QĐND - Phía sau mỗi cán bộ, chiến sĩ là một hoàn cảnh, một “hậu phương”, đó là nguồn đề tài phong phú, giàu chất liệu cho trang “Hậu phương của chúng ta” trên Báo Quân đội nhân dân. Nhiều năm qua, trang “Hậu phương của chúng ta” đã âm thầm làm cầu nối giữa hậu phương và người lính, kịp thời động viên, tạo thêm động lực để cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, yên tâm công tác…

Sẻ chia khó khăn

Đều đặn hằng tuần, trang “Hậu phương của chúng ta” có nhiều bài viết đi sâu vào góc cạnh, đời sống của hậu phương người lính. Từ đó, nhiều hoàn cảnh của hậu phương người lính được bạn đọc biết đến, sẻ chia. Thượng tá Vũ Đình Kiên, Chính ủy Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) cho biết: “Khi chiến sĩ mới vào đơn vị, chúng tôi đã tìm hiểu hoàn cảnh của từng quân nhân, nhưng đọc bài báo “Sóng” ở trong lòng trên trang “Hậu phương của chúng ta” viết về hoàn cảnh gia đình chiến sĩ Nguyễn Ngọc Thành, chỉ huy đơn vị mới biết đầy đủ hơn những nhọc nhằn tuổi thơ cũng như hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình chiến sĩ Thành. Qua bài báo, chỉ huy các cấp có biện pháp quan tâm cụ thể để giúp đồng chí Thành yên tâm công tác”.

Đại tá Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 1 tặng quà gia đình Trung úy Võ Văn Thành, đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa.

Hay như chuyện của Binh nhì Đỗ Văn Vương, ở Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 673 (Quân đoàn 2), lên đường nhập ngũ khi vợ chưa có việc làm ổn định, con còn nhỏ, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Để động viên, giúp chiến sĩ Vương, chỉ huy đơn vị chủ động cử cán bộ trực tiếp về địa phương làm việc với UBND xã Hiệp Thuận và đại diện ngân hàng có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đến khi chiến sĩ Vương hoàn thành nghĩa vụ quân sự (gia đình Vương vay ngân hàng 10 triệu đồng và 20 triệu đồng của bà con làng xóm để có tiền chữa trị bệnh cho mẹ). Bên cạnh đó, với tấm lòng chia sẻ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 673 tự nguyện quyên góp, giúp đỡ gia đình chiến sĩ Vương hơn 10 triệu đồng. Nằm trên giường bệnh, bà Đỗ Thị Hiệp, mẹ chiến sĩ Vương xúc động không nói nên lời.

Hơi ấm tình đồng đội đã lan tỏa qua từng việc làm và sự chia sẻ, giúp hậu phương của nhiều quân nhân vơi bớt khó khăn. Binh nhì Đỗ Văn Vương xúc động tâm sự: “Sự quan tâm sâu sắc của đồng chí, đồng đội giúp em thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, học tập và rèn luyện tốt hơn”. 

Không chỉ góp phần chăm lo hậu phương người lính, trang “Hậu phương của chúng ta” còn nêu kinh nghiệm và nhân rộng cách làm hiệu quả. Các vệt bài trên trang “Hậu phương quân đội” như: Quân nhân hiếm muộn,  Quan tâm, chăm lo phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong quân đội thực sự có ấn tượng và mang lại hiệu quả cao. Thiếu tướng Trần Tiến Dũng, Phó chính ủy Quân khu 4 cho biết: “Tôi rất ấn tượng với cách chăm lo, quan tâm đến quân nhân hiếm muộn của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng được đăng tải trên Báo QĐND. Qua cách làm của Bộ đội Biên phòng, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quan tâm cụ thể đến đối tượng này, giúp anh em sớm tìm thấy niềm vui, hạnh phúc”.

Thượng tá Bùi Thị Lan Phương, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội chia sẻ: Trang “Hậu phương của chúng ta” phản ánh nhiều gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong quân đội, đồng thời cho thấy nỗ lực của chị em trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cũng như sự quan tâm của chỉ huy đơn vị, tổ chức hội phụ nữ các cấp. Sau khi báo đăng, chỉ huy nhiều đơn vị đã có sự quan tâm thiết thực hơn”.

Nơi gửi gắm tâm tình

Một điều khá thú vị là nhiều hậu phương của cán bộ, chiến sĩ từ lâu đã coi Báo QĐND là người bạn tri kỷ. Chị Lê Thị Hằng, giáo viên Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội)-vợ Trung úy Phạm Văn Long, công tác tại Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) từ lâu coi trang “Hậu phương của chúng ta” là nơi gửi gắm tình cảm đến người chồng ở phương Nam xa xôi. Chị tâm sự: Qua Báo QĐND, tôi biết thêm được hoàn cảnh của nhiều hậu phương của cán bộ, chiến sĩ, từ đó, tôi thêm đồng cảm, sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn, động viên chồng yên tâm thực hiện nhiệm vụ”.

Còn chị Nguyễn Thị Tuyên (quận Hà Đông, Hà Nội)-vợ Thượng úy Dương Văn Chiến, Chính trị viên Đại đội Sửa chữa, Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn 219, thông qua Báo QĐND gửi gắm tình cảm, lời cảm ơn từ đáy lòng mình đến lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 219 (Quân đoàn 2) đã tạo điều kiện cho vợ chồng chị đi chữa bệnh hiếm muộn, giúp anh chị có con là cháu Dương Nguyễn Hà Phương sau hơn 3000 ngày chờ đợi. Chị tâm sự: “Nếu không có sự quan tâm, tạo điều kiện của chỉ huy đơn vị, chưa biết khi nào vợ chồng tôi có được niềm vui này”. Cứ khi nào bác sĩ yêu cầu anh Chiến có mặt để thực hiện phương pháp điều trị, đơn vị lại tạo điều kiện để vợ chồng anh chị được gần nhau.

Những tình cảm của hậu phương người lính được chuyên mục “Lời nhắn gửi” trong trang “Hậu phương của chúng ta” chuyển tải mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho cán bộ, chiến sĩ, tiếp thêm nghị lực để họ hăng say hơn công việc, lập thêm chiến công gửi về hậu phương. Tôi muốn mượn lời của Thiếu úy Tếnh A Tếnh, Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 395 thay lời kết cho bài viết: “Quê tôi ở xã Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình nên việc học cái chữ chưa được quan tâm nhiều, kể cả anh em trong gia đình tôi. Thế nhưng khi tôi mang bài báo Chuyện của Tếnh A Tếnh đăng trên trang “Hậu phương của chúng ta” về cho gia đình đọc, nhiều anh em trong gia đình đã thay đổi suy nghĩ và quyết tâm khắc phục khó khăn, cho các cháu được đến trường học tập”.


Bài và ảnh: BẢO VÂN