Khắp các địa danh của tỉnh Quảng Trị, nơi đâu cũng gợi nhớ lại một thời hào hùng nơi tuyến lửa trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những ngày này, không khí trở nên nhộn nhịp khi các đoàn của cơ quan trung ương, từ khắp các địa phương tới đây theo các chương trình kỷ niệm lần thứ 60 Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Ngày 15-7, khi về thăm Quảng Trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng dành hết thời gian vào công tác đền ơn đáp nghĩa các đối tượng chính sách.

Cả nước hỗ trợ, tự mình vươn lên

Ở Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ của xã cũng mang tính chất quốc gia vì có những liệt sĩ từ khắp các địa phương cả nước nằm lại đó- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Hữu Phúc mở đầu báo cáo với Chủ tịch nước như vậy-Thế mà ở tỉnh có 72 nghĩa trang với 52.258 liệt sĩ. Có hai nghĩa trang cấp quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Hai nghĩa trang này Chủ tịch nước đều vừa vào viếng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng quà các gia đình chính sách.

Công tác đền ơn, đáp nghĩa triển khai trong hoàn cảnh tỉnh còn nghèo về kinh tế, hậu quả của chiến tranh không dễ khắc phục triệt để “một sớm, một chiều”. Thế nhưng-theo báo cáo của tỉnh-nay đã xác nhận và giải quyết chế độ trợ cấp cơ bản cho các đối tượng chính sách. Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng, hơn 240 bố mẹ liệt sĩ neo đơn và hàng trăm thương binh, con liệt sĩ được nhận đỡ đầu, giúp đỡ, giải quyết việc làm. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, đã quy tập 5.962 mộ liệt sĩ, huy động hàng nghìn ngày công cùng ngân sách nhà nước xây dựng, nâng cấp 39 nghĩa trang.

Làm được một núi công việc như vậy là nhờ phong trào đền ơn, đáp nghĩa được thực hiện tốt. Tỉnh đã huy động gần 47 tỷ đồng vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng mới 2.349 căn nhà tình nghĩa, tổng giá trị 33 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa 692 nhà tình nghĩa với giá trị hơn 2,4 tỷ đồng, tặng 5.152 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 1,2 tỷ đồng.

Nghe chuyện kể, Chủ tịch nước cảm động nói:

- Tôi xúc động vì những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Họ ra đi, tuổi còn trẻ, để lại vợ con, mẹ già. Cảm ơn Quảng Trị đã thay mặt cả nước chăm sóc phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ. Mừng vì Quảng Trị đã và đang vươn lên. Cũng mừng vì các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và toàn dân đã tích cực đền ơn đáp nghĩa thương binh, gia đình liệt sĩ nói chung và với Quảng Trị nói riêng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Bất kỳ ai, dù ở cương vị nào cũng phải chăm lo cho đối tượng chính sách. Việc này không bao giờ ngừng. Người người, nhà nhà cùng đền ơn đáp nghĩa, mỗi ngày hãy làm nhiều hơn để bù đắp phần nào mất mát, đau thương của thương binh, gia đình liệt sĩ...

Ngay sau ý kiến của Chủ tịch nước, 8 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau đã tuyên bố dành sự ủng hộ cho tỉnh đợt này tổng cộng 6,7 tỷ đồng. Một nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp cũng được đề đạt là góp phần xây dựng Đền thờ anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh ở sông Thạch Hãn.

Chuyện kể ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Dâng hoa tại Khu khánh tiết, thỉnh chuông và đặt vòng hoa, dâng hương ở Khu trung tâm của Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… là những việc được Chủ tịch nước thành kính thực hiện. Khi tiếng chuông ngân lên, trong thinh không yên ắng gần như tĩnh lặng, vi vút gió ngàn, ai có mặt cũng tỏ sự xúc động trong chốn linh thiêng. Chúng tôi nhận thấy sự xúc động của Trung tướng Bùi Văn Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cùng nhiều lãnh đạo của các ban, ngành trung ương, địa phương...

Nâng niu từng nén nhang, trân trọng cắm trên mộ nhiều liệt sĩ, Chủ tịch nước hỏi han những đồng chí lãnh đạo tỉnh về việc chăm sóc phần mộ các liệt sĩ. Chủ tịch nước nói: Mảnh đất Quảng Trị kiên cường, chịu nhiều gian khổ, ác liệt, rất đỗi anh hùng. Những liệt sĩ chiến đấu trên mảnh đất đầy huyền thoại này đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc và thống nhất đất nước. Chúng ta đời đời biết ơn và nguyện học tập, tiếp bước theo gương các thế hệ chiến sĩ cách mạng.

- Trong thời gian tới-Chủ tịch nước nhấn mạnh-phải thực hiện thật tốt 4 nhiệm vụ lớn. Đó là khơi dậy lòng tự hào của các thương binh, gia đình liệt sĩ, của Quân đội anh hùng và của cả dân tộc anh hùng. Một Quân đội, một dân tộc không khuất phục trước cường quyền và bạo lực, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Lòng tự hào đó là sức mạnh to lớn, đời đời của các thế hệ Việt Nam. Nhiệm vụ nữa là làm thật nhiều việc, tận tình chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Cũng không thể coi nhẹ nhiệm vụ tiếp tục giáo dục tinh thần yêu nước, sẵn sàng quên mình vì nước, nhất là đối với thế hệ trẻ. Noi gương các thế hệ cha anh, giữ gìn độc lập, tự do của Tổ quốc. Cuối cùng là mỗi tổ chức, cơ quan, mỗi người chúng ta thi đua làm cho đất nước giàu mạnh, phát triển nhanh và bền vững, sánh vai với các nước trên thế giới như lời Bác Hồ dạy. Coi đó là sự thể hiện quyết tâm cao nhất của tinh thần: Sống, làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại và các anh hùng, liệt sĩ.

Giọng của Chủ tịch nước trầm hẳn đi: Làm được như vậy, chắc các anh hùng, liệt sĩ đang nằm tại đây sẽ mỉm cười nơi chín suối, vì nhận thấy sự hy sinh của mình đã có giá trị cao quý đối với đồng bào, chiến sĩ và Tổ quốc chúng ta.

Trong Sổ lưu niệm của nghĩa trang, Chủ tịch nước viết: “Tổ quốc Việt Nam đời đời biết ơn các anh hùng, liệt sĩ. Chúng ta nguyện học tập và tiếp bước con đường của các đồng chí”.

Tranh thủ thời gian, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với đồng chí Hồ Tất Ái, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

- Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, hẳn công việc của các anh tăng lên nhiều?

- Dịp này, các tổ chức, cơ quan trung ương và khắp các địa phương trong cả nước đều tổ chức các hoạt động thăm viếng, tu sửa, nâng cấp các khu mộ con em của địa phương mình. Số đoàn đến viếng tăng gấp khoảng 4-5 lần so với mấy năm trước. Chúng tôi chỉ có 20 người, đủ việc nhưng xác định là: Làm hết việc chứ không phải chỉ làm hết giờ. Bất cứ lúc nào, cứ có khách là phục vụ. Ngay ở đây cũng có hai phòng có thể để thân nhân liệt sĩ nghỉ lại song ở Thị xã Quảng Trị có cơ sở đón và đưa thân nhân liệt sĩ lên viếng, nên hầu như họ không phải nghỉ lại.

- Việc giáo dục truyền thống, noi gương anh hùng, liệt sĩ được các anh thực hiện như thế nào?

- Chúng tôi có trách nhiệm chăm lo hơn 1 vạn mộ phần liệt sĩ, công việc rất nhiều từ sửa sang mộ, phòng chống cháy cây rừng, đón tiếp các đoàn và khách… Nhưng chúng tôi luôn coi phối hợp với các tổ chức, cơ quan, trường học trong giáo dục truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng. Khi có các đoàn khách đến thăm viếng, chúng tôi giới thiệu tinh thần chiến đấu hy sinh quên mình của các thế hệ đi trước, chiếu phim tài liệu, giới thiệu sách lịch sử Bộ đội Trường Sơn… Không chỉ các ngày đại lễ mà ngay cả những ngày lễ của các ngành, địa phương công việc đó cũng được triển khai. Việc báo công của các đơn vị, trường học… cũng được thực hiện. Chúng tôi cũng làm việc với ngành du lịch, góp phần tạo nên loại hình du lịch lịch sử-truyền thống.

- Các anh đã chuẩn bị cho cuộc đua xe đạp tranh Cúp báo Quân đội nhân dân như thế nào?

- Chúng tôi được thông báo có cuộc đua đó và ngày 22-7, Ban tổ chức, các vận động viên và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân sẽ dự lễ tại đây. Chúng tôi coi đây là một hoạt động lớn và đang được triển khai ở cấp tỉnh. Chúng tôi cũng sẵn sàng, cứ có việc gì trên giao là thi hành ngay, không chỉ là trách nhiệm mà còn vì nghĩa tình và lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đang nằm lại nơi đây.

Suốt trong thời gian diễn ra các hoạt động của Chủ tịch nước như đi thăm, dâng hương ở Thành cổ, thả hoa tưởng nhớ anh linh liệt sĩ trên dòng Thạch Hãn, thăm khu di tích và tưởng niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn… chúng tôi vẫn luôn nghĩ về sức mạnh vượt khó khăn để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Phải bằng một trách nhiệm cao cả thấm đượm nghĩa tình mới có thể chăm chút cho từng phần mộ liệt sĩ chu đáo đến thế; chăm lo từng chút một cho cuộc sống của thân nhân liệt sĩ, thương binh-những người chịu mất mát-đỡ vất vả, vươn lên khá giả hơn. Đó là tính cách và truyền thống của người Quảng Trị, cũng là cốt cách của dân tộc ta.

VIỆT ÂN