 |
Quang cảnh đêm “Huyền thoại sông Hương” |
Hơn 700 năm hình thành và phát triển, dòng Hương Giang đã vẽ nên dáng vóc, hình hài xứ Huế mộng mơ. Chính con sông này là minh chứng hùng hồn khẳng định một điều thiêng liêng về Kinh đô Huế được khởi đầu từ đô thị Thuận Hoá xưa kia.
Lễ hội “Huyền thoại sông Hương” diễn ra trên sông từ bến Bảng Lãng đến Nghinh Lương đình diễn ra trong đêm 5 và 6-6-2008.
Mở đầu, 20 chiếc thuyền rồng vây quanh 1 thuyền cung đình tái hiện lại khung cảnh thuyền vua du sông dưới triều nhà Nguyễn. Khởi đầu từ bến thuyền lăng Minh Mạng, ngay sau phần ngũ lân nghênh phúc, du khách bước lên các con thuyền trong tiếng thì thầm, tình tự của dòng Hương Giang về những huyền thoại và chiến công hiển hách. Tại Cầu Tuần (địa điểm đầu tiên tổ chức lễ hội “Huyền thoại sông Hương”) một dàn trống đại khua vang mời gọi du khách bước vào huyền thoại. Theo đó, trên đoạn đường cờ xí bay rợp trời, đội quan binh tuần thú võng lọng xông xênh gợi du khách nhớ về thuở vương triều với những nét bi hùng. Giữa thấp thoáng mờ sương, đình làng Hải Cát nhấp nhô bóng các bô lão xúng xính mũ áo, cân đai cất những tiếng cười sang sảng trong âm điệu của nhã nhạc cung đình.
Trên khu vực lăng Cao Hoàng, du khách được thưởng thức một hoạt cảnh binh lính canh phòng bên lăng chúa Nguyễn. Tại điện Hòn Chén, du khách được xem hoạt cảnh rước vua lên điện chuẩn bị cho lễ dâng hương. Giữa làn khói hương trầm ngào ngạt, làn điệu Chầu văn rộn rã lòng người, các cung nữ xiêm áo lộng lẫy bước lên thuyền dâng thẻ xăm với những lời chúc tụng. Qua đồi Vọng Cảnh, du khách được chứng kiến cuộc sống thanh bình của nhân dân ta thuở khai thiên, lập địa qua hoạt cảnh “Tung chài”. Dưới ánh hoàng hôn, các thuyền chài lần lượt tung lưới trong tiếng hò khoan rộn rã. Trên các bãi bồi, những chú mục đồng tóc để chỏm vắt vẻo lưng trâu thả diều, thổi sáo. Cảnh sinh hoạt của làng chài bập bùng trong ánh đèn hoa đăng được thả từ những con đò chở đầy khát vọng, ước mơ về cuộc sống tươi đẹp. Xa hơn một chút, 9 ngọn đuốc rực sáng tượng trưng cho “Thiên địa trục” và 9 đời chúa Nguyễn đầy quyền uy. Xuôi dòng về chùa Thiên Mụ, khi đoàn thuyền dừng lại, tất cả du khách thả hồn mình qua những câu thơ bằng chữ Hán của các bậc vua chúa viết về ngôi chùa linh thiêng được chiếu trên bờ kè. Tại đây mọi người cùng nhau thưởng thức hoạt cảnh bà tiên báo mộng, chúa Nguyễn Hoàng và đoàn tuỳ tùng chọn doi đất để xây chùa. Bến sông Hương càng lung linh hơn khi du khách chứng kiến hình ảnh 40 nhà sư lần lượt thắp sáng các hoa đăng làm nổi bật 3 chữ “Thiên Mụ Tự”. Trong sự huyền bí của tiếng mõ tụng kinh, du khách thi nhau thả điều nguyện cầu xuống dòng Hương Giang lấp lánh rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Sân khấu Nghinh Lương đình lung linh huyền ảo, bốn cụm rồng, hai cụm mây hoà quyện vào nhau. Tại đây, huyền thoại sông Hương tiếp tục được tái hiện qua các loại hình nghệ thuật được kết nối bằng lời thoại do các tiên nữ kể theo lối dẫn chuyện. Nếu như múa “Cội nguồn dòng sông” với hình ảnh các tiên nữ kiều diễm, dập dìu trong hương thạch xương bồ, thì hoạt cảnh “Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam” lại thể hiện khí phách hào hùng của những người đi mở đất. Hoạt cảnh “Nước non ngàn dặm” miêu tả cuộc chia tay lưu luyến của Huyền Trân công chúa giây phút từ biệt kinh kỳ. Bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” của Vua Thiệu Trị tạc vào bia đá, dẫu qua bao lớp bụi thời gian vẫn còn vọng mãi với nhân tình, thế thái....Cứ như vậy các chương trình nghệ thuật tiếp tục đưa du khách trở về với cuộc sống hồn nhiên, lạc quan yêu đời của nhân dân ta từ thuở cha ông đi mở cõi...
Có thể nói rằng, lần đầu tiên lễ hội đêm “Huyền thoại sông Hương” được tổ chức trong các kỳ Festival tại cố đô Huế. Đây chính là lễ hội đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, là một trong những điểm nhấn quan trọng góp phần làm cho Festival Huế 2008 trở nên lộng lẫy và đáng yêu trong mắt du khách cả nước và bạn bè quốc tế gần xa...
Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng