Có người dân khu vực này nói rằng số phận họ như những đứa con nuôi, được một ông bố bà mẹ nào đó nhận về một thời gian, rồi khi không muốn, họ không nhận nữa. Điều ấy phần nào có lý, vì đúng là Hà Nội đã từng “quay lưng” lại với “những đứa con nuôi” của mình.

Hà Nội có thể trùm cả Hà Tây, cả xứ Đoài rộng lớn, và một phần của Hòa Bình, Vĩnh Phúc – đó là phương án đang chuẩn bị trình Quốc hội trong kỳ họp vào tháng tư tới. Khi đó, diện tích Hà Nội sẽ vọt lên gấp 3 lần diện tích hiện nay. Cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều người cho rằng, mở rộng Hà Nội sẽ giải quyết được những bất cập đang diễn ra ở thủ đô, đặc biệt là vấn đề quỹ đất, vấn nạn ách tắc giao thông... Tuy nhiên, mở rộng như thế nào, vào thời điểm nào đang là điều băn khoăn với nhiều nhà nghiên cứu, nhà kiến trúc... Bắt đầu từ số báo này, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của một số nhà nghiên cứu góp ý vào vấn đề qui hoạch thủ đô.

Để có một thủ đô xứng với tầm vóc quốc gia, nhất thiết Hà Nội phải mở rộng hay không? Hoặc nếu mở rộng, Hà Nội nên mở rộng như thế nào? Việc “nhập” Hà Tây như phương án hiện tại, có thể gây ra những biến động về kinh tế xã hội, cũng như văn hóa như thế nào? Một thời chúng ta mắc căn bệnh “làng to, huyện lớn, tỉnh dài”, sáp nhập vô số tỉnh, để rồi lại loay hoay tách ra, liệu rồi sau khi chúng ta nhập vào, căn bệnh ấy có tái diễn hay không?

Chúng tôi hi vọng sẽ cùng các nhà khoa học góp phần tìm lời giải cho những băn khoăn ấy.

Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân: Không thể coi phá làng, xây nhà tầng là đô thị hóa!
PV: Là một kiến trúc sư người Hà Nội, gắn bó với Quy hoạch Hà Nội đã lâu năm, bà có suy nghĩ gì về những việc Hà Nội sẽ phát triển sang phía Tây?

Kiến trúc sưTrần Thanh Vân: Chúng tôi đã trả lời câu hỏi đó từ 40 năm trước, ngày đó tôi là một cô bé mới tốt nghiệp khoa Quy hoạch thuộc ngành Kiến trúc từ thành phố Thượng Hải trở về, tôi theo các anh chị lớn đi khắp Vĩnh Yên, Xuân Hòa, lại trở về Tông Sơn Tây và Xuân Mai, Hòa Bình... Cuối cùng chúng tôi đã khẳng định đây là hướng duy nhất đúng theo cấu trúc phong thủy.

* Tại sao bà gắn việc mở rộng Hà Nội với cấu trúc phong thủy?

Tôi coi Thuyết phong thủy là khoa học ứng dụng của môn địa - vật lý. Khi nghiên cứu về cấu trúc phong thủy của Kinh đô Thăng Long, tôi vô cùng khâm phục sự hiểu biết sâu xa của Thiền sư Vạn Hạnh và sự ứng dụng uyên bác của người học trò xuất sắc là Vua Lý Công Uẩn. Tôi coi đó là một kết quả nghiên cứu khoa học rất chuẩn mực. Sự hòa quyện giữa Gió và Nước, giữa Núi và Sông, là món quà quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố Thủ đô của chúng ta.

Ngày đó, nước Đại Việt chỉ có số dân 6 triệu, vậy mà trong Thiên đô chiếu, vị Vua Tổ của Kinh đô Thăng Long đã vẽ lên được hình hài của thành phố Rồng bay hôm nay: Vòng cung Núi Tản Ba Vì đến Xuân Mai Hòa Bình là cái lưng vững chắc. Hồ Tây là Đại Minh đường và Sông Hồng là một Đại Thanh Long.

* Theo bà, điều gì cần phải lưu tâm nhất trong thời gian tới, khi Hà Nội có khả năng được mở rộng “ôm” lấy Hà Tây?

Câu chuyện chúng ta vừa trao đổi mới chỉ là định hướng. Sau định hướng đúng rồi mới đến quy hoạch chung, sau quy hoạch chung mới đến quy hoạch chi tiết, trong quy hoạch chi tiết lại có quy hoạch chiều ngang (mặt bằng) và Quy hoạch chiều đứng (tầm cao công trình, hình khối công trình, bộ mặt kiến trúc...). Như vậy đủ thấy quy hoạch có rất nhiều công đoạn phải làm và công đoạn nào cũng quan trọng như nhau, đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh, công đoạn cuối cùng là việc quản lý quy hoạch lại vô cùng hệ trọng.

Tôi lấy làm lạ, vừa nghe nói Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội là dân chúng thu gom tiền bạc ào ào đi mua đất. Tại sao họ không nghĩ rằng Sóc Sơn, Đông Anh vốn là ngoại thành Hà Nội từ xưa, nay vẫn là các huyện ngoại thành? Còn Từ Liêm, Thanh Trì là các huyện sát bên khu trung tâm, lâu nay đã xuất hiện một số khu đô thị mới, nhưng vẫn đang thất bại vì đã nẩy sinh nhiều vấn đề cần rà soát lại.

* Bà có thể dẫn ra một vài ví dụ về những thất bại?

Tiến trình đô thị hóa Hà Nội đang “có vấn đề”. Và những vấn đề đó có thể trầm trọng hơn, khi mở rộng Hà Nội. Mặc dù là người ủng hộ phương án mở rộng Hà Nội về phía Tây, nhưng Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân cảnh báo, căn bệnh không có qui hoạch (chứ không phải thiếu qui hoạch) sẽ trầm kha hơn khi mở rộng Hà Nội.

Cách nhà tôi chỉ chừng 700 m là Khu đô thị Nam Thăng Long, một khu đô thị mới được coi là thành công nhất của Hà Nội, nhưng nơi đây đang tồn tại 3 “tiểu đô thị mới” đang “đá” nhau:

Khu vực do liên doanh quản lý thì rất ngăn nắp, mặc dù nhiều người không hài lòng điểm này điểm khác, nhưng nhìn chung là thoáng đãng, sạch sẽ, có tượng đài, có vườn hoa... đâu ra đấy. Ngay cạnh đó là khu giãn dân, để đền bù hoặc để bán. Khu này không rộng nhưng có quy hoạch đường đi lối lại hẳn hoi, nhưng các nhà quản lý hoàn toàn thả lỏng bộ mặt không gian kiến trúc, các ông chủ mặc sức xây những ngôi nhà theo kiểu tùy hứng, nên nhìn chung vẫn xộc xệch.

Ngoài ra, phải kể đến khu nhà dân gốc địa phương tự vẽ, tự xây trên phần đất còn lại của họ, sau khi liên doanh lấy đất, đã đền bù họ khá nhiều tiền. Không ai ngăn cấm họ, nhưng cũng không có cơ quan chức trách nào hướng dẫn và quản lý họ. Đang là nông dân cần mẫn ở nhà tranh, nay họ trở thành người có tiền, ở nhà bê tông nhiều tầng nhưng đã thất nghiệp.

* Theo quan điểm nghề nghiệp, bà gọi hiện tượng đó là gì?

Về mặt xã hội, đó là suy thoái, không phải đô thị hóa. Về mặt chuyên môn, đó là quy hoạch thiếu đồng bộ. Đặc biệt ở đây chưa có nghiên cứu và ứng dụng chính sách dịch cư theo chiều đứng.

* Bà có thể giải thích rõ hơn về dịch cư theo chiều đứng?

Hầu hết dân đô thị ở nước ta và trên toàn thế giới đều từ nông thôn mà ra. Những lao động chính đều phải qua đào tạo, huấn luyện, những lao động phụ cũng phải có tuyển dụng và làm quen với môi trường mới. Họ cùng gia đình tạo ra luồng di cư từ nông thôn ra thành thị hoặc di chuyển từ đô thị nhỏ đến đô thị lớn. Từ đó lại đẻ ra nhà trẻ, trường học, cửa hàng và nhiều nghề phục vụ khác. Cộng đồng người này sẽ thích nghi dần với môi trường mới, hình thành nếp sống và thói quen mới, họ sẽ làm quen dần với văn minh đô thị.

Trường hợp như Nhật Tân gọi là dịch cư. Họ không đi đâu xa cả mà thay đổi cách sống trên mảnh đất của họ. Trong đó có dịch cư theo chiều ngang là thay đổi chút ít về không gian ở, hình thái nhà ở. Nhưng dịch cư theo chiều đứng là thay đổi nghề nghiệp, hoặc nâng cao sở trường nghề nghiệp để thích nghi với hoàn cảnh mới cho dù ruộng vườn mất đi, họ vẫn không thất nghiệp, họ vẫn sống ung dung tự tại, cá biệt, có người trở nên giầu có và văn minh hơn xưa.

Thí dụ ở làng Nhật Tân xưa thường trồng đào đại trà. Ngày nay vườn đào nhà họ bị biến thành khu đô thị mới, họ được đền bù ít tiền. Có người cho các con đi học nghề để quen cuộc sống tự lập, riêng vợ chồng ông chủ thì chuyển sang nghề uốn đào thế cho thuê chứ không bán. Ruộng vườn bị thu hẹp, nhưng một cây đào thế hôm nay họ thu được gấp 10 lần tiền cây đào đại trà khi xưa.

Một số người đã thành công, nhưng cũng rất nhiều người thất bại. Cũng xin lưu ý rằng, hầu hết sự thành công, là do người dân kịp thích nghi, chứ không thấy bàn tay của nhà quản lý! Đô thị hóa của chúng ta ngày nay, mới chỉ là xây nhà tầng ở nông thôn, chứ chưa quan tâm đến dịch cư theo chiều đứng. Nói cách khác là chưa quan tâm đến chất lượng đời sống.

* Thiếu nghiên cứu về dịch cư theo chiều đứng, theo bà, có thể dẫn đến những nguy cơ gì?

Điều đó thì rõ rồi. Làm qui hoạch mà không có nghiên cứu thì tình trạng suy thoái sẽ trầm trọng hơn. Khi xây dựng những đô thị mới ở Hà Tây, sẽ có rất nhiều người dân phải dịch cư. Nếu không có các bước thực hiện này, thì việc mở rộng Hà Nội, cũng đồng nghĩa với mở rộng việc đô thị hóa sẽ chỉ là công việc phá làng để xây nhà cao tầng!

Theo: DDKO-P.V