá mức cho phép, dương tính với ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông còn chưa hiệu quả...

Nhấn mạnh năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, do đó, đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh đến việc giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông; khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia; tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; có giải pháp quản lý thuế thực sự hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh qua mạng; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phòng ngừa các hoạt động thanh toán có dấu hiệu đánh bạc, rửa tiền, trốn thuế.

Đặc biệt, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thời tiết, khí hậu, chủ động xây dựng phương án ứng phó. Ngoài ra, tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 bảo đảm công khai, minh bạch; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về văn hóa giáo dục, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách....

PHƯƠNG HẰNG