Các đại biểu đánh giá cao tinh thần tiếp thu và chỉnh lý của Ban soạn thảo và dành nhiều sự quan tâm thảo luận về đề xuất của Chính phủ bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh, bổ sung một số trường hợp không thi hành án tử hình; bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án.
 |
Quang cảnh phiên họp. |
Theo đó, dự thảo đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành, cụ thể: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) băn khoăn khi bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Theo đại biểu, hậu quả của các loại tội phạm nêu trên gây ra đã quá rõ ràng, song một số lý giải về việc bỏ hình phạt tử hình được đưa ra là thể hiện tính nhân văn, phù hợp với xu hướng của quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề, khi chúng ta nhân văn với tội phạm, thì thân nhân của những nạn nhân, hay những người đã chết do hành vi phạm tội gây ra sẽ suy nghĩ như thế nào?
Thêm nữa, đại biểu nhấn mạnh, các loại tội phạm như tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy đều biết trước được kết cục nếu sa lưới, đều biết rõ hình phạt như thế nào, nhưng vì lợi ích, họ bất chấp tất cả.
 |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. |
Do đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị giữ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Đồng thời, đề xuất tăng mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả như sữa giả, thực phẩm chức năng để thể hiện "không khoan nhượng với những tội ác này". Đề xuất này được bà đưa ra sau hàng loạt vụ việc về hàng giả, sữa giả được phát hiện thời gian qua. Theo đại biểu Lan, đây là những hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Liên quan đến đề xuất giảm hình phạt tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ sự thận trọng. Theo đại biểu, các vụ án ma túy có tổ chức, quy mô lớn, mang yếu tố xuyên quốc gia gây hậu quả nghiêm trọng đến an ninh trật tự và sức khỏe cộng đồng, do đó không nên vội vàng loại bỏ chế tài cao nhất. Bên cạnh đó, kiến nghị có cơ chế giảm nhẹ hợp lý cho những người thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục, nhằm hỗ trợ công tác điều tra mở rộng và tạo điều kiện cải hóa.
 |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu thảo luận. |
Đại biểu cũng đồng tình với phương án quy định khung hình phạt nghiêm khắc nhưng có tính khuyến khích khắc phục hậu quả và hợp tác điều tra là chung thân không giảm án. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý cần có những tiêu chí chặt chẽ, khách quan trong việc áp dụng, tránh vận dụng tùy tiện hoặc tạo kẽ hở miễn trừ hình phạt tử hình trong những trường hợp chưa khắc phục cơ bản thiệt hại. Quan điểm này thể hiện sự nhất quán trong việc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng nhưng vẫn nhân văn và có tính phân hóa.
Để đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội trong bối cảnh mới, một số đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm hơn đến khoảng trống pháp lý trong xử lý tội phạm công nghệ cao. Các hành vi như lừa đảo qua mạng, tấn công dữ liệu, đánh cắp thông tin cá nhân ngày càng phổ biến nhưng hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa đủ cụ thể để xử lý hiệu quả. Do vậy, đại biểu đề xuất cần bổ sung các quy định cập nhật, phù hợp với thực tế chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, bảo đảm công cụ pháp lý đủ mạnh để đấu tranh với loại tội phạm này.
VŨ DUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.