Là nữ bộ trưởng duy nhất đăng đàn trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội lần này, chiều hôm qua, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời 23/29 chất vấn của các đại biểu liên quan các đến các vấn đề “nóng” của xã hội như tăng lương, bảo hiểm, chế độ với người có công, chênh lệch giàu-nghèo, tình trạng xâm hại trẻ em…

Sẽ nâng chuẩn nghèo trong quý IV

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân

Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân “nóng” ngay từ những phút đầu tiên khi đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) xoáy vào vấn đề trẻ em bị ngược đãi. “Trong thời gian qua có thực trạng rất đau lòng là trẻ em bị xâm hại và ngược đãi. Vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì để ngăn chặn và khắc phục hay không?”. Thừa nhận điều này là một báo động về đạo đức xã hội, bà Ngân cho biết Bộ đang rà soát lại tất cả các hệ thống pháp luật, chính sách liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền quan tâm tới sự chênh lệch giàu-nghèo sau một năm Việt Nam gia nhập WTO. “Với tư cách là cơ quan thường trực xóa đói giảm nghèo, Bộ đã có giải pháp gì mới hơn, quyết liệt hơn, đột biến hơn để khắc phục?”-ông Hiền hỏi. Theo bà Ngân, giải pháp là đẩy mạnh chương trình giảm nghèo, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững và phát triển hệ thống an sinh xã hội. “Bộ đang nghiên cứu nâng chuẩn nghèo trong quý IV. Chuẩn mới sẽ tính đầy đủ trượt giá, ít nhất là 30%”, bà Ngân nói. Chuẩn hiện nay là 260.000 và 200.000 đồng một người, một tháng áp dụng cho vùng thành thị và nông thôn là quá thấp, trong khi đồng tiền trượt giá quá nhiều.

Với câu hỏi tạo việc làm cho nông dân mất đất của đại biểu Nguyễn Đức Hiền, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phải gắn liền với chuyển dịch cơ cấu lao động sau khi thu hồi đất”. Về phía Bộ, bà Ngân cho biết đã có chính sách như dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ, hoặc đưa nông dân đi xuất khẩu lao động. Những người không đủ tuổi học nghề thì có quỹ cho vay ưu đãi giải quyết việc làm. “Nhưng nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm tạo việc làm. Nông dân không được ỷ lại vào Nhà nước. Bằng tất cả giải pháp trên thì nông dân mới ly nông mà không ly hương”, bà Ngân khẳng định.

Câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà lại đề cập đến vấn đề “nóng” nhất hiện nay: “Trong suy nghĩ bộ trưởng có đặt vấn đề với Chính phủ để điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong năm nay hay không?”. Bà Ngân trả lời ngay: “Năm 2008 điều chỉnh lương tối thiểu hay không thì tôi chưa trả lời được. Bởi không đơn giản chỉ việc nâng, mà phải tính tất cả yếu tố, như khả năng ngân sách, khả năng chi trả của doanh nghiệp... Tình hình hiện nay phải tập trung chống lạm phát, chưa đặt vấn đề nâng lương tối thiểu trong năm 2008”.

Luật đã rõ ràng, nhưng đình công vẫn xảy ra

Trước tình trạng đình công ngày một gia tăng mà gần đây nhất tại Bắc Giang, chủ và thợ đã xung đột đến mức thương tích. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận cuối năm 2007 và đầu năm 2008 xảy ra nhiều đình công nhưng “không phức tạp lắm và không phải là phổ biến”. Nguyên nhân xảy ra đình công có nhiều, nhưng chủ yếu là do mâu thuẫn về quyền lợi giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động chưa cao... Bà Ngân cho biết Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về quan hệ lao động để tham mưu giải quyết đình công.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân lại cho rằng nhiều cuộc đình công là do chủ doanh nghiệp vi phạm về quyền của công nhân, như trả lương thấp, tăng ca quá nhiều. “Xin hỏi Bộ trưởng, việc vi phạm khá phổ biến ấy là do luật pháp chưa nghiêm, hay do Bộ quản lý lao động chưa tốt?”, ông Xuân chất vấn. “Luật đã khá rõ ràng, nhưng thực tế đình công vẫn xảy ra”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận và cho biết sẽ nghiên cứu sửa Bộ luật lao động, chỉ đạo ký thỏa ước lao động tập thể ngành, đẩy mạnh chương trình xây dựng nhà ở xã hội ở các khu công nghiệp và đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương, thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp. “Công đoàn cũng phải nâng cao năng lực, đưa chủ sử dụng vi phạm ra xét xử. Cái này không sợ ảnh hưởng môi trường đầu tư, mà cái đáng sợ là đình công tràn lan”, bà Ngân nói.

Vẫn có người có công chưa được công nhận

Đại biểu Đỗ Minh Hảo (Đắc Lắc) quan tâm tới chính sách cho người có công trong kháng chiến nhưng bị mất giấy tờ, hoặc nay đã mất mà vẫn chưa đủ thủ tục, giấy tờ để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận vẫn còn một số ít người có công chưa được công nhận do không còn hồ sơ gốc hoặc biết mình được hưởng ưu đãi nhưng đã chết trước khi kịp làm hồ sơ. Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm xác định người có công với nước thuộc về địa phương, trong trường hợp người có công không còn giấy tờ thì áp dụng theo quy định trong Thông tư hướng dẫn đã ban hành để bảo đảm “đã là người có công thì phải được hưởng ưu đãi của Nhà nước”. “Tuy nhiên, cũng phải tiến hành công việc này một cách chặt chẽ, nếu không, chính sách đối với người có công sẽ có tác dụng ngược”, bà Ngân nói.

Đại biểu Võ Văn Liêm (Vĩnh Long) đề cập đến chính sách giải quyết công ăn việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Bộ trưởng cho biết, muốn tạo ra việc làm mới cho đối tượng bộ đội xuất ngũ cũng phải thông qua chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương. “Hiện nay, hằng năm Bộ đã phối hợp với các trường dạy nghề của Bộ Quốc phòng để làm tốt công tác dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho đối tượng này. Bộ cũng sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình gắn kết đào tạo nghề với giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp cho đối tượng bộ đội xuất ngũ để giải quyết việc làm”, bà Ngân nói.

NGỌC HÀ