QĐND - Mỗi một nhà nước tùy theo thể chế của mình có quyền đưa ra các đạo luật nhằm điều chỉnh những quan hệ nội bộ của mình. Thế nhưng ngày 22-4 vừa qua, Quốc hội Ca-na-đa đã thông qua đạo luật S-219 về cái gọi là “Hành trình đến tự do”, do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải (“thuyền nhân” gốc Việt) bảo trợ. Đạo luật này trên thực tế đã can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, cho dù nội dung cơ bản của đạo luật S-219 là tưởng nhớ đến những "thuyền nhân" di tản và coi ngày 30-4 hằng năm là ngày của "hành trình đến tự do" (?!).
 |
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: vov.vn |
Về những sai trái của đạo luật này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, xem đây là một việc làm “hoàn toàn sai trái… ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Ca-na-đa, xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như một bộ phận lớn cộng đồng người Việt tại Ca-na-đa”.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Mất lòng trước hơn được lòng sau”, với mong muốn không để đạo luật này tác động xấu đến quan hệ giữa hai nước và nhất là không để lặp lại những sai lầm mới, thiết tưởng cần thẳng thắn chỉ ra những sai trái của việc làm này.
Trước hết, đạo luật S-219 đã đi ngược lại lợi ích giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ca-na-đa.
Đối với nhân dân Ca-na-đa, đạo luật này đã làm tổn thương đến tư tưởng, tình cảm của các thế hệ người dân Ca-na-đa đã từng ủng hộ nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đạo luật này đã đi ngược lại quan hệ chính trị, kinh tế-xã hội đang trên đà phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Ca-na-đa. Về đạo luật S-219, tờ Canadian Press cho biết, trong “Thư gửi ủy ban Nhân quyền Thượng viện Ca-na-đa, Hội đồng Thương mại Ca-na-đa - Việt Nam cho rằng, đạo luật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia vì nó có thể làm chia rẽ cộng đồng người Ca-na-đa gốc Việt”.
Thượng nghị sĩ James Cowan mới đây đã phát biểu với báo chí Ca-na-đa rằng, ông không thể hiểu được vì sao “Chính phủ Ca-na-đa có thể phê chuẩn một dự luật gây tranh cãi như vậy trong lúc chúng ta muốn tăng cường quan hệ kinh tế với châu Á, trong đó có Việt Nam… Chúng ta đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Việt Nam. Chúng ta đã ký một biên bản ghi nhớ về tăng cường liên kết thương mại và văn hóa. Tại sao các vị lại muốn khơi lên sự chia rẽ này”. Tất nhiên quan hệ thương mại là lợi ích song phương, làm tổn hại đến đối tác cũng có nghĩa sẽ làm tổn hại đến chính mình.
Thứ hai, đối với cộng đồng người Việt ở Ca-na-đa và nhân dân Việt Nam:
Đạo luật S-219 chia rẽ cộng đồng người Việt ở Ca-na-đa. Theo nhiều nguồn thông tin, chỉ có 5% người Việt ở đây đồng quan điểm với đạo luật S-219, như vậy có nghĩa đạo luật S-219 chỉ đáp ứng của một số nhỏ người Việt ở Ca-na-đa vẫn bám giữ hận thù trong thời kỳ chiến tranh.
Trong dịp đón Xuân Ất Mùi vừa qua, hàng trăm Việt kiều ở Ca-na-đa đã về nước. Nhiều người đã vui mừng khi chứng kiến đất nước ngày càng phát triển. Một số người đã bày tỏ mong muốn được trở về quê hương làm ăn, sinh sống, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Có người cho rằng, đạo luật này đã tiếp tục khơi sâu hận thù, “phớt lờ” lợi ích và tình cảm của lớp trẻ, chỉ vì lợi ích chính trị ích kỷ của một số nhỏ người Việt ở Ca-na-đa.
Cho đến nay, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ca-na-đa đã được thiết lập hơn 40 năm, kể từ năm 1973. Quan hệ hai nước đã liên tục được củng cố và phát triển, với kim ngạch hai chiều đạt 2,5 tỷ USD năm 2013. Việt Nam hiện nằm trong danh sách ưu tiên của chiến lược Hành động thị trường toàn cầu, chiến lược Giáo dục quốc tế và Chương trình phát triển quốc tế của Ca-na-đa.
Về phần mình, Việt Nam luôn luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ca-na-đa, hoàn toàn ủng hộ chính sách chuyển hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ca-na-đa và hoan nghênh sự đóng góp của Ca-na-đa cho hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực. Như vậy, đạo luật S-219 đã đi ngược lại lợi ích của cả hai quốc gia.
Thứ ba, đạo luật S-219 đã đi ngược lại xu hướng chung của thời đại ngày nay. Đó là, tất cả các quốc gia đều có quyền dân tộc tự quyết, về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Các quốc gia, kể cả Liên hợp quốc, cũng phải tôn trọng quyền này. Đạo luật S-219 thể hiện rõ sự kỳ thị với chế độ xã hội do nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Tư duy chính trị của người bảo trợ đạo luật S-219 vẫn còn bám giữ tư duy thời kỳ chiến tranh lạnh, kỳ thị với chế độ chính trị của Việt Nam. Họ dường như chỉ biết thông tin qua các trang mạng chống cộng, không biết gì đến một nước Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới gần 30 năm.
Về quan hệ quốc tế, cho đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 180 quốc gia, trong đó có đầy đủ các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đường lối đối ngoại của Việt Nam là sẵn sàng phát triển quan hệ với tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng… trên cơ sở tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và hai bên cùng có lợi. Tiếc rằng, người bảo trợ đạo luật S-219 cũng như người ủng hộ nó đang đi ngược lại xu hướng chung của nền văn minh nhân loại.
Vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế, mong rằng những việc làm can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền dưới bất cứ hình thức nào sẽ không được tái diễn và bị cộng đồng quốc tế lên án.
VỌNG ĐỨC