Ngày 27-4,Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn: Số 612/CĐ-TTg , gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; các Bộ, ngành có liên quan,theo đó nêu rõ: Sản lượng lương thực của nước ta năm 2008 hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu.
Cụ thể,theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa vụ Đông - Xuân 2007 -2008 tăng so với năm 2006 - 2007,lượng gạo tồn kho trong dân và ở doanh nghiệpđạt trên 1,3 triệu tấn và hiện Nhà nước vẫn tiếp tục mua tăng lượng gạo dự trữ quốc gia. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các công ty kinh doanh lương thực tiếp tục mua lúa, gạo theo kế hoạch và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêu dùng và xuất khẩu; cung ứng gạo ổn định cho các khu vực trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ. Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành việc xuất khẩu gạo, không để xảy ra tình trạng mất cân đối lương thực trong nước và bảo đảm lợi ích của nông dân.
Trước tình hình hiện nay, Thủ tướng cũng chỉ thị: Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét đầu cơ lúa, gạo; các trường hợp vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm.
Các cơ quan báo chí, theo đó phải đưa tin chính xác, tránh việc bình luận thiếu chính xác và đưa ra các dự báo thiếu cơ sở đối với tình hình cân đối lương thực và giá lúa, gạo, gây tác động không tốt đến tâm lý người dân, gây bất ổn thị trường. |
Các địa phương khẩn trương kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá gạo
Thực hiện Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/4, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Quảng Ngãi....đã khẩn trương chỉ đạo các huyện, thị xã, các ngành có liên quan, nhất là ngành Công thương, Quản lý thị trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống các cơ sở kinh doanh, mua bán đầu cơ tạo cơn sốt thiếu gạo ảo nhằm trục lợi; đặc biệt là giám sát chặt chẽ các cơ sở vựa gạo đầu mối, thương lái, nhà máy xay xát gạo "găm hàng" làm mất cân bằng cục bộ nguồn lương thực lúa, gạo. Đồng thời, các địa phương đã khuyến cáo người dân nắm thông tin chính xác, bình tỉnh, tránh bị kích động, lôi kéo đổ xô mua gạo dự trữ... tạo "cơ hội" để các cơ sở kinh doanh tăng giá gạo kiếm lời.
Sở Thương mại Thành phố HCM đã có cuộc họp với các ban, ngành, Công ty Lương thực miền Nam, Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh, Công ty lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH chuyên kinh doanh gạo Vinh Phát… bàn giải pháp cấp bách để ổn định thị trường gạo. Các Công ty lương thực đã cam kết rót ngay 2.000 tấn gạo bổ sung lượng gạo dự trữ cho hệ thống các siêu thị để bán cho người dân theo đúng giá niêm yết 11.000 đồng/kg gạo thơm thường, trong đo 500 tấn gạo đầu tiên đã được lệnh xuất kho cho Sài Gòn
Co-op.
 |
UBND các quận, huyện cũng chỉ đạo Phòng Quản lý thị trường các quận, huyện kết hợp với Phòng Kinh tế và Ban Quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu các hộ kinh doanh phải niêm yết giá bán công khai và cam kết không được tự ý tăng giá bán gạo. Nhờ vậy, thị trường gạo tại thành phố Hồ Chí Minh đang dần ổn định trở lại, chiều 27/4, tại chợ đầu mối gạo Trần Chánh Chiếu, lượng gạo dữ trữ đầy trong các kho, giá bán gạo thơm Tài nguyên đã giảm xuống còn 17.000 đồng/kg, người mua cũng chỉ còn thưa thớt, không còn chen chúc như trước đó. Dân các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Quảng Ngãi.... không còn đổ xô đi mua gạo dự trữ.
Sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nói trên bước đầu bình ổn giá gạo, khẳng định tin đồn khan hiếm gạo là thất thiệt./.
Ảnh từ: Internet- Tin Theo: Hanoinet & (TTXVN 27/4)