Bên cạnh đó, nhiều góc nhìn đa chiều về những vấn đề kinh tế-xã hội, những tồn tại, hạn chế cũng được các đại biểu phản ánh tại phiên thảo luận. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận là về công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.

Để người dân được sống trong môi trường xã hội an bình, hạnh phúc

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đồng ý với 11 nhóm tồn tại, hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, trong đó đề cập đến tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

Đại biểu  cho hay, nhiều cử tri lo lắng trước tình hình phạm pháp tăng, có nơi gây bức xúc dư luận, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, nạn nghiện hút, sử dụng chất gây nghiện của thanh thiếu niên, các vụ trộm cắp, cướp tài sản, giết người man rợ trong đó có nhiều vụ trọng án, nguyên nhân phần lớn từ người nghiện ma túy gây ra, tạo tâm lý bất an trong nhân dân. Các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn mặc dù lực lượng công an đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, tuy nhiên, có cử tri thắc mắc liệu Việt Nam đã là “địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế hay chưa, tại sao một khối lượng rất lớn ma túy lọt được sâu trong nội địa Việt Nam, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào trong nước như thế nào. Cùng với đó, tình hình các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp trong khi cử tri băn khoăn liệu mức xử phạt với loại tội phạm trên đã đủ sức răn đe chưa?”

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc hội.

Nhấn mạnh hàng loạt mối quan tâm, lo lắng, bức xúc của cử tri và nhân dân cần sớm được tập trung chỉ đạo, giải quyết ráo riết, quyết liệt hơn nữa để người dân có quyền được sống trong môi trường xã hội thật sự an bình, hạnh phúc, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đề nghị Bộ Công an tiếp tục tập trung nắm, phân tích, dự báo sát tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, chú trọng công tác phòng ngừa xã hội kết hợp chặt chẽ phòng ngừa nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm với mục tiêu kiềm giảm gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về an ninh trật tự xã hội trên từng địa bàn...

Nữ đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, trong hệ thống pháp luật của chúng ta có một số dự án luật còn quy định chưa đồng bộ, không đầy đủ kể cả áp dụng trong thực tiễn để xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật. Đại biểu dẫn chứng, điển hình là pháp luật quy định về loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, có tội danh chưa rõ ràng khiến các cơ quan tố tụng trong một số vụ không thống nhất được tội danh. Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về định lượng giá trị tang vật hoặc giá trị thu lợi bất chính để cấu thành tội phạm vẫn còn quá cao, rất khó để khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong hoạt động khai thác cát trái phép. Một số quy định của pháp luật trong xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, khẩn trương sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ sớm rà soát lại các nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự để kịp thời bổ sung cho hoàn thiện.

Tội phạm liên quan đến ma túy diễn biến phức tạp

Cũng nhắc lại một loạt các vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan đến ma túy, ngáo đá thời gian gần đây như vụ cô gái giao gà ở Điện Biên, vụ Phó phòng ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An, vụ sát hại bà ngoại bạn gái, bà nội, bố đẻ ở Long An..., đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhấn mạnh, tình hình tội phạm ma túy diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, thủ đoạn và hoạt động hết sức tinh vi. Trong quý I/2019, số vụ ma túy phá được lên tới hơn 6.500 vụ, lớn hơn cả năm 2018. Có những vụ án lớn như triệt phá tập đoàn ma túy, bắt giữ hơn 1,1 tấn ma túy đá tại TP Hồ Chí Minh; vụ hàng tấn ma túy đá bị vứt bên lề đường nhằm phi tang; riêng tháng 4-2019 chúng ta đã phát hiện hơn 6 tấn ma túy.... Mới đây, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã công bố phát hiện nhiều chất ma túy cực mạnh mới có ở Việt Nam. Theo đó, nhiều chất ma túy chưa có trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73 của Chính phủ. Có những chất như metinphenildat, FUV144 có tác dụng gây ảo giác cực mạnh lần đầu tiên phát hiện ở nước ta. Đáng sợ hơn nữa, bằng thủ đoạn tinh vi, thủ phạm còn sử dụng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sau khi uống vào cơ thể viên nén giải phóng ra chất ma túy...

Từ đó, đại biểu tỉnh Bạc Liêu bày tỏ băn khoăn: Vì sao cả hệ thống chính trị đã rất nỗ lực, sự trừng phạt của pháp luật khá nghiêm khắc mà các loại tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy vẫn gia tăng. Nguyên nhân chính là do đâu, Chính phủ có giải pháp nào căn cơ, hiệu quả hơn giải pháp đó, có thể như bản cam kết trước cử chi và nhân dân về quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này.

“Cử tri đề nghị Quốc hội cần khẩn cấp tổ chức hoạt động giám sát về công tác phòng, chống ma túy trong giai đoạn hiện nay vì tương lai của dân tộc, vì sự phát triển giống nòi, vì sự thanh bình, thịnh vượng”, đại biểu đề nghị.

Giải pháp huy động ngoại tệ, vàng trong dân

Ngoài ra, tại phiên họp, góp ý về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đánh giá, tuy có chuyển biến nhưng còn nhiều khó khăn và rào cản: Tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố đầu vào của các công ty nước ngoài có quy mô lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đặt trên lãnh thổ Việt Nam vẫn dừng lại ở việc gia công lắp ráp, sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Tỷ lệ nội địa hóa thấp chứng tỏ các doanh nghiệp trong nước chưa tiếp cận và chưa trở thành đối tác cung cấp thường xuyên về nguyên vật liệu phụ trợ cho các công ty nước ngoài...

Từ thực tế như trên, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thêm thực sự khách quan thẳng thắn về đầu tư, về tăng trưởng do yếu tố nước ngoài mang lại. Từ đó có sự đổi mới về chính sách thu hút phù hợp và công bằng với các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, trong những năm gần đây, điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ đã có nhiều năng động, linh hoạt, tôn trọng quy luật thị trường, tương đối ăn khớp giữa chính sách tài khóa với một số chính sách khác.

Đại biểu góp ý trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ, vàng trong dân; nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, bởi lãi suất của chúng ta hiện nay còn cao trong khi dư địa giảm lãi suất vẫn còn...

PHƯƠNG HẰNG