 |
Cụ Toan đang đọc bài thơ do cụ sáng tác |
QĐND Online - Là một cựu lão thành cách mạng vừa nhận huân chương 60 năm tuổi Đảng, cụ bà Lê Thị Toan sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven sông Hồng, tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, năm 17 tuổi, cụ gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từng nắm giữ nhiều trọng trách trong phong trào cách mạng ở các địa phương qua các thời kì, đến nay, ở tuổi 86, cụ bà Lê Thị Toan vẫn còn mình mẫn và luôn tâm niệm rằng phải dăn dạy con cháu rèn luyện để trở thành những người Đảng viên ưu tú, người công dân có ích trong làng, xã.
Từ những năm kháng chiến
Chúng tôi gặp cụ lúc cụ đang chuẩn bị tham gia cuộc thi viết về Đảng và Nhà nước Việt Nam do Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy-Hà Nội) phát động, nhân chào mừng cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ánh mắt cụ toát lên niềm vui và sự cởi mở, cụ bồi hồi nhớ lại những năm tháng tham gia cách mạng nhiệt thành từ khi son trẻ, được sống trong không khí sục sôi, hào hùng của những ngày cách mạng mùa thu tháng Tám.
... Lệnh tổng khởi nghĩa được ban hành tháng 8 năm 1945, khi ấy, cụ đang hoạt động tại huyện Chương Mỹ - Hà Tây đã cùng toàn bộ anh em dân quân du kích kéo sang phủ Quốc Oai. Lên đến nơi, địch ở trong bắn ra bị thương một người, cụ với chị Ất (giờ chị đã qua đời) chạy vào làng kêu gọi Quốc dân đồng bào ra đánh Pháp giành chính quyền về nhân dân, đi đến đâu dân đổ ra đến đấy. Nhóm của tôi chia theo 4 phía tấn công vào phủ. Lính trong phủ sợ quá vứt hết súng xuống hồ. Chúng tôi sục sạo các ngõ ngách, vào bếp, vợ quan phủ đang nấp ở đó, bà ta chắp hai tay kêu: “Lạy quan lớn!”. Tôi nghĩ bụng: “Chúng mày là quan lớn chứ tao có phải quan đâu. Tao là dân, giờ tao lấy chính quyền về tay nhân dân.”
Trong vòng 1 ngày, dân quân giành được phủ, sau đó tuyên bố mít tinh luôn. Khi đó cụ được bầu trong ban chấp hành phụ nữ xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ – Hà Tây) - ngày nay đã được phong là xã anh hùng. Hai ngày sau, nhóm của cụ được giao về Quốc Oai và đi cướp chính quyền huyện Chương Mỹ vùng Quảng Vị, Trúc Sơn. Từ đây, các đồng chí đã thuyết phục được địch ra hàng nên giành chính quyền không đổ máu. Những ngày sau, cụ đi đến hầu hết các xã thành lập UBDT Giải phóng. Rồi cụ tham gia BCH phụ nữ huyện Chương Mỹ về sau là thường vụ phụ nữ huyện Chương Mỹ. Kháng chiến toàn quốc, cụ hoạt động tại Chương Mỹ. Ngày 19-12-46, địch đóng bốt ở Mai Lĩnh, Hội phụ nữ ở đây phân công cụ phụ trách 3 miền Trúc - Lương - Sơn. Địch sang vây đuổi, cụ suýt chết ở Tiên Lữ – Hưng Yên rồi ở xã Bài Trượng - Trúc Sơn. Tháng 5 năm 1947, cụ được phân công xây dựng cơ sở vùng kháng chiến Sâu và lâu ở quận 6 ngoại thành Hà Nội liên lạc cho Hà Nội, miền Đề Thám, qua xã Vĩnh Linh đường số 1, giờ là huyện Thanh Trì. 11 người trong nhóm chúng tôi bị phục kích, tôi cùng hai người nữa bò qua ruộng, người chìm xuống bùn, lúc ấy lúa đang thì con gái. Đến cầu giữa đường, chỉ còn lại ba người trong đó có cụ, những người còn lại về sau sống chết không rõ. Về sau, cụ được phân công phụ trách các xã Huỳnh Cung, Đại Từ, Tứ Kì, Pháp Vân, Giáp Tứ, Giáp Nhị, Hoàng Mai, Phương Mai. Lúc ấy, cụ là thường vụ phụ nữ quận 6. Xã nào có cơ sở rồi thì tổ chức sinh hoạt cho chị em. Trong những tháng ngày đó, cụ liên tục được phân công đi xây dựng cơ sở ở các nơi. Thời kì đó cũng có rất nhiều kiểu hoạt động... Nhiều lần đi công tác gặp địch phục kích, bị quây, may mắn mà cụ thoát chết. Có lần địch đuổi, nhóm của cụ chạy vào chùa, leo lên trên nóc chùa, khi địch chạy vào, chúng lùng sục không thấy, cụ nghe chúng nói với nhau: “Việt Minh biết bay” rồi bỏ đi. Một lần vừa đào xong hầm, chưa có lỗ thông hơi, địch kéo đến, cụ và một đồng chí nữa trốn trong hầm, khi chúng đi khỏi mọi người đến hà hơi thổi ngạt. Cụ toan nói: “May mà tôi sống được, nhưng đồng chí kia không qua được vì chết ngạt... Những lần “chết hụt” như vậy thì nhiều lắm. Nghĩ lại cảm thấy may mắn vì mình sống sót. Nhưng ngày ấy, chẳng ai nghĩ đến sống chết cho riêng mình, lúc nào tôi cũng đinh ninh phải chiến đấu hết mình, làm việc hết mình vì lý tưởng Cộng sản. Ngay cả khi có chồng con rồi, chồng tôi cũng là bộ đội cụ Hồ, ông chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Công việc của tôi từ đó về sau chủ yếu là đi xây dựng các cơ sở, các hội phụ nữ trong các xã quanh đồng bằng sông Hồng, đi phát triển và thúc đẩy phong trào công tác của chị em phụ nữ.”
Đặc biệt, trong những tháng ngày còn làm công tác Hội phụ nữ của cụ Toan, cụ đã nhiều lần có vinh dự được gặp Bác Hồ, lần thứ nhất cụ gặp Bác nhân dịp Bác đến nói chuyện với lớp học về việc xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể năm 1956, lần hai là tại hội nghị phụ nữ 5 tốt ở CLB Tăng Bạt Hổ (1959) dịp Bác đến thăm và động viên phụ nữ 5 tốt, lần thứ ba cụ được gặp Bác ở Hội nghị chiến sĩ thi đua (1960) nhân chuyến đến thăm và động viên các chiến sĩ thi đua toàn thành phố, lần thứ tư cụ gặp Bác tại Hội nghị phụ nữ Ba đảm đang tại Thủ đô Hà Nội năm 1962, lần thứ năm cụ gặp Bác tại trường Nguyễn Ái Quốc nhân ngày Bác về thăm và nói chuyện với cán bộ trung - cao cấp năm 1965-1966. Lần cuối cùng cũng là lần cụ nhớ nhất là năm 1969, cụ đến thăm bên giường bác 2 giờ đồng hồ trước lúc Bác ra đi. Nhìn dáng vẻ vị cha già vĩ đại khi ấy, không ai khỏi thổn thức, cả nước khóc, cả dân tộc Việt Nam khóc, giây phút đứng bên linh cữu của Người, tất cả như vỡ òa...
Đến khi sống cảnh thái bình
60 năm tuổi Đảng với gần 20 huân huy chương lớn nhỏ vì sự nghiệp xây dựng và giải phóng dân tộc. Đến nay, chiến tranh đã đi qua hơn 3 thập kỉ, những gì còn sót lại của cuộc chiến ấy trong tâm tưởng cụ chính là hình ảnh những tháng ngày đấu tranh kiên trung, hào hùng của dân tộc mà phần lớn cuộc đời cụ đã góp phần trong đó. Cụ có 7 người con, tới nay, họ đều là những Đảng viên gương mẫu, có người là trưởng phòng hình sự công an Thành phố Hà Nội, có người là đội trưởng đội phòng chống Ma túy, người làm trong quân đội... Cụ sống cùng gia đình con trai cả trong ngôi nhà nhà lớn khá khang trang. Khi được hỏi về những năm kháng chiến đã đi qua, cụ vẫn tự hào nhắc lại với một niềm vui như được có ai đó chia sẻ bẩu tâm sự. Cụ cũng dành sự quan tâm tới con cháu, ai học giỏi cụ khen thưởng, cụ nhớ tên từng đứa cháu, chắt, nhớ các cháu đang làm gì, công tác hay còn đi học ở đâu. Cụ bảo: “Từng này tuổi, tôi thấy kinh nghiệm sống của mình không phải ít, vì thế, tôi tâm niệm phải luôn ở bên các cháu để rèn rũa, khuyên bảo các cháu nên người, trở thành những công dân chân chính, mẫu mực...”.
Cụ đưa chúng tôi đọc những dòng thơ tâm huyết cụ viết về lẽ sống, nhân tình thế thái, về công ơn không gì sánh được của Đảng, Bác với một niềm vui, một niềm tin chân thành - “Tôi là người Cộng sản, đó là niềm tự hào và là trọng trách tôi nguyện mang theo, cống hiến suốt cuộc đời”. Không chỉ với những con cháu trong nhà, cụ luôn nắn chỉnh những hành vi, lời lẽ không đúng của những người xung quanh một cách nghiêm túc, nhờ đó, cụ được mọi người kính trọng, nể phục.
Bền bỉ cống hiến, bao nhiêu năm nay, cụ bà Lê Thị Toan vẫn miệt mài chắt lọc những dòng tâm tư, những lời hay, lẽ phải rút ra ở đời dồn vào những trang thơ, những mong đó là kỉ vật quí giá nhất cụ có thể để lại, làm “kim chỉ nam” đưa đường cho các con, các cháu trở thành những công dân tốt, có ích cho nước nhà.
Bài và ảnh: Vương Thúy