Đòi hỏi khách quan phải sửa đổi, bổ sung Luật sĩ quan
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh: Dự án Luật chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thật cần thiết, vướng mắc, bức xúc và những vấn đề phát sinh khi thực hiện Luật sĩ quan năm 1999; bảo đảm tính hợp pháp và nhất quán với các văn bản Luật hiện hành, đồng thời làm rõ trách nhiệm, quyền lợi và chính sách đối với sĩ quan trong tình hình mới.
Dưới tác động của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường lao động phát triển nhanh, cơ hội tìm việc làm và thu nhập của người lao động tác động mạnh đến giữ gìn, thu hút đội ngũ sĩ quan. Tình hình mới đòi hỏi phải điều chỉnh một số chế độ phục vụ và chính sách để đội ngũ sĩ quan yên tâm phục vụ Quân đội.
Luật sĩ quan năm 1999 đến nay có những điểm không còn phù hợp hoặc còn thiếu, tạo sự nhất quán với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, cụ thể là:
-
Luật hiện hành quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan theo cấp bậc quân hàm và chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng cán bộ trong thời bình và xây dựng đội ngũ sĩ quan những năm qua.
- Luật hiện hành quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với một số chức vụ cơ bản của sĩ quan thấp hơn một bậc so với Luật về sĩ quan 1982, là vấn đề có tác động nhiều đến tâm tư tình cảm của số đông sĩ quan.
- Luật hiện hành quy định nếu hết thời hạn nâng lương lần 2 mà vẫn không được thăng quân hàm thì thôi phục vụ tại ngũ, qui định này vừa qua chưa thực hiện được, nhiều sĩ quan đã nâng lương lần 2, tuổi còn trẻ, được đào tạo cơ bản quân đội vẫn còn nhu cầu sử dụng.
- Luật hiện hành quy định phong quân hàm đối với học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan chưa phù hợp với thực tiễn, còn cứng nhắc, khó thu hút động viên được người học và thanh niên đăng ký dự thi vào các trường sĩ quan quân đội.
- Sĩ quan quân đội chưa được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự; sĩ quan cấp tướng sau 4 năm chưa được thăng quân hàm bậc cao hơn mà vẫn không được nâng lương. | Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính uỷ, chính trị viên, cần bổ sung chức vụ chính ủy, chính trị viên vào chức vụ cơ bản của sĩ quan; Quy định thẩm quyền gọi sĩ quan dự bị khi thực hiện ở các địa phương đang còn vướng mắc; giấy chứng minh sĩ quan chưa được Luật hiện hành quy định.
Làm rõ trách nhiệm, quyền lợi và chính sách đối với sĩ quan
Chủ nhiệm Uỷ ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Quang Bình tán thành việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc, bức xúc và những vấn đề phát sinh khi thực hiện Luật sĩ quan năm 1999 như Tờ trình của Chính phủ. Theo ông, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều rất cần thiết như: hạn tuổi, trần quân hàm, nâng bậc quân hàm, nâng lương, chức vụ, v.v...
Theo đó dự án Luật đề xuất quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, nâng đều 2 tuổi từ cấp úy đến cấp đại tá; bổ sung quy định tuổi của nữ sĩ quan cấp úy, cấp Thiếu tá, cấp Trung tá, cấp Thượng tá như tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan nam. Khắc phục sự ùn tắc cán bộ ở đơn vị chiến đấu từ quân đoàn trở xuống bằng cách quy định và thực hiện nghiêm hạn tuổi cán bộ chỉ huy quản lý.
Cùng với quy định trên bổ sung thêm qui định khi quân đội có nhu cầu sĩ quan có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện được kéo dài hạn tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm. Trường hợp đặc biệt được kéo dài trên 5 năm đối với các đồng chí cấp Tướng do Đảng, Nhà nước tiếp tục sử dụng hoặc cá biệt với chuyên gia giỏi Bộ Quốc phòng thấy cần thiết.
Chế độ quân hàm, lương cũng được xác định rõ ràng hơn: Nâng bậc quân hàm cao nhất của ba chức vụ Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn lên Trung tá; Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện lên Thượng tá; Lữ đoàn trưởng, Chính ủy lữ đoàn lên Đại tá. Đồng thời bổ sung Thủ tướng Chính phủ quy định địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng; sĩ quan công tác ở địa bàn trọng yếu về quân sự quốc phòng hoặc đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt và có quá trình cống hiến xuất sắc thì được thăng quân hàm cao hơn một bậc so với cấp bậc quân hàm cao nhất quy định.
Bổ sung qui định sĩ quan đến thời hạn xét thăng quân hàm mà chưa đủ điều kiện quy định của luật này thì được xét thăng quân hàm vào những năm tiếp theo, vì phần lớn sĩ quan đủ tiêu chuẩn, đến thời hạn đề bạt quân hàm nhưng không được đề bạt mà phải nâng lương. Do vậy cần sửa đổi để giữ được số cán bộ đã nâng lương lần 2 nhưng có kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quân đội có nhu cầu tiếp tục sử dụng để khắc phục sự lãng phí và thiếu hụt cán bộ. Luật hiện hành quy định mới nâng lương cho sĩ quan cấp úy và cấp Tá nhưng chưa có quy định nâng lương cấp Tướng do vậy dự thảo Luật đề nghị: Đủ tiêu chuẩn đến thời hạn xét thăng quân hàm nhưng đã có bậc quân hàm cao nhất của chức vụ đang đảm nhiệm hoặc đã giữ bậc quân hàm Đại tá, cấp Tướng 4 năm mà chưa được thăng cấp bậc quân hàm cao hơn thì được nâng lương theo chế độ tiền lương của sĩ quan.
Mặt khác, bổ sung sĩ quan giữ nhiều chức vụ trong cùng một thời điểm thì được hưởng quyền lợi của chức vụ cao nhất và phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo theo quy định, để đảm bảo quyền lợi cho các đồng chí được giữ nhiều cương vị trong cùng một thời điểm, phù hợp với quy định của Chính phủ đối với cán bộ công chức kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo.
Để khuyến khích thu hút tuyển chọn được nhân tài phục vụ Quân đội, nhất là những lĩnh vực mang tính đặc thù quân sự, dự thảo Luật đề nghị sửa đổi: Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ được phong quân hàm Thiếu úy; trường hợp tốt nghiệp loại giỏi, tốt nghiệp loại khá ở những ngành tuyển chọn, đào tạo công phu hoặc có thành tích xuất sắc trong công tác được phong quân hàm cao hơn.
Ngoài ra, dự án Luật còn đề cập đến một số chính sách đãi ngộ cho sĩ quan như: giấy chứng minh sĩ quan; xét thăng quân hàm trước thời hạn; chính sách cho sĩ quan khi tinh giản biên chế mà không sắp xếp được thì được hưởng trợ cấp theo quy định của Chính phủ.
Những sĩ quan chỉ huy, quản lý đơn vị đã hết tuổi theo quy định của chức vụ nhưng chưa hết tuổi theo cấp bậc quân hàm mà quân đội không sắp xếp được về cơ quan, nhà trường, quân sự địa phương thì cũng được áp dụng như tinh giản biên chế để đảm bảo quyền lợi cho sĩ quan, giúp sĩ quan tạo lập cuộc sống ban đầu để tiếp tục đóng góp cho xã hội; đảm bảo công bằng giữa sĩ quan ở cơ quan, nhà trường với sĩ quan chỉ huy ở đơn vị.
Đặc biệt trong dự án Luật có bổ sung chức vụ Chính ủy, Chính trị viên, Bộ đội Biên phòng, binh chủng; đổi tên Tỉnh đội trưởng thành Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Huyện đội trưởng thành Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, đồng thời quy định các chức vụ tương đương với Tư lệnh quân khu trở lên do Thủ tướng Chính phủ quy định, chức vụ tương đương Tư lệnh quân đoàn trở xuống và các chức vụ còn lại do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. | Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan QĐND Việt Nam được xem xét và thông qua tại kỳ họp này là cơ sở pháp lý cho những chính sách phù hợp hơn động viên đội ngũ sĩ quan yên tâm, phấn khởi, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ đến những nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phục vụ lâu dài trong quân đội. |