QĐND Online – Kết thúc môn thi Lịch sử sáng nay (4-7), nhiều thí sinh tỏ thái độ thích thú trước đề thi môn Lịch sử và bày tỏ tiếc nuối vì không chọn môn này là môn thi chính cho xét tuyển đại học mà chỉ là môn xét tốt nghiệp.

Đề không yêu cầu học thuộc lòng

Từ trước đến nay, môn Lịch sử vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều thí sinh, đặc biệt là các thí sinh không theo khối C. Do đó, hai năm thực hiện cho thí sinh tự chọn môn thi, Lịch sử luôn là môn đứng cuối bảng trong danh sách lựa chọn.

Đề thi không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc lòng khiến nhiều bạn thích thú.

Thế nhưng, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, bất ngờ là nhiều thí sinh dù xét tuyển đại học các khối tự nhiên nhưng vẫn quyết tâm lựa chọn Lịch sử làm môn thi tốt nghiệp. Có nhiều lý do, nhưng một lý do quan trọng là việc đổi mới cách thi cử, đề thi không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng và nhớ nhiều sự kiện, thay vào đó, đề cao sự vận dụng, kiến thức thực tiễn.

Rời phòng thi khá sớm, Ngọc Anh, học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) – xét tuyển đại học khối D nhưng chọn Lịch sử là môn thi tốt nghiệp – cho biết em rất yêu môn Lịch sử nhưng tiếc là Đại học Hà Nội không có khối C nên em chọn môn này làm để xét tốt nghiệp. Đặc biệt em có ý định du học nên quyết tâm học, tìm hiểu lịch sử đất nước để làm hành trang khi sang xứ người.

Ngọc Anh chia sẻ tâm trạng bất ngờ và thú vị khi đọc đề: “Đề thi rất hay, không hề yêu cầu thí sinh học thuộc, ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là nền tảng, là cơ sở để từ đó chúng em phát triển bài làm. Do đó, dù đề thi khá dài nhưng khi làm lại nhẹ nhàng vì chủ yếu những kiến thức viết ra từ hiểu biết của bản thân”.

Cũng bày tỏ sự thích thú trước đề thi Lịch sử, Nguyễn Việt Hoàng, học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), dự thi tại cụm thi do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, cho biết mình làm hết 6 mặt giấy.

“Rõ ràng là với đề thi này, chúng em không phải lo lắng về việc môn Lịch sử cần ghi nhớ quá nhiều sự kiện và con số nữa. Đề thi chủ yếu yêu cầu liên hệ thực tế, nếu học sinh chịu khó nghe, chịu khó cập nhật tin tức thời sự và xem phim về đề tài lịch sử chắc chắn sẽ làm tốt”, Hoàng hào hứng nhận xét.

Hoàng cũng là học sinh khối D với mong ước trở thành nhà kinh doanh và em lựa chọn thi Lịch sử để lấy điểm xét tốt nghiệp bởi Hoàng cho rằng lịch sử cũng là một môn khoa học xã hội rất thú vị và để là một doanh nghiệp giỏi, trước hết phải có kiến thức xã hội tốt.

Thí sinh Dương Ngọc Linh, học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) bày tỏ tiếc nuối vì đã không chọn Sử là môn thi chính xét tuyển đại học vì câu hỏi quá cơ bản và dễ. Đề thi hơi bất ngờ với Linh vì đề không hề khó, nội dung chủ yếu là nêu cao tinh thần yêu nước.

Linh thích nhất là câu hỏi yêu cầu nêu những công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam và đưa ra sự kiện quan trọng trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, dựa trên bảng mốc thời gian, sự kiện cho sẵn và câu về quyền độc lập dân chủ của Việt Nam. Linh cho rằng bất cứ ai là người dân Việt Nam đều có thể biết, nắm rõ để trả lời được câu hỏi này. Câu hỏi đã nhắc lại cho thí sinh biết dân tộc Việt Nam đã từng đau khổ như thế nào và từ đâu Việt Nam được như bây giờ. Đó cũng là cách gián tiếp để nhắc nhở thế hệ ngày nay về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp họ hiểu hơn Lịch sử Việt Nam.

Cùng chung tiếc nuối vì đã không chọn Sử làm môn xét tuyển đại học, thí sinh Nguyễn Lê Phúc Anh, học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội, cho rằng thí sinh chỉ cần có kiến thức xã hội tốt và ghi nhớ một số mốc lịch sử quan trọng của đất nước là có thể làm tốt bài thi này. Để làm câu về các cuộc kháng chiến nổi bật của Việt Nam, những nhân tố thành công, Phúc Anh dựa trên 3 yếu tố: Con người, đoàn kết và yêu nước để liên hệ, áp dụng trong cuộc sống hiện nay.

Nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng vui vẻ .

Phúc Anh cho hay nhiều bạn sợ môn Sử vì nghĩ phải học quá nhiều mốc thời gian. Điều quan trọng khi học sử là rút ra được nội dung, ý nghĩa của những sự kiện, đồng thời có sự phân tích, áp dụng với đời sống hiện nay.

Không chỉ những thí sinh ở các trường thuộc tốp đầu của Hà Nội tỏ ra thích thú với môn Lịch sử, mà ngay cả những thí sinh từ trung tâm giáo dục thường xuyên cũng cho rằng đề thi môn Sử không khó.

Thí sinh Nguyễn Hoàng Hiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoàng Mai cho rằng đề Sử năm nay không khó. Hiệp chỉ hơi bất ngờ vì đề có nhiều câu hỏi mở khiến em gặp đôi chút khó khăn vì chưa có sự chuẩn bị trước, tuy nhiên những câu hỏi đó chỉ cần vận dụng tư duy và liên hệ thực tiễn là có thể giành điểm. Câu hỏi về thanh niên Việt Nam làm gì để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc là câu Hiệp thích nhất. “Dựa vào thực tiễn cuộc sống và năng lực mỗi người, có người chọn việc tích lũy kiến thức, có người làm công tác phục vụ, miễn sao đều cống hiến vì Tổ quốc”, Hiệp cho hay.

Thí sinh Bùi Thị Châm (Giao Lạc, Giao Thủy, Nam Định) cho biết: Em thi khối D và đã chọn môn Lịch sử làm môn thi điều kiện xét tốt nghiệp cho mình. “Trước đây em thấy môn Sử rất khó học vì có nhiều sự kiện, nhiều mốc thời gian và khô khan. Nhưng bây giờ thì khác rồi, em biến các bài học lịch sử thành những câu chuyện, mỗi bài là một câu chuyện hay và gắn với các sự kiện diễn ra trong nước và trên thế giới. Từ đó, mỗi tiết học của em là một câu chuyện chứ không còn là những bài học khô khan nữa”,
Châm chia sẻ.

Phạm Minh Quang, Trường THPT Quang Trung (Nam Định) cho rằng đề Sử gần với thực tế, học sinh chỉ cần hiểu bài trên lớp có thể dễ dàng giành 5-6 điểm. Quang thích lịch sử bởi từ nhỏ đã được đọc sách và xem phim về sử nhiều nên lớn lên thích tìm hiểu.

Đề thi hay, phân hóa cao

Đánh giá về đề Sử năm nay, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) tỏ ra rất thích với đề thi và cho rằng đề thi có tính phân hóa cao.

Về nội dung kiến thức, đề thi môn Lịch sử nằm trọn vẹn trong chương trình sách giáo khoa 12 hiện hành, xuyên suốt, bao quát nội dung chương trình theo các giai đoạn của lịch sử Việt Nam (1919 – 1930, 1930 – 1945, 1945 -1954, 1954 – 1975).

Đề thi không bắt học sinh phải nhớ và trình bày những sự kiện, kiến thức chi tiết tỉ mỉ, ngày. tháng, năm cụ thể, mà trên cơ sở những kiến thức cơ bản về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, về Cách mạng Tháng 8, về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975) để yêu cầu thí sinh thể hiện các kỹ năng làm bài: Từ nhận biết kiến thức đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, thông qua các yêu cầu: Trình bày kiến thức, lựa chọn kiến thức, đánh giá nhận xét kiến thức, liên hệ thực tiễn ngày nay…

Thầy Hiếu cho rằng đề thi như thế này sẽ khắc phục được thói quen học tủ của thí sinh, buộc thí sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản, xuyên suốt; nhưng đồng thời cũng giúp thí sinh phải biết cập nhật được những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ được tổ chức trong năm 2015, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9.

Có thể nói, đề thi có tính phân hóa rất cao, vừa đáp ứng được cơ bản cho những thí sinh lựa chọn môn Sử để xét công nhận tốt nghiệp, vừa đánh giá được năng lực học sinh tham gia xét tuyển vào đại học khối C năm học 2015 – 2016.

Bài, ảnh: HÀ MINH ĐÔNG