Nhân dân Hà Nội hưởng ứng Mệnh lệnh khởi nghĩa với không khí sôi sục, bắt đầu từ sự kiện Mặt trận Việt Minh biến cuộc biểu tình của Tổng hội viên chức ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim ngày 17-8-1945 thành cuộc biểu dương lực lượng cách mạng của quần chúng.

Đoàn người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ Phủ (Hà Nội). Ảnh tư liệu.

Ngày 17-8, ở Hà Nội, Tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trong buổi mít tinh này, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh. Tại buổi mít tinh, cán bộ Việt Minh tiến hành diễn thuyết báo tin cho đồng bào biết tin quân Nhật đã đầu hàng và giới thiệu chủ trương đường lối cứu nước của Việt Minh; kêu gọi nhân dân đánh đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường nhà hát thành phố và nhanh chóng lan ra khắp các phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng khí thế sục sôi khởi nghĩa.

Ngụy quyền cực kỳ bối rối hoang mang, chúng dựng lên cái gọi là “Ủy ban chính trị” đề nghị với Việt Minh: “Đằng nào các ông cũng thắng, nhưng để điều đình với Đồng minh sẽ vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, đề nghị vùng nông thôn cách thành phố 15km là thuộc quyền các ông, còn thành phố cần có nhân sĩ, trí thức đứng ra giao dịch với Đồng minh”. Đại biểu Việt Minh đã trả lời dứt khoát: “Giao dịch với Đồng minh lúc này, ngoài Việt Minh không ai có thể có lực lượng và danh nghĩa cả”. Sáng ngày 19-8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát Lớn để dự mít tinh. Sau loạt súng chào cờ và bài “Tiến Quân ca”, đại biểu Ủy ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ khâm sứ, Trại lính Bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn.

Ngày 20-8, Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ và Hà Nội chính thức thành lập. Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng tỏa đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Hà Nội thành công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì trong lịch sử nghìn năm của mình, Hà Nội luôn chiếm giữ vị trí chiến lược đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của cả nước. Thành công của Hà Nội đã cổ vũ, động viên nhân dân cả nước vùng dậy phá tan xích xiềng nô lệ...

PGS, TS Lê Duy Chương