 |
Thí sinh và khán giả tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung-Tây Nguyên bị lũ lụt ngay tại hội thi. |
Trong số 69 thí sinh về dự hội thi, có 20 thí sinh là nữ, chiếm 28,8%; trong số 6 thí sinh lọt vào vòng chung khảo, số thí sinh nữ là 4, chiếm 66,7%. Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 6 giải nhì, 11 giải ba và một số giải khuyến khích. Thí sinh trẻ nhất hội thi là trung sĩ Nguyễn Thị Hòa (Học viện Quân y), đồng thời cũng là người giành giải nhất hội thi. Thí sinh có quân hàm thấp nhất là binh nhì Phan Trung Kiên (Quân khu 4) đồng thời cũng là thí sinh đã trải qua nhiều vòng thi nhất; để được chọn đi thi toàn quân, Kiên đã giành 5 giải nhất từ hội thi cấp đại đội đến hội thi cấp Quân khu. Thí sinh có quân hàm cao nhất là Thượng tá Vũ Văn Nhiên (Học viện Quốc phòng). Hai thí sinh có học vị tiến sĩ là Vũ Văn Nhiên (Học viện Quốc phòng) và Trần Thị Hồng Thúy (Viện Y học cổ truyền Quân đội).
Đó là nhận xét chung của đông đảo khán giả sau khi được nghe các thí sinh “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Một đợt sinh hoạt chính trị ngập tràn xúc cảm tri ân với những câu chuyện về cuộc đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nếp sống giản dị, lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người của Bác Hồ.
“Học tập và làm theo...” ngay tại hội thi
69 thí sinh được lựa chọn từ 25 cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (khu vực phía Bắc) đã mang về hội thi 81 câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 3 ngày, từ 13-8 đến 15-8, các điểm thi tại Hội trường Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, hội trường Vùng A Hải quân và hội trường Đoàn Thông tin Hải quân S02 tràn ngập hoa, nụ cười và cả những giọt nước mắt rưng rưng cảm động.
Đại tá Lê Cường, Phó cục trưởng Cục Tư tưởng-Văn hóa, Trưởng ban giám khảo hội thi, cho biết: “Kể chuyện là một hình thức mới so với những hội thi trước đây, nhưng phần lớn thí sinh, trong đó nhiều đồng chí tuổi quân, tuổi đời còn rất trẻ đã vượt qua thử thách này một cách thuyết phục. Họ nắm vững kỹ năng, nghệ thuật kể chuyện, nhuần nhuyễn nội dung, sáng tạo về phương pháp thể hiện, gắn nội dung câu chuyện với nhận thức, tư tưởng, hành động của bản thân và những vấn đề thực tiễn của xã hội, đơn vị. Nhiều thí sinh biết kết hợp chặt chẽ giữa ngôn ngữ hữu thanh và ngôn ngữ vô thanh tạo nên sự hấp dẫn lôi cuốn người nghe”.
Sức hấp dẫn của hội thi được tạo ra từ những câu chuyện lay động lòng người. Hội thi mở ra một quá trình mới, quá trình đẩy mạnh phong trào kể chuyện các điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra xung lực lớn hơn, sức lan tỏa rộng khắp trong các đơn vị và toàn xã hội.
Điểm mới của Hội thi, Ban tổ chức đã có sáng kiến tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngay tại hội thi, đó là: Thực hành tiết kiệm để quyên góp tiền gửi tặng đồng bào miền Trung và Tây Nguyên vừa bị lũ lụt. Thí sinh thể hiện tinh thần tự lực, tự trọng và tự tin. Giám khảo thể hiện sự công bằng, công tâm, khách quan khi đánh giá… Thượng úy Trịnh Tiến Dũng, người dân tộc Dao, thí sinh đến từ Quân khu 1, tâm sự: “Những ngày dự thi thật đáng nhớ đối với tôi. Đi đâu, làm gì, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ chu đáo của mọi người với cách giao tiếp, ứng xử thấm đượm tình đồng đội. Quả thật, khi kể chuyện về Bác Hồ, ai cũng thấy hình bóng Người tỏa sáng và bản thân mình trưởng thành, trong sáng hơn”.
Chiều sâu nhận thức và lắng đọng cảm xúc
Trung sĩ Nguyễn Thị Hòa (Học viện Quân y) là thí sinh trẻ tuổi nhất nhưng cũng là thí sinh gây được sự rung động sâu sắc nhất cuộc thi. Câu chuyện “Đôi dép Bác Hồ” được Hòa thể hiện bằng lối kể chuyện dung dị, mộc mạc, tự nhiên, không lên gân, áp đặt nhưng thuyết phục người nghe bằng chất giọng truyền cảm của một nữ sinh tuổi 19. Hòa quê ở Thuận Thành (Bắc Ninh), thi đỗ Học viện Quân y năm 2006 với số điểm rất cao (28,5 điểm). Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có bố là thương binh nhưng Hòa luôn vượt khó vươn lên trong học tập, công tác. Trong năm học đầu tiên, kết quả học tập của nữ học viên này đạt loại giỏi và được phong quân hàm vượt cấp từ binh nhì lên trung sĩ. Hòa đã giành giải nhất tại hội thi của Học viện Quân y và để chuẩn bị cho hội thi toàn quân, Hòa đã tìm đọc thêm hàng chục cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Vừa ôn thi các học phần cuối năm, vừa đọc thêm tài liệu và trau dồi kỹ năng kể chuyện, điều gì là động lực thôi thúc Hòa thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ ấy?” - chúng tôi hỏi Hòa. “Nghề nào cũng cần có đạo đức nhưng ở nghề y, yêu cầu đạo đức đặt ra khắt khe hơn bởi mỗi hành động và việc làm của người thầy thuốc gắn liền với sinh mạng người bệnh. Với tôi thì tu dưỡng đạo đức và nắm chắc chuyên môn là con đường duy nhất để trở thành một lương y. Vì thế, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác chính là phương thức song hành với quá trình học tập nhằm thực hiện ước mơ trở thành người bác sĩ giỏi trong quân đội”.
Trung úy Phạm Thị Đông (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) chinh phục người nghe bằng chính những suy nghĩ, tình cảm và trách nhiệm của người chiến sĩ hằng ngày được chăm sóc giấc ngủ cho Người. Câu chuyện “Bác Hồ với miền Nam” thực ra đã được các cơ quan truyền thông đại chúng kể nhiều lần, nhưng khi được nghe Đông trực tiếp kể bằng chất giọng Nghệ An-quê Bác, ai cũng rưng rưng nước mắt. Khi ban giám khảo đặt câu hỏi phụ: “Tại sao Bác lại dành tình cảm đặc biệt với đồng bào và chiến sĩ miền Nam như vậy?”, Đông đã làm cả hội trường ồ lên thán phục: “Tình yêu thương bao la của Bác dành cho tất cả mọi người, nhưng cả đời Người chỉ có một mục tiêu cao nhất là làm sao cho đất nước được hòa bình, thống nhất, dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Miền Nam là Thành đồng Tổ quốc, là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam nhưng lại “đi trước về sau”. Kể từ lúc bước chân ra đi tìm đường cứu nước cho đến lúc về cõi vĩnh hằng, điều đau đáu nhất của Bác là đồng bào miền Nam vẫn đang chìm trong gông cùm đế quốc. Bác lại là người khắc kỷ, vị tha nên tình cảm Bác dành cho miền Nam đặc biệt vì lẽ đó”.
69 phần thi của 69 thí sinh là 69 cách kể khác nhau. Cũng có những câu chuyện trùng nhau về nội dung, nhưng cách thể hiện lại có những sáng tạo khác nhau. Trong 6 thí sinh lọt vào vòng chung khảo thì trung úy Phạm Thị Đông (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) và trung tá Nguyễn Thanh Bình (Quân chủng Hải quân) cùng kể một câu chuyện. Vậy nhưng, dù là nghe lại, hàng trăm khán giả trong hội trường Quân chủng Hải quân vẫn lặng đi trong niềm thương nhớ Bác Hồ cùng những suy tư, trăn trở của mỗi người sau thông điệp đạo đức mà người kể phát đi. Thậm chí, Đại tá Lê Cường, Trưởng ban giám khảo còn phải xung phong hát bài “Người về thăm quê” để mọi người vơi bớt nghẹn ngào sau khi Đông kết thúc phần thi của mình…
Theo tổng kết của Ban tổ chức, các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức 2.115 buổi kể chuyện, phục vụ 340.760 lượt cán bộ, chiến sĩ với 9.126 lượt người dự thi kể chuyện. Tuy cũng còn một số vấn đề tồn tại nhưng các hội thi đã thực sự là ngày hội văn hóa, một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức cuốn hút mạnh mẽ, có tính giáo dục cao, có tác dụng động viên, cổ vũ rõ nét. Tại hội thi toàn quân lần này, Trung tướng Phạm Hồng Thanh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã đánh giá: “Tổ chức hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mỗi người về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả lớn nhất của hội thi là tình cảm, niềm tin cách mạng được nâng lên, mỗi người dự thi đều thêm tin tưởng, phấn khởi và ý chí vươn lên”…
Bài và ảnh: Nguyên Hồng-Chu Dũng