Tối 3-6, Festival Huế lần thứ năm, 2008 hoành tráng nhất, đa dạng nhất về loại hình nghệ thuật, nhiều chương trình nhất, nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài tham gia nhất… đã chính thức khai màn. Không chỉ đông về số lượng, hầu hết chương trình đăng ký đều nhằm giới thiệu các loại

Khai mạc Festival Huế 2008. Ảnh: TTXVN

hình nghệ thuật đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc của từng quốc gia, biến Festival Huế 2008 thành bữa đại tiệc nghệ thuật mang tầm quốc tế.

Người dân Huế, du khách đến Huế bắt đầu 9 ngày vui…

Chung vui

Lần thứ 5, không gian nối kết từ Ngọ Môn đến Quảng trường và Kỳ đài lại sáng đèn. Tuy nhiên, lần sáng này dường như rực rỡ hơn. Bởi lẽ, chưa bao giờ có nhiều nét văn hóa truyền thống hội tụ tại đất cố đô như lần này. 27 đoàn nghệ thuật của 23 đất nước anh em, bè bạn trên 4 châu lục: Âu, Á, Mỹ, Đại Dương đã về chung vui với Huế.

Ấy là màn múa lụa kinh điển “Phụng vũ trường linh” của Đoàn nghệ thuật Hoa Sen, Quảng Tây, Trung Quốc. Như “nước chảy mây trôi”, những nghệ sĩ đất phương Bắc chợt biến sân khấu trước Ngọ Môn thành một khúc sông lụa điệu đàng, dịu dàng, uyển chuyển.

Ấy là vũ điệu Yotsudake tràn trề trong suối nhạc truyền thống đất nước mặt trời mọc của Đoàn nghệ thuật Ô-ki-na-oa, Nhật Bản.

Chợt rạo rực, pha lẫn cảm giác bùi ngùi của nỗi nhớ. Đoàn nghệ thuật trẻ trung Ka-lin-ka trong trẻo với tiết mục múa búp bê Nga dân gian “Ma-tri-ô-xka”, sôi động với điệu múa “Ka-lin-ka” nổi tiếng khắp thế giới bằng sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, ngôn ngữ hình thể và trang phục dân gian Nga. Nước Nga - người bạn thân thiết của người Việt - vẫn vẹn nguyên một tình cảm chân thành.

Lạ, vui, hấp dẫn, đoàn nghệ thuật dân gian cà kheo Đê Xten-ten-lô-pê van Mơ-tem đến từ Vương quốc Bỉ. Lịch sử nghệ thuật cà kheo của Bỉ bắt đầu từ khi vùng Mơ-tem thường hay bị lũ lụt, dân ở đây chỉ có thể đi lại trên những cây gậy cao. Lâu dần, việc đi cà kheo trở thành một trong những nét văn hóa dân tộc đặc sắc của Bỉ được mang đi trình diễn khắp nơi và nổi tiếng trên thế giới. Cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai, để chào mừng ngày đất nước giải phóng, người dân đã tổ chức hội chợ và diễu hành khắp nơi trên đất nước Bỉ. Lăng-giê-ven-đê đã nảy ra ý tưởng là để người dân mặc trang phục bằng giấy có in hình cờ ba sắc Bỉ và đi bộ trên những cà kheo với độ dài ngắn khác nhau. Kể từ thời điểm đó, những “nghệ nhân đi cà kheo” đã tham gia biểu diễn trên khắp nước Bỉ và một phần lớn các nước thuộc châu Âu như Hà Lan, Lúc-xăm-bua, Đức, Anh, Ý, Ai-len, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Ba Lan và Ru-ma-ni. Thậm chí họ còn tham gia biểu diễn tại Nga, Nhật, Trung Quốc và Mỹ.

Festival Huế 2008 cũng là dịp để văn hóa truyền thống Huế, văn hóa Việt Nam khoe mình, giao lưu với các nền nghệ thuật trên thế giới.

Trong "Đêm Hoàng Cung", Nhã nhạc cung đình Huế thêm một lần trở thành tâm điểm của bữa đại tiệc văn hóa. Thứ âm nhạc sang trọng, tao nhã đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” thêm một lần biến Đại Nội thành một không gian trầm mặc, uy nghiêm mà đầy âm sắc sang trọng, đầm ấm.

Tiếp đó, múa “Xôn xao ngày hội” (Đoàn Ca múa Quân đội) góp một tiếng vui. Hội trong hội, điệu múa của dân gian biến sân khấu trước Ngọ Môn thành một lễ hội của dân gian.

Đêm Hoàng Cung” đậm chất Huế. “Đêm Hoàng Cung” đầy sắc màu lung linh với hàng ngàn đèn lồng đỏ thắp sáng các lối vào Hoàng Cung. Đó là sự tái hiện cuộc sống phồn hoa của chốn Hoàng Cung khi màn đêm buông xuống. Bắt đầu từ cửa Ngọ Môn, du khách được thả hồn mình vào một không gian huyền ảo khói sương với mùi trầm hương nghi ngút tỏa ra từ chiếc lư đồng cổ xưa. Trên Điện Thái Hòa, Vũ khúc Cung đình hoành tráng hòa cùng buổi thiết triều của các vị quan đại thần, thị vệ làm du khách vô cùng thích thú. “Đêm Hoàng Cung” còn là những buổi yến tiệc cung đình ở điện Cần Chánh và biểu diễn các nghệ thuật múa, hát cung đình, trình tấu Nhã nhạc, ca Huế… Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình Huế, nơi tổ chức ca Huế thính phòng. Du khách có dịp hòa cùng ca Huế với các nhạc công và ca sĩ chuyên nghiệp, cùng thưởng thức món ăn Huế nổi tiếng và các loại bánh mứt đặc sản của cố đô. Trong “Đêm Hoàng Cung”, du khách yêu thơ lại có dịp bày tỏ niềm đam mê thi phú của mình ở Thái Bình lâu - lầu đọc sách của các vị vua triều Nguyễn và tham gia các trò chơi giải trí khác như: Đố thơ, đổ xăm hường, bài vụ và đầu hồ (ném những mũi tên vào một mảnh ván)…

Đại Nội chợt bừng sáng bởi 700 ống pháo hoa cùng nở bừng trên mặt tường thành hai bên cổng Ngọ Môn, bốn chảo đuốc cao bốn bên góc thành cùng cháy, 700 đèn lồng đặt dọc hai bên tường thành và hàng ngàn nến rải dọc tường thành phía Nam.

Festival Huế đã thành một thương hiệu

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2008 đã chính thức khai màn. Đây là kỳ Festival quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ nhiều đoàn nghệ thuật trên thế giới. Nhiều đoàn nghệ thuật các nước như Ấn Độ, Mỹ đã trực tiếp tìm đến Trung tâm Festival để đăng ký tham gia. Đặc biệt, có nhiều nước gửi rất nhiều đoàn và chương trình nghệ thuật, như Pháp, người luôn đồng hành với Festival Huế có đến 11 chương trình, Hàn Quốc 4 (và 2 nghệ sĩ tham gia độc lập), Nhật Bản 3, Bỉ 2, Nga 2, I-ta-li-a 2, Mỹ 2 chương trình... Điều này cho thấy, thương hiệu Festival Huế càng ngày càng có sức hút quốc tế.

Để có được thương hiệu ấy, theo ông Ngô Nhật Hòa, Phó chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival, Festival là một cao điểm của hoạt động văn hóa du lịch. Đặc biệt, hơn một nửa số diễn viên là người dân trong Festival Huế 2008. Người dân tham gia trên sân khấu, chủ trì nhiều lễ hội, tham gia nhiều ý tưởng, nhiều sáng kiến, chung tay làm đẹp đường phố, tự nguyện xây dựng chương trình, tổ chức hàng loạt hoạt động văn hóa cộng đồng.

Festival Huế qua 4 kỳ tổ chức, và trong lần thứ 5 này đã thực sự mở ra cho Huế những quan hệ hợp tác mới, những cơ hội mới, nhất là trong lĩnh vực giao lưu văn hóa quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế địa phương, nhất là kinh tế du lịch vốn là thế mạnh của Huế. Người dân Huế đang tham gia thực sự vào cơ hội này, chủ động, gần gũi và thân thiện.

Thương hiệu Festival Huế sẽ nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Huế, thành phố duy nhất ở Việt Nam sở hữu đồng thời hai di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại, một thành phố lễ hội, một điểm đến đầy quyến rũ.

HUY QUÂN