QĐND - Ngày nay, hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực là xu thế tất yếu. Tất cả các quốc gia, dù lớn, dù nhỏ, mạnh hay yếu đều tìm cách để hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả nhất. Việt Nam đã và đang bước vào nền hội nhập kinh tế với nhiều lợi thế và thách thức mới. Vấn đề hội nhập kinh tế cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Chỉ tính riêng trong Dự thảo báo cáo chính trị, nội dung này đã được đề cập trong 11/16 phần. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, vấn đề này cần phải được bổ sung và hoàn thiện.
Gần 30 năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp nhưng trong các kỳ đại hội, Đảng ta luôn có những nhận thức xác đáng về thời đại, về thế giới và tình hình khu vực để trên cơ sở đó, định hướng những chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp, bám sát tình hình.
Đại hội VI mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác". Tới Đại hội VII, Đảng ta định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế". Tại Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong các văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh việc “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ngày 27-11-2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. Tại Đại hội X, Đảng ta đã nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Ngày 5-2-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kỳ đại hội trước, chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện là một phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng ta tại Đại hội XI. Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm qua còn bộc lộ không ít những khó khăn và hạn chế. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp. Khả năng tích lũy vốn nhân lực và tiến bộ công nghệ của Việt Nam còn rất khiêm tốn, biểu hiện ở mức năng suất lao động thấp và trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp còn khá lạc hậu. Mặc dù hoạt động thu hút nguồn vốn FDI đã đạt được những kết quả khả quan và có những đóng góp nhất định đối với nền kinh tế, nhưng khu vực doanh nghiệp FDI vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Thị trường và đối tác FDI của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nước châu Á. Tình trạng chuyển giá đã được phát hiện trong những năm gần đây. Có hiện tượng một số nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, gây nên tình trạng tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn lao động. Việc chuyển giao công nghệ, sáng chế phát minh, giải pháp kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chưa tương xứng với vốn đầu tư, nhất là trong những ngành công nghệ cao như công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy...
Mặt khác, các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thể. Cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện và giám sát quá trình hội nhập từ Trung ương đến địa phương, giữa các ban, ngành còn nhiều bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chậm được cải thiện. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Tôi cơ bản nhất trí với nội dung và các giải pháp trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, theo tôi cần phải khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế là do yêu cầu nội sinh, do yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn liền với việc giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước; khẳng định mở cửa, hội nhập để khai thác các mặt có lợi cho sự phát triển kinh tế của ta từ nền kinh tế thế giới.
Trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thừa nhận “Hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động, hiệu quả chưa cao”. Theo tôi, nhận định này cần diễn đạt rõ ý, đầy đủ hơn. Đề nghị sửa lại là “Tính chủ động của một số ngành, lĩnh vực trong hội nhập quốc tế còn hạn chế, hiệu quả chưa cao”.
Trong phần XII của Dự thảo báo cáo chính trị (phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế) đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “cụ thể và thực chất” vào cuối của câu, sửa thành “Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, cụ thể và thực chất”.
Liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, về mục tiêu tổng quát 5 năm tới, Dự thảo báo cáo chính trị khẳng định “…Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tôi đề nghị bỏ cụm từ “theo hướng hiện đại” vì ở các nước mà các tổ chức quốc tế đánh giá là nước công nghiệp đều có nền công nghiệp hiện đại, không có nước nào là nước công nghiệp mà lại có nền công nghiệp lạc hậu; sản phẩm công nghiệp của một nền công nghiệp lạc hậu thì không thể cạnh tranh, bán được trong tình hình hội nhập thế giới hiện nay. Ngoài ra, do đã có từ “sớm” nên đề nghị bỏ từ “cơ bản”. Do đó nên diễn đạt là “…Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp”.
ĐỖ PHÚ THỌ