Luật Khoáng sản gồm 11 chương, 86 điều được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII vừa qua. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã ký Lệnh công bố. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011...
QĐND - Luật Khoáng sản gồm 11 chương, 86 điều được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII vừa qua. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã ký Lệnh công bố. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, một trong những điểm mới trong Luật là bổ sung quy định về Chiến lược khoáng sản (Điều 9) nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng cũng như công tác lập quy hoạch khoáng sản, khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác lập quy hoạch như hiện nay. Điểm nổi bật mang tính “đột phá” của Luật là sự thay đổi cơ bản cơ chế quản lý khoáng sản thông qua các quy định về tài chính, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Xuất phát từ chế độ sở hữu toàn dân đối với khoáng sản và quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân của nhà nước, Luật quy định khoản thu khi nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân được gọi là “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” (điều 77). Đây chính là một phần lợi ích mà chủ sở hữu được hưởng khi giao quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân.
Về quản lý nhà nước về khoáng sản, đây là nội dung quan trọng liên quan đến quản lý tài sản “khoáng sản” của nhà nước cũng là điểm mới của Luật. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường (điều 80), UBND các cấp (điều 81) nhằm tăng cường hiệu quả quản lý về khoáng sản tại cấp cơ sở. Để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về khoáng sản, tạo điều kiện chủ động cho chính phủ trong công tác điều hành, về thẩm quyền lập trình phê duyệt quy hoạch khoáng sản (điều 10) đã không quy định cụ thể trách nhiệm của bộ nào mà giao cho Chính phủ quy định, phân công cụ thể các bộ, ngành trong việc lập quy hoạch khoáng sản và hướng dẫn lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của địa phương.
Nhằm thực thi chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa “nhà nước- người dân-doanh nghiệp”, điều 5 của Luật Khoáng sản đã quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có khoáng sản được khai thác như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp, duy trì, xây dựng hạ tầng kỹ thuật xây dựng công trình phúc lợi; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường… Mặt khác, Luật cũng quy định, nếu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật… thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường; phải ưu tiên sử dụng người lao động là người địa phương vào hoạt động có liên quan…
Nhất Ngôn