Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được thảo luận, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ bảy. Đến nay, tiếp thu tối đa các ý kiến, dự thảo luật này đã được chỉnh lý có 61 điều, cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp. |
Không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Quân đội trong luật
Trước đó, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị làm rõ việc không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của Quân đội tại dự thảo luật.
Báo cáo tại phiên họp về ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đối với hoạt động cũng như phạm vi cứu nạn, cứu hộ giao cho lực lượng Quân đội đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự; Luật Phòng, chống thiên tai....
Nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ do Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ điều chỉnh chỉ bao gồm các tình huống trong cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra thường ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật có liên quan và giao cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện.
“Do đó, việc dự thảo luật này không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Quân đội là phù hợp”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói.
 |
Quang cảnh phiên họp. |
Xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy
Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quy định rõ thời gian khắc phục, nội dung và lộ trình cụ thể về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ngay tại dự thảo luật để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Góp ý tại phiên họp, nhận định tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp và còn nhiều bất cập trong phòng cháy, chữa cháy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề: “Ở địa phương, cơ sở, phải chăng còn buông lỏng, chưa xử lý nghiêm các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh vi phạm phòng cháy, chữa cháy hay các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hoặc nếu có không sử dụng được?”.
Nhấn mạnh quan điểm phòng là chính, khi xảy ra cháy rồi thì việc chữa cháy rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có rất nhiều chung cư cao tầng thường xảy ra cháy nổ nhưng bất cập là không có thang cao để chữa cháy.
“Khi phê duyệt bao nhiêu tầng phải bảo đảm có thang chữa cháy bấy nhiêu tầng, chứ thang chữa cháy 15 tầng mà đầu tư lên đến 20-25 tầng thì không có cách nào chữa cháy”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Dẫn chứng “Trong khi trực thăng chữa cháy chưa có, thang chữa cháy cũng chỉ đến tầng 20, nhà tôi ở tầng 22”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần có quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với chung cư để phòng ngừa trong trường hợp có sự cố xảy ra; còn khi sự cố xảy ra thì rất khó khắc phục.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng nhận xét, dự thảo luật chưa xử lý được các cơ sở, công trình không đạt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; đề nghị dự thảo luật cần quy định phải thực tế và phải có khoảng thời gian nhất định để xử lý. Chẳng hạn, với công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, khi luật có hiệu lực, cần có thời hạn nhất định để khắc phục tối thiểu những công trình này, nếu không sẽ phải dừng hoạt động.
Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc của các công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, UBND cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý...
THẢO PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.