Sau khi nghe tin phát xít Nhật đầu hàng Ðồng minh, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh, bày tỏ sự nhất trí hoàn toàn với chủ trương khởi nghĩa và quyết định chọn huyện Phú Lộc để phát động giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các địa phương khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Huế tiến hành khởi nghĩa...
Sau khi nghe tin phát xít Nhật đầu hàng Ðồng minh, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh, bày tỏ sự nhất trí hoàn toàn với chủ trương khởi nghĩa và quyết định chọn huyện Phú Lộc để phát động giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các địa phương khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Huế tiến hành khởi nghĩa.
Ngày 20-8-1945, đoàn cán bộ của Trung ương gồm các đồng chí: Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh đến Huế trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa. Ngay trong ngày 20-8, Ủy ban khởi nghĩa tại Huế được thành lập do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch. Tối 21-8, Ủy ban khởi nghĩa tổ chức hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố và từng cán bộ trong việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế vào ngày 23-8-1945. Ủy ban Khởi nghĩa xây dựng kế hoạch huy động quần chúng ở các huyện tập trung về Huế và quần chúng thành phố tham gia mít tinh tuần hành trong ngày 23-8. Lực lượng vũ trang bao gồm các đội tự vệ, các đội lính bảo an ta đã nắm được và học viên Trường Thanh niên tiền tuyến làm nhiệm vụ bảo vệ quần chúng tuần hành, bảo vệ cuộc mít tinh ở Huế.
Ngay trong đêm 22-8, trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều đình bù nhìn phải cúi đầu tuyên bố: "Nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh". Ủy ban Khởi nghĩa không đồng ý và yêu cầu: Bảo Đại phải báo cho Nhật biết là triều đình đã giao tất cả quyền binh cho chính quyền cách mạng và điện cho các tỉnh trưởng giao quyền cho Việt Minh; phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị vũ khí đạn dược. Chính quyền cách mạng hứa bảo đảm an toàn tính mạng và quyền công dân cho Bảo Ðại. Những tài sản trong hoàng cung đều thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Các lăng tẩm triều Nguyễn từ nay thuộc tài sản quốc gia. Những người trong hoàng tộc trước đây lo việc ở lăng tẩm nay được tiếp tục làm việc cho chế độ mới.
16 giờ ngày 23-8-1945, tại sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế tập trung hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới, Ủy ban Khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố: Từ nay chính quyền về tay nhân dân; đồng thời giới thiệu Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch. Sau đó, Phái đoàn Trung ương do đồng chí Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn đã vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Ðại.
Thành công của khởi nghĩa tại Thừa Thiên-Huế chính thức giành kinh đô của triều đình bù nhìn về tay nhân dân lao động.
PGS. TS Lê Duy Chương