Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng hoa cho em Ngô Văn Thơ. Ảnh: Minh Trường

Ngay sau khi chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VI được phát sóng trực tiếp trên đài Truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam và đăng tải trên nhiều tờ báo… Báo Quân đội nhân dân đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc cả nước bày tỏ tình cảm và cảm nhận của mình về Chương trình, nhất là những thành tích của những tấm gương tập thể, cá nhân được tôn vinh lần này. Nhiều người cũng bày tỏ mong muốn báo Quân đội nhân dân tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức thêm những chương trình tôn vinh điển hình tiên tiến có ý nghĩa như thế…

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Tư lệnh Quân khu 4:

Những tấm gương cao quý!

Ở xa Hà Nội, nên tối ngày 1-5 chúng tôi không về Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội để tham dự trực tiếp chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VI do báo Lao Động, báo Quân đội nhân dân, đài Truyền hình Việt Nam và đài Tiếng nói Việt Nam đồng tổ chức, nhưng hầu hết nhân dân và các LLVT trong địa bàn Quân khu 4 đều chăm chú theo dõi qua sóng phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Quân khu 4 vinh dự có chị Mai Thị Hiền, vợ Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Phạm Hữu Huyên và cháu Ngô Văn Thơ, học sinh lớp 11B7 Trường THPT Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được BTC chọn tôn vinh lần này, nên chúng tôi theo dõi chương trình với một tình cảm đặc biệt hơn. Đây là một chương trình rất cảm động, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với khán giả, thính giả cả nước. 9 tập thể, cá nhân được Ban tổ chức lựa chọn tôn vinh đều rất xứng đáng. Đó là những con người “bình dị mà cao quý”. Họ rất xứng đáng được tôn vinh. Họ cần được tôn vinh. Những tấm gương sáng như vậy cần phổ biến tuyên truyền rộng rãi để mọi người noi theo. Họ đúng là những người yêu nước nhất, như lời biểu dương của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Trên dải đất miền Trung, hầu như năm nào cũng phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của bão lũ. LLVTND nói chung, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn nói riêng luôn là lực lượng đi đầu, phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đảng, chính quyền địa phương tham gia giúp dân chống lại “giặc” thiên tai. Có thể nói cuộc chiến này cũng rất cam go, quyết liệt, đòi hỏi tinh thần xả thân, sẵn sàng hy sinh của người chiến sĩ không kém gì ngoài trận mạc chống giặc ngoại xâm. Và trong cuộc chiến ấy đã xuất hiện rất nhiều tấm gương Bộ đội Cụ Hồ không quản hiểm nguy để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân như Anh hùng Liệt sĩ Phạm Hữu Huyên… Đó là chưa nói ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội trên khắp mọi miền Tổ quốc ta cũng còn rất nhiều những tấm gương tốt như 9 tập thể và cá nhân vừa được “Vinh quang Việt Nam” tôn vinh. Chính vì thế chúng tôi mong muốn có thêm nhiều hơn nữa những chương trình tôn vinh mang tính nhân văn cao cả như “Vinh quang Việt Nam” để nhiều người tốt, làm việc tốt được tôn vinh, tạo ra ảnh hưởng tích cực và tốt đẹp đến toàn xã hội.

Đại tá, TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103:

Bài học về “Chữa bệnh không dùng thuốc”

Tôi đưa cả vợ và con đến cổ vũ cho Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VI vừa được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Quả thực trước Lễ tôn vinh, trong số những tập thể, cá nhân điển hình, tôi dành tình cảm và suy nghĩ nhiều đến cô giáo Mai Thị Hiền, là vợ Anh hùng, Liệt sĩ Phạm Hữu Huyên, vì y sĩ Phạm Hữu Huyên, nguyên là học viên thực tập, từng được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện chúng tôi đào tạo. Nhưng đến dự Lễ tôn vinh, được nghe thành tích của các điển hình, tiên tiến khác thì tôi càng thấy họ đều là những tấm gương rất tuyệt vời của xã hội ta và chúng tôi học tập được rất nhiều điều ở họ.

Điển hình phải kể đến Trịnh Công Thanh, anh hùng thầm lặng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người đã chiến thắng bệnh ung thư. Tấm gương vượt khó Trịnh Công Thanh, lẽ đương nhiên ai cũng có thể lấy làm gương để học tập, noi theo, nhưng nhất là đối với những người bị tật nguyền và những người thầy thuốc chúng tôi thì nghị lực của “người hùng” này là bài học vô giá. Mắc phải căn bệnh nan y, các thầy thuốc chẩn đoán khả năng sống không còn lâu… vậy mà Thanh đã không những không đầu hàng bệnh tật mà còn vượt lên bệnh tật để làm được những việc có thể nói là “phi thường”. Càng học tập, càng nghiên cứu, càng lao động Thanh lại càng khỏe ra, căn bệnh quái ác càng bị khuất phục… Thanh là “đối tượng” để các thầy thuốc phải nghiên cứu phương pháp “chữa bệnh không dùng thuốc”. Thanh là tấm gương sống, là điển hình chiến thắng bệnh tật để các thầy thuốc như chúng tôi lấy để động viên bệnh nhân… Đó là suy nghĩ của tôi, và chắc cũng là suy nghĩ của rất nhiều thầy thuốc khác.

Tôi cám ơn Ban Tổ chức chương trình “Vinh Quang Việt Nam” lần thứ VI đã giới thiệu đến khán giả, thính giả cả nước những tấm gương thật thuyết phục và có ý nghĩa, góp phần làm cho xã hội ta trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống của mỗi người có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn.

Thương binh Trần Duy Phách:

Sống và hành động như Bộ đội Cụ Hồ

Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VI vừa kết thúc, thì 23 giờ đêm thương binh 1/4 Trần Duy Phách ở thôn Thượng, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây gọi điện cho phóng viên báo Quân đội nhân dân bày tỏ cảm xúc của mình:

- Tôi đã ngồi trên chiếc xe lăn hơn 2 giờ để xem trọn vẹn Chương trình “Vinh quang Việt Nam”. Mỗi câu chuyện của các nhân vật điển hình được tuyên dương đều khiến tôi xúc động xen lẫn tự hào. Đặc biệt khi nghe lại câu chuyện của Thượng tá Đỗ Ngọc Toàn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) đã nhiều lần dũng cảm, mưu trí, bắt hàng trăm đối tượng vận chuyển, buôn bán và tàng trữ ma túy nguy hiểm. Không những thế, cách đối xử đầy tính nhân văn, cao thượng của người chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống ma túy – vốn là mặt trận ác liệt nhất trong thời bình – đã cảm hóa được nhiều đối tượng vốn chai lỳ, phục vụ tốt cho việc điều tra và mở rộng chuyên án. Hay như tấm gương của Thiếu úy Nguyễn Xuân Nghiễm (Binh đoàn 16) chẳng quản khó khăn, gian khổ và hiểm nguy lao vào dòng nước lũ cuồn cuộn để cứu dân, cứu tài sản. Trong cơn hiểm nguy, người sĩ quan trẻ ấy vẫn nghĩ: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Cứu người là trên hết, nhưng cũng phải cứu được tài sản cho nhân dân, như thế mới giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau lũ… Những tấm gương sẵn sàng xả thân vì nhân dân như thế đã góp phần khẳng định thêm chân lý: Người lính dù trên mặt trận nào cũng luôn sống và hành động xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bản thân tôi là một thương binh nặng, phải ngồi trên xe lăn đã hơn 40 năm nay. Tôi biết thế nào là sự “vượt lên chính mình” để có thể tự phục vụ cho mình và làm thêm những việc có ích cho xã hội. Tấm gương của em Trịnh Công Thanh đã khiến tôi nhớ lại ngày tôi mới bị thương. Đó là năm 1967 ở mặt trận Vĩnh Linh. Khi đó, bác sĩ điều trị cho tôi cũng chẩn đoán “Với chấn thương cột sống, mảnh đạn nằm trong tủy… thì không sống quá 10 năm”. Khi đó, tôi đã phải cố gắng lắm mới có thể xóa bỏ được sự tự ti, mặc cảm để hòa nhập với xã hội. Và đã hơn 40 năm qua tôi vẫn sống, vẫn tự phục vụ được cho bản thân, tự lao động kiếm những đồng tiền chính đáng từ mồ hôi, nước mắt của mình, góp một phần nhỏ bé xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp. Em Trịnh Công Thanh cũng vượt lên số phận tật nguyền, tự học và tìm cách vươn lên, hòa nhập với xã hội. Không những thế, em còn giúp hơn 400 người khuyết tật khác tìm được việc làm, hơn 100 trẻ em khuyết tật học được nghề phù hợp để có thể tự kiếm sống… tấm gương như em Thanh thật đáng để nhiều người khâm phục và học tập làm theo.

Khi đất nước còn chiến tranh, những tấm gương của bao anh hùng, liệt sĩ đã trở thành động lực thôi thúc những người lính chúng tôi chiến đấu trên chiến trường, tạo nên những phong trào thi đua ái quốc, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng… Đất nước hòa bình, những tấm gương trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” chắc chắn cũng sẽ tạo nên những phong trào thi đua trong từng ngành, từng nghề, từng lĩnh vực và nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của toàn dân.

Đại úy Phạm Văn Bằng (Đoàn B29, Binh chủng Đặc Công):

Vẫn còn rất nhiều tấm gương như thế!

Có thể nói chưa có một chương trình truyền hình nào khiến tôi chú ý và say sưa theo dõi từ đầu đến cuối như chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VI do báo Quân đội nhân dân, báo Lao động phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức, được phát sóng trực tiếp trên đài Truyền hình Việt Nam và đài Tiếng nói Việt Nam vào tối ngày 1-5-2008 vừa qua. Bởi lẽ đó là một chương trình tôn vinh những tấm gương bình dị mà rất cao quý. Những phẩm chất tốt đẹp của họ như hương thơm của những bông hoa nhiều sắc màu có sức lan tỏa mạnh mẽ làm cho cuộc sống của chúng ta thêm đẹp và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Chúng tôi thấy 9 gương mặt với 9 hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một mục đích, một tâm tư nguyện vọng, đó là cống hiến thật nhiều sức lực và trí lực của mình cho nước nhà mãi mãi yên vui và khởi sắc, sánh vai cùng bạn bè năm châu. Tôi thật sự xúc động khi được biết hoàn cảnh của chị Mai Thị Hiền (vợ anh hùng - liệt sĩ Phạm Hữu Huyên) đã phải gồng mình gánh vác hai vai vừa làm mẹ, vừa làm cha để chăm sóc nuôi dạy hai đứa con thơ trong hoàn cảnh rất khó khăn. Ấy vậy mà chị vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với danh hiệu giáo viên dạy giỏi của trường. Tôi cũng vô cùng cảm kích trước tấm gương chị công nhân Trần Thị Kim Oanh (Tổng công ty dệt may Hà Nội) với 24 năm trong nghề thì có đến 17 năm liền là chiến sĩ thi đua. Xem đoạn phóng sự ngắn về một ca trực của chị Oanh ở nhà máy, tôi thầm nghĩ: không biết “ma lực” nào đã mang đến cho chị một sức mạnh dẻo dai cả về ý chí và nghị lực để thực hành, thao tác giỏi đến thế!

Mặc dù, cậu bé Ngô Văn Thơ (học sinh trường THPT Cửa Tùng, Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, Quảng Trị) xuất hiện vào phút chót của chương trình nhưng lại khiến tôi nhớ rất kỹ dáng người gày gò, nhỏ thó trái ngược hoàn toàn với hành động vô cùng lớn lao của em khi em dám nhảy cầu ở độ cao 30m để cứu một em bé sắp chết đuối dưới sông. Đó thật sự là một hành động anh hùng! Đó cũng là sự xả thân cao đẹp, thật xứng danh con em của một dân tộc anh hùng. Hành động không suy nghĩ, tính toán, như một phản xạ tự nhiên, nhảy từ trên cầu xuống sông cứu người của một học sinh mới 17 tuổi như Thơ khiến nhiều bạn trẻ cần phải suy nghĩ và nhìn nhận lại bản thân mình…

Những tấm gương cao quí khác như Thiếu úy Nguyễn Xuân Nghiễm (Binh đoàn 16), Thượng tá Đỗ Ngọc Toàn (phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội biên phòng Lào Cai), “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin” Trịnh Công Thanh… đã tô điểm cho cuộc sống của chúng ta ngày một ý nghĩa hơn bằng những việc làm, hành động vô cùng đẹp đẽ của họ.

Xem xong chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VI, tôi vẫn có cảm giác… nuối tiếc và thấy thiếu một điều gì đó. Thực sự mà nói, cuộc sống hằng ngày quanh chúng ta còn rất, rất nhiều những tấm gương tốt, nhưng chương trình lần này mới chỉ tôn vinh được 9 cá nhân, tập thể. Mong rằng báo Quân đội nhân dân phát hiện thêm những tấm gương là cựu chiến binh, là các bạn sinh viên trong khối các trường chuyên nghiệp, các bạn đoàn viên thanh niên khu vực nông thôn, miền núi và trong các khu công nghiệp… để chương trình “Vinh quang Việt Nam” những lần tiếp theo sẽ toàn diện hơn.

Trung úy Phạm Hữu Hiệp (Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình và là em trai Anh hùng – liệt sĩ Phạm Hữu Huyên):

Cảm động sâu sắc về chương trình “Vinh quang Việt Nam”

Tôi vinh dự nhận lệnh từ đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Hóa (Chủ nhiệm Chính trị - Bộ CHQS Quảng Bình), có nhiệm vụ đưa chị dâu tôi là Mai Thị Hiền cùng 2 cháu ra Hà Nội tham gia chương trình "Vinh quang Việt Nam" lần thứ VI.

Ngày 3-5, cô giáo Mai Thị Hiền – một trong những cá nhân được tuyên dương trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VI – qua điện thoại cho biết: Qua chương trình, bản thân tôi đã học được rất nhiều từ những tấm gương khác; đặc biệt là đức tính hy sinh và sự sẻ chia. Qua chương trình, tôi vô cùng xúc động và cảm kích vì nhận được rất nhiều lời động viên, an ủi.Tôi cũng nhận được sự ủng hộ quý báu về vật chất của các cơ quan, đơn vị, trong đó Cục Quân y đã tặng mẹ con tôi số tiền 50 triệu đồng... Ngay khi rời Hà Nội, về đến huyện Lệ Thủy, tôi đã trích một phần số tiền trên, mua quà, tặng một số gia đình chính sách ở địa phương. Trong ngày 3-5, tôi đã đến thăm, tặng quà mẹ Đỗ Thị Miêng, ở đội 2, xã Quy Hậu, có 2 con là liệt sĩ và mẹ Phạm Thị Hồng ở thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy có hai con là liệt sĩ, một con là thương binh nặng, kể lại những kỷ niệm không thể nào quên qua lần ra Hà Nội tham dự chương trình “Vinh quang Việt Nam”.

Anh Huyên hy sinh là mất mát to lớn cho mẹ con tôi cũng như gia đình, đơn vị, nhưng được tham dự Chương trình Vinh quang Việt Nam tôi càng thêm tự hào về Anh, nguyện sống thật tốt để xứng đáng với tình cảm mà đồng chí, đồng đội và nhân dân cả nước dành cho Anh và mẹ con tôi.

Trước hết thay mặt chị tôi, tôi xin cảm ơn Ban tổ chức đã dành cho chúng tôi tình cảm hết sức đặc biệt. Cần phải khẳng định, công tác tổ chức của báo Quân đội nhân dân, báo Lao động, đài Truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam hết sức chặt chẽ, công phu và chu đáo. Ngay từ lúc tôi ở Quảng Bình làm công tác chuẩn bị đã nhận được nhiều lời hỏi thăm, hướng dẫn chu đáo, chặt chẽ của các đồng chí ở báo Quân đội nhân dân. Từ khi lên tàu ở ga Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) ra Hà Nội, chiếc điện thoại của tôi lúc nào cũng “bận” vì những cuộc gọi từ các anh Phú Sơn, Ngọc Khoa, Huy Quang… (cán bộ trong Ban đón tiếp đại biểu của báo Quân đội nhân dân) gọi đến hỏi thăm “Tàu đã đến đâu rồi? Mẹ con chị Hiền có mệt không…?”. 5 giờ sáng ngày 29-4, tàu đến ga Hà Nội, trước cửa ga, chiếc xe ô tô của báo Quân đội nhân dân đã chờ đón chúng tôi từ bao giờ và đưa thẳng về khách sạn nghỉ ngơi. Không chỉ riêng đoàn chúng tôi, tất cả các đại biểu khác cũng đều rất cảm động trước sự quan tâm tận tình, chu đáo từ việc đi lại, đến ăn uống, ngủ, nghỉ và sinh hoạt được Ban Tổ chức lo cho. Bữa ăn nào, các anh cũng đến hỏi ăn có hợp khẩu vị không, nhất là sự quan tâm chăm sóc đối với 2 cháu nhỏ con chị Hiền.

Thật vinh dự cho tôi, trong thời gian ở Hà Nội, đã được sống gần gũi với đầy đủ 9 tấm gương điển hình tại Khách sạn 14 Lý Nam Đế. Ngoài những câu chuyện được biết trong chương trình giao lưu, tôi còn được nghe các anh, các chị tâm sự thêm nhiều chuyện riêng tư khác. Em Ngô Văn Thơ, đại biểu nhỏ tuổi nhất, tâm sự: “Em ra Hà Nội mà chỉ có mỗi một bộ quần áo, tối đi ngủ lại phải giặt để sáng mai kịp khô”. Thơ cũng kể về hoàn cảnh của mình, bố mất sớm, mẹ đi làm xa. Lúc đầu em ở với bà ngoại, rồi bà mất, em lại chuyển sang ở với cậu ruột. Ngoài đi học, Thơ còn phụ giúp gia đình cậu đi đánh bắt hải sản, vá lưới… Thiếu úy Nguyễn Xuân Nghiễm thì luôn trăn trở không biết mua món quà gì về tặng cho bà con ở gần nơi đơn vị đóng quân, nhất là những gia đình bị ảnh hưởng do bão lũ. Chú Đỗ Văn Trắc (Tổng Giám đốc Công ty CP Cáp và Vật liệu Viễn thông) tuy thường xuyên bận điều hành công việc của công ty qua điện thoại vẫn dành thời gian thăm hỏi em Thơ và gia đình chị Mai Thị Hiền…

Thời gian không nhiều, nhưng qua những lần tiếp xúc, tôi nhận thấy một điểm chung ở các tấm gương, từ người công nhân dệt, đến giám đốc một doanh nghiệp lớn; từ người lớn tuổi, đến nhỏ tuổi nhất, đều có lối sống giản dị, đạo đức trong sáng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Ở họ, lời dạy của Bác Hồ “…Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…” đã trở thành ý chí, hành động trong mỗi công việc. Bản thân tôi, qua chuyến đi này học tập được rất nhiều điều tốt đẹp ở những tấm gương đó…

Báo QĐND