Trong thời gian tại Nhật Bản, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã hội kiến với Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe), Chủ tịch Hạ viện Ta-đa-mô-ri Ô-si-ma (Tadamori Oshima) và tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Sin-i-chi Ki-ta-ô-ca (Shinichi Kitaoka). 

Tại các cuộc gặp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và thực chất của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực với sự tin cậy cao về chính trị; nhấn mạnh những chuyến thăm Việt Nam của các lãnh đạo cấp cao Nhật Bản và chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã tạo dấu mốc quan trọng cũng như động lực cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản phát triển hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng Sin-dô A-bê, Chủ tịch Hạ viện Ta-đa-mô-ri Ô-si-ma khẳng định, Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực; sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, đồng thời mong muốn cùng lãnh đạo Việt Nam tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.

Thủ tướng Sin-dô A-bê đã cảm ơn việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thư mời tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và cho biết, Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn diện Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017. 

Tại hội đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao và phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, trên tinh thần xây dựng và tin cậy, hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua cũng như chuẩn bị nội dung để bảo đảm thành công cho chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian tới, nhằm làm sâu sắc, hiệu quả và thực chất hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. 

Tại hội đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây; nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động gây căng thẳng và quân sự hóa dẫn đến thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

TRUNG ĐOÀN