Trung tướng, PGS, TS Lê Thu Hà, nguyên Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Bulgaria thành phố Hà Nội, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân như vậy.
Yêu đất nước hoa hồng qua lời kể của mẹ
Mẹ của Trung tướng Lê Thu Hà là bà Mạc Thị Phúc-một bác sĩ quân y công tác ở Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) từ năm 1956. Ngày còn nhỏ, cô bé Thu Hà thường được mẹ kể cho nghe những câu chuyện cảm động về các y, bác sĩ tình nguyện người Bulgaria, đã đến công tác tại Quân y viện 108 trong những năm tháng khó khăn, thiếu thốn khi hòa bình mới lập lại. Trung tướng Lê Thu Hà bồi hồi nhớ lại: “Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân y viện 108 từ Chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Nhà thương Đồn Thủy (còn gọi là Nhà thương Lanessan) của Quân đội Pháp ở Hà Nội. Khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như sách vở, tài liệu ở Quân y viện 108 rất thiếu thốn. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của Việt Nam, Bộ Y tế Bulgaria đã cử đoàn chuyên gia y tế tình nguyện sang Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế. Đoàn đã giúp Quân y viện 108 về chuyên môn, kỹ thuật ở nhiều chuyên ngành khác nhau, như: Nội, ngoại, nhi, nha khoa, lý liệu, kế hoạch hành chính... Đây là sự giúp đỡ ban đầu về chuyên môn có ý nghĩa lớn lao của Bulgaria cùng với các nước khác như Liên Xô, Trung Quốc, Hungary... đối với ngành y tế Việt Nam còn rất non trẻ lúc bấy giờ”.
Vào thời điểm đó, bà Mạc Thị Phúc là y sĩ ở Khoa Nhi. Bà thông thạo tiếng Pháp nên có điều kiện tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm chuyên môn từ các đồng nghiệp Bulgaria (các bác sĩ Bulgaria thời đó sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ giao tiếp). Kết thúc nhiệm vụ quốc tế tại Việt Nam, trước khi về nước, bác sĩ Popov đã tặng y sĩ Phúc một bức ảnh chân dung của mình và hộp gỗ chạm khắc Bulgaria làm kỷ niệm. “Mẹ tôi trân quý những kỷ vật này và cất giữ chúng rất cẩn thận”, Trung tướng Lê Thu Hà chia sẻ.
 |
Trung tướng Lê Thu Hà và ông Simeon Dimchev, Chủ tịch Hội Hữu nghị Bulgaria-Việt Nam (tháng 10-2019). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Theo Trung tướng Lê Thu Hà, thông qua tài liệu, thông tin báo chí, bà được biết nhiều hơn về sự giúp đỡ vô tư, chí nghĩa, chí tình của nhân dân Bulgaria trong cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Các chuyên gia y tế Bulgaria tình nguyện sang Việt Nam công tác lúc bấy giờ cũng như những người chiến sĩ ngoài mặt trận. Họ làm việc hết mình và cũng có người hy sinh xương máu vì Việt Nam. Giữa năm 1967, Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc rất ác liệt, trong đó có tỉnh Thái Bình, làm nhiều người chết và bị thương. Trước tình hình này, Chính phủ Bulgaria đã quyết định viện trợ khẩn cấp không hoàn lại 500.000 leva (tiền của Bulgaria thời kỳ đó) giúp tỉnh Thái Bình xây dựng bệnh viện dã chiến 250 giường bệnh. Đây là nghĩa cử cao đẹp, là sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời đã đặt nền móng cho sự hình thành Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Bulgaria ở tỉnh Thái Bình.
Cầu nối cho cuộc hội ngộ thầy trò Việt Nam-Bulgaria
Sau khi tốt nghiệp đại học, Thu Hà nối nghiệp mẹ, trở thành bác sĩ quân y. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Thu Hà có cơ duyên được sang Bulgaria học tập, nghiên cứu sinh ngành y. Đó là những năm tháng có nhiều ý nghĩa đối với sự trưởng thành của các nghiên cứu sinh Việt Nam. Không chỉ có kiến thức chuyên môn, họ còn được học hỏi phương pháp, phong cách làm việc từ những người thầy, đồng nghiệp và nhiều điều tốt đẹp từ văn hóa Bulgaria. Theo Trung tướng Lê Thu Hà, thời kỳ đó, Bulgaria có nhiều xáo trộn về chính trị, đất nước gặp nhiều khó khăn, hàng hóa, lương thực, thực phẩm đều khan hiếm, nhưng những sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh của các nước khác vẫn được đến học tập bằng học bổng của Chính phủ Bulgaria, riêng Việt Nam có tới hàng chục nghìn người. Những con số đó đã nói lên một phần về sự giúp đỡ, chia sẻ hết sức quý báu mà nhân dân Bulgaria đã dành cho Việt Nam. Đây cũng là nguồn nhân lực trí thức to lớn trở về xây dựng đất nước sau này...
Tháng 10-2019, Trung tướng Lê Thu Hà trở lại đất nước hoa hồng với tư cách là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Bulgaria, Trưởng đoàn công tác của hội đi thăm và làm việc tại Bulgaria. Trong chuyến đi này, bà đã gặp rất nhiều người Bulgaria có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Các bạn Bulgaria rất ngưỡng mộ trước sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam và nói rằng, trước đây, Việt Nam sang Bulgaria để học xây dựng đất nước, còn giờ đây họ học Việt Nam cách phát triển kinh tế.
Chuyến đi đó đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa 2 Hội Hữu nghị Việt Nam-Bulgaria và Bulgaria-Việt Nam, cũng như tình thân giữa Trung tướng Lê Thu Hà, nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Bulgaria thành phố Hà Nội, với Chủ tịch Hội Hữu nghị Bulgaria-Việt Nam, ông Simeon Dimchev. “Có lần, ông Dimchev gọi điện, khẩn khoản nhờ tôi giúp một việc tưởng như khó mà thực hiện. Nhà điêu khắc nổi tiếng Bulgaria-Giáo sư Minkov, nguyên là Viện trưởng Viện Hàn lâm Mỹ thuật Sophia, muốn tìm cô học trò người Việt Nam mà ông chỉ nhớ tên của một loài hoa. Hai thầy trò đã mất liên lạc gần 40 năm qua. Thông qua mạng lưới các chi hội của Hội Hữu nghị Việt Nam-Bulgaria thành phố Hà Nội, chúng tôi đã tìm được cô học trò đó: Nhà điêu khắc Hoa Bích Đào. Hiện bà Đào là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của ngành điêu khắc Việt Nam. Hai thầy trò đã liên lạc, có những dự kiến trao đổi hợp tác hai bên và rất mong có ngày được hội ngộ”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, có tình cảm đặc biệt với đất nước Bulgaria suốt gần nửa thế kỷ qua, Trung tướng Lê Thu Hà luôn tự hào và cảm thấy may mắn khi gia đình mình đã góp một phần nhỏ bé vào dòng chảy thời gian của tình hữu nghị Việt Nam-Bulgaria.
LINH OANH