Lâu lâu mới thấy rạp Chuông Vàng nhộn nhịp như tối 17 và 18-2. Công chúng Thủ đô tò mò, giới chuyên môn thăm dò, người nước ngoài thích thú xem chương trình biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm có phần dịch ra tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Năm 2011, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã cho dịch tác phẩm "Mệnh đế vương" sang tiếng Anh để thử nghiệm việc thu hút khán giả nước ngoài. Thế nhưng mới diễn được một buổi đã thấy dừng lại. NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát bảo rằng đó là bước thử nghiệm Dự án Giới thiệu nghệ thuật cải lương đến với khách du lịch quốc tế, chủ yếu là để tham khảo ý kiến.
 |
Cải lương bằng tiếng Anh, một thử nghiệm táo bạo của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Ảnh: Trần Lâm |
Sau khi đã khảo sát, biết khách quốc tế vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, bởi chương trình quá dài và phần dịch khiến họ hầu như không hiểu gì. Thế là nhà hát xây dựng chương trình ngắn, độ hơn 60 phút và bổ sung các loại hình kịch hát dân tộc khác như trống hội, quan họ, múa Chăm… Phần dịch do người am hiểu nghệ thuật truyền thống, thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài đảm nhiệm…
Thế là khán giả đông kín, có cả người nước ngoài dù hai tối diễn cuối tuần vẫn mang tính thử nghiệm. Tất cả đều đeo tai nghe, thích thú theo dõi chương trình. Diễn viên diễn thật nhuyễn, như những ngày bình thường. Bảy tiết mục phong phú nhưng vẫn đậm chất cải lương, từ trang phục, lối diễn và cách hát. Phần dịch diễn cảm, ứng với những gì diễn ra trên sân khấu, thu hút người xem.
Tuy nhiên, đây là chương trình được thiết kế riêng nên vẫn còn nhiều điều phải bàn thêm, chủ yếu là để người nước ngoài hiểu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống. Có lẽ, nhà hát nên điều chỉnh một vài tiết mục. Như với "Dạ cổ hoài lang", "Lý ngựa ô" thì chỉ cần đưa lời giới thiệu về lịch sử, vai trò, nội dung của bài hát này trước khi tiết mục diễn ra. Để phần dịch "tràn" vào tiết mục, khi các nghệ sĩ đang diễn, dễ gây tạp âm, khách sẽ khó chịu khi vừa nghe hát, vừa phải nghe lời giới thiệu về tiết mục qua tai nghe. Cũng cần làm tờ rơi chương trình bằng tiếng Anh, càng chi tiết càng tốt, đủ tiết mục, nội dung, theo trình tự thời gian, giúp người ngoại quốc hiểu, sẵn sàng đón nhận những gì họ sắp được thưởng thức.
"Hiện nay, rất nhiều đoàn khách quốc tế cũng như người nước ngoài sinh sống và học tập tại Việt Nam muốn tìm về văn hóa truyền thống của ta. Nhà hát sẽ xây dựng nhiều chương trình để luôn có "món mới" cho khán giả vào mỗi cuối tuần", NSƯT Trần Quang Hùng tự tin nói.
Việc xây dựng chương trình nghệ thuật bằng tiếng Việt, có phần dịch ra tiếng Anh là một cách làm năng động của Nhà hát Cải lương Hà Nội bởi ngoài diễn theo hợp đồng, nhà hát vẫn có thể phục vụ khán giả trong nước bình thường.
Theo HNM