Đáng chú ý, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng...
Nhắc đến hiệu quả của việc thực hiện Nghị định 100 vừa được Chính phủ ban hành thời gian qua, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị nâng mức phạt tiền tối đa để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải được xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
"Tức là, vi phạm hành chính phải được xử lý đến nơi đến chốn, nếu không tự thực hiện sẽ phải cưỡng chế thi hành chứ không phải chỉ là "phạt cho tồn tại". Cùng với đó, trong triển khai thực hiện phải bảo đảm quyền lợi của người dân. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng vi phạm hành chính như hiện nay", đại biểu tỉnh Long An nói.
 |
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội. |
Còn đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP Hồ Chí Minh) thì bày tỏ, thực tiễn cho thấy, hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng nhiều nhất là phạt tiền. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc, xem xét, có đánh giá toàn diện để có mức tiền xử phạt tối đa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, đủ sức răn đe, hợp lý, phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính. “Nếu mức phạt quá thấp thì không đủ sức răn đe, mức phạt quá hà khắc thì khó khả thi trong thực tiễn”, đại biểu phân tích.
Ngoài ra, đại biểu TP Hồ Chí Minh cho rằng, một số vi phạm trong lĩnh vực gây hậu quả lớn cho xã hội, làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân, đến an ninh-quốc phòng thì cần nghiên cứu tăng mức phạt tối đa để tương xứng với tính chất, mức độ và yêu cầu quản lý trong các lĩnh vực này, ví dụ như các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đối ngoại, xuất nhập cảnh, quá cảnh....
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) nhắc đến việc nâng mức xử phạt trong một số lĩnh vực như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, an toàn thông tin mạng; nhấn mạnh đây là hướng đi đúng để đáp ứng thực tiễn bức xúc trong vi phạm hành chính hiện nay, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các mức tiền phạt cụ thể, đại biểu cho rằng có nhiều sự chưa hợp lý của nhiều quy định trong dự thảo. Theo đó, trong khi lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị phạt đến 200 triệu đồng, thì lĩnh vực xâm phạm quyền lợi của bệnh nhân trong dịch vụ khám, chữa bệnh, dược lại trừng phạt ở mức tối đa lại chỉ bị phạt ở mức tối đa 100 triệu đồng, còn vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em chỉ bị phạt 50 triệu đồng....
“Nếu coi tính mạng, sức khỏe nhất là của trẻ em, người bệnh là trên hết thì sự chênh lệch trong mức phạt vừa nêu là không hợp lý. Đề nghị ban soạn thảo chỉnh lại theo hướng mức phạt tối đa đối với các hành vi xâm hại trẻ em, khám chữa bệnh không thấp hơn mức phạt tối đa trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, đại biểu đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thành Công cũng lưu ý, vi phạm trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, nhất là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân cần được nâng lên ở mức đáng kể hơn, thay cho mức 100 triệu đồng như dự thảo. "Trong điều kiện các hành vi để lộ, lọt và mua bán thông tin cá nhân đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều cơ quan trong lĩnh vực này còn rất hạn chế, việc nâng mức phạt để tăng tính răn đe, phòng ngừa là rất cần thiết", đại biểu nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng cách tiếp cận của dự thảo luật hiện nay là theo hướng ngày càng nâng cao mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực cụ thể. "Nếu chỉ xét riêng về mức phạt tiền, tôi cho là hợp lý, song nếu đặt trong mối quan hệ giữa thực hiện quyền hành pháp và quyền tư pháp thì đây là vấn đề cần lưu ý. Xử lý hành chính với mức phạt rất cao nhưng thủ tục xử lý vi phạm về cơ bản là không thay đổi, chỉ dựa trên quyết định đơn phương của người có thẩm quyền", đại biểu nêu quan điểm và đề xuất xem xét lại vấn đề này.
Theo đại biểu, cơ quan hành pháp ngoài thực hiện chức năng chính là tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện quyền hành pháp thì còn phải duy trì một bộ máy khá lớn trong việc xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, về phía người dân, trong nhiều trường hợp bị xử phạt rất cao, hàng trăm triệu đồng, thậm chí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức... nhưng lại không có cơ hội được bảo đảm quyền bào chữa, biện hộ của mình trước một phiên tòa độc lập xét xử bằng thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, công bằng, bình đẳng.
PHƯƠNG HẰNG