Chiều 9/5, tại trụ sở Cổng thông tin điện tử Chính phủ - 16 Lê Hồng Phong - Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đối thoại trực tuyến với bạn đọc cả nước xoay quanh chủ đề "Thị trường bất động sản - thực trạng và giải pháp phát triển bền vững".
Chiều 9/5, tại trụ sở Cổng thông tin điện tử Chính phủ - 16 Lê Hồng Phong - Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đối thoại trực tuyến với bạn đọc cả nước xoay quanh chủ đề "Thị trường bất động sản - thực trạng và giải pháp phát triển bền vững". Cuộc đối thoại trực tuyến được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ (www.vietnam.gov.vn; www.chinhphu.vn); Báo Xây dựng điện tử (www.baoxaydung.vn) và Báo điện tử Việt Nam Net (www.vietnamnet.vn).
Đây là kênh thông tin hai chiều hữu ích về thị trường bất động sản giữa người dân và người đứng đầu ngành Xây dựng Việt Nam. Thời điểm này, thị trường bất động sản (BĐS) đang là một trong những "điểm nóng" thu hút sự quan tâm của toàn xã hội với nhiều câu hỏi đang rất cần sự giải đáp tin cậy, mang tính chính thức từ Bộ Xây dựng - cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Ngay trước khi bắt đầu buổi giao lưu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định: Các biện pháp quản lý của Bộ hướng tới minh bạch hóa thông tin thị trường, tìm sự đồng thuận trong xã hội nhằm ổn định, phát triển thị trường này. Điều tiết thị trường BĐS cũng nằm trong nhiệm vụ thực hiện các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững...
Trong khoảng 2 tiếng, 15 vấn đề được tập hợp từ nhiều câu hỏi đã lần lượt được Bộ trưởng giải đáp. Điểm "nóng" thuộc về các vấn đề như: Sự mất cân đối cung - cầu khiến giá BĐS bị đẩy lên quá cao, người thu nhập thấp và trung bình khó tiếp cận thị trường; các văn bản, chính sách liên quan đến thị trường BĐS, nhà ở xã hội, cho người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam...; quy luật thị trường ảnh hưởng đến tính minh bạch trong giao dịch... Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhận định thị trường BĐS luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: quy hoạch, vốn, nguồn cung... nên rất nhạy cảm và dễ có biến động. Tuy nhiên thị trường này phát triển đã đóng góp nhiều cho việc phát triển đô thị, hạ tầng xã hội, cải thiện chỗ ở cho người dân.
Trong thời gian dài, giá BĐS bị đẩy lên quá cao chủ yếu do nguồn cung không đủ đáp ứng cầu, làm phát sinh nạn đầu cơ, nguời tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt thòi khi mua qua trung gian hoặc không đủ khả năng mua. Để kiểm soát thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ một số giải pháp nhằm phát triển lành mạnh thị trường như: rà soát lại các dự án đang triển khai có hiệu quả để ngân hành tiếp tục cho vay; điều chỉnh cơ cấu căn hộ tại các dự án cho phù hợp để người có thu nhập trung bình có cơ hội tiếp cận thị trường. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực BĐS, từ nay đến cuối năm 2008, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc để thị trường phát triển; định hướng để tăng nguồn cung các loại BĐS thiết yếu cho phù hợp nhu cầu thị trường; đảm bảo tính công khai, minh bạch và lành mạnh của các giao dịch trên thị trường BĐS; hoàn thiện chính sách về tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển BĐS...
Để minh bạch thị trường, Luật BĐS quy định các giao dịch phải thông qua sàn và ngay cả các sàn cũng phải công khai thông tin về dự án, số lượng cũng như giá cả; thậm chí có sự giám sát của cả người mua. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các giao dịch BĐS thường vẫn là giao dịch "ngầm" bởi chính sách thuế chưa phù hợp (thuế chuyển nhượng quá cao).
Riêng vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết đã triển khai thí điểm tại 3 địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự chuyển động tích cực. Trong thời gian tới, ngành Xây dựng sẽ đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở để các đối trượng có thu nhập thấp, người nghèo có chỗ ở, góp phần an sinh xã hội. Muốn thực hiện điều này rất cần có sự đồng lòng góp sức các địa phương và doanh nghiệp.
Vấn đề cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam hay chính sách cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam được mua nhà ở cũng được nhiều độc giả quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài được phân thành nhiều loại nên liên quan đến Luật Cư trú và chờ Bộ Tư pháp xem xét lại. Việc cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập. Các quy định cụ thể sẽ được trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới dưới dạng Nghị quyết./.
Theo: TTXVN-Thu Hằng