Anh bạn tôi kể, từ mấy năm nay, ở thôn anh tự nhiên sinh ra cái lệ, hễ gia đình nào có con đỗ đại học đều làm đôi chục mâm cỗ mời bà con đến liên hoan “mừng cho cháu”. Nhưng với ông B (cùng thôn) thì chẳng đến dự liên hoan nhà ai. Thường đến tối ông mới tới chơi, tay cầm mấy quyển vở hoặc cây bút, rồi gọi đứa con chủ nhà căn dặn: “Bác có chút quà nhỏ, chúc cháu lên đường học tập chăm chỉ và thành đạt để bố mẹ và hàng xóm được vui…”. Mọi người cho ông là “tránh cỗ”, đỡ phải “móc hầu bao” đấy thôi… Lại nữa, trong thôn chỉ có mươi anh em đồng ngũ, việc bé việc lớn trong mỗi gia đình mọi người đều chung tay giúp đỡ, tình nghĩa đồng đội thật cao quý. Nhưng bàn mãi để mỗi tháng góp đôi ba chục liên hoan với nhau một bữa mà chỉ có riêng ông phản đối. Ông bảo: “Hằng năm chúng ta nên tổ chức một lần vào ngày thành lập Quân đội nhân dân, cùng với toàn dân kỷ niệm ngày lễ lớn, nó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều…”.
Tiếng đồn ông là người “ky bo”, tính toán từng xu lan ra từ đấy. Ông tâm sự với tôi: “Các cụ ta có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng dân mình đã giàu có đâu mà sinh nhiều lễ thế. Mấy năm gần đây, tuy đời sống của bà con ta có khá lên, nhưng nhiều gia đình cũng mới chỉ thoát nghèo. Vất vả, vật lộn với nắng mưa mới có hạt thóc, bắp ngô, rồi còn thiên tai, sâu bệnh. Trông vào con lợn, con gà thì năm được năm thua. Còn nhiều việc phải chi tiêu trong gia đình, như nuôi con ăn học, khi giỗ tết, rồi phải giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Tình cảm láng giềng tối lửa tắt đèn, lá lành đùm lá rách, gặp những trường hợp như thế, dân mình đâu có thể làm ngơ…”.
Vậy mà… Con ngõ nhà ông lâu nay hư hỏng, đất đá lởm chởm rất khó đi, tối đến thì chẳng có lấy một bóng đèn. Sau nhiều lần họp không thành, ông tự mình dùng tiền mua dây mắc 4 bóng điện từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Ông còn là người tích cực vận động mọi người góp tiền, góp công lát lại con đường cho sạch sẽ, dễ đi. Rồi tiền quỹ khuyến học, tiền ủng hộ đồng bào bão lụt, chẳng cuộc vận động nào ông không nhiệt tình tham gia đóng góp. Đến bây giờ thì mọi người đã hiểu và chẳng ai bảo ông là “ky bo”, là “chi ly tính toán”. Họ bảo nhau nên cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý, có ý nghĩa thiết thực, tránh lãng phí, xa hoa không cần thiết.
Hoàng Ngọc Bính