Đó là khẳng định của Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc tại Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, diễn ra ngày 20-9, trong khuôn khổ Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14).
Chung tay bảo vệ môi trường
Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường sống hiện nay đang trở nên trầm trọng, bởi chính các hoạt động và cách ứng xử của con người đối với môi trường. Công cuộc phát triển bền vững của các quốc gia cũng vì thế mà phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải chung sức, chung tay bảo vệ môi trường. Với vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của quốc gia, Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) cần phải làm tốt công tác giám sát các hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách tránh để nảy sinh những “căn bệnh” thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý môi trường, qua đó đóng góp vào thành tựu phát triển bền vững của quốc gia.
Hiểu rõ điều này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đã có sáng kiến lựa chọn, xác định chủ đề của Đại hội ASOSAI 14 là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 cũng với chủ đề này là một trong những nội dung nghị sự quan trọng của Đại hội ASOSAI, thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của KTNN Việt Nam cùng cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.
Với tư cách Chủ tịch ASOSAI, Tổng KTNN Việt Nam Hồ Đức Phớc cho rằng, các SAI thành viên ASOSAI cần nhận thức một cách đầy đủ và xem hội nghị chuyên đề lần này là dịp để thể hiện sự chung tay góp sức đối với việc bảo vệ môi trường của từng quốc gia và toàn thế giới.
 |
Quang cảnh hội nghị. |
Triển vọng đi đôi với thách thức
Tại hội nghị, đại diện các SAI Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam đã chia sẻ báo cáo quốc gia trong lĩnh vực kiểm toán môi trường. Đa phần các báo cáo đều cho thấy triển vọng trong lĩnh vực kiểm toán môi trường. Tổng Thư ký Ủy ban Kiểm toán Cộng hòa Indonesia Bahtiar Arif cho biết: Là một trong những quốc gia cam kết đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do LHQ đề ra, Indonesia có Nghị định của Tổng thống số 59 năm 2017 về thực hiện SDGs. Để làm tốt vai trò kiểm toán việc chuẩn bị SDGs, Cơ quan kiểm toán tối cao Indonesia đã kết hợp khung kiểm toán của phương pháp tiếp cận 7 bước. Bên cạnh đó, SAI Indonesia còn thiết lập 12 tiêu chí để đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn xây dựng chính sách, chuẩn bị thực hiện SDGs ở Indonesia.
Trong khi đó, ông Khalid Khan Bin Abdullah Khan, Phó tổng KTNN Malaysia, cho biết: Xét tầm quan trọng ngày càng tăng của kiểm toán môi trường, ngay từ năm 2008, KTNN Malaysia đã thành lập Phòng Kiểm toán môi trường. Trong 10 năm qua, KTNN Malaysia đã thực hiện hơn 50 cuộc kiểm toán về các vấn đề môi trường ở cấp liên bang và tiểu bang. Các đợt kiểm toán môi trường được thực hiện theo những tiêu chuẩn kiểm toán môi trường quốc tế (ISSAIs), các hướng dẫn kiểm toán môi trường, các hướng dẫn của nhóm công tác của Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) về kiểm toán môi trường và hướng dẫn kiểm toán của KTNN Malaysia. KTNN Malaysia cũng chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến khi đưa vào sử dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để lấy mẫu và phân tích trong kiểm toán môi trường.
Bên cạnh những triển vọng, lĩnh vực kiểm toán môi trường vẫn đối mặt với vô vàn thách thức. Điển hình là thiếu thông tin về môi trường ở các địa phương. Thêm nữa, các vấn đề môi trường hầu hết đã tồn tại từ lâu và mang tính chất đa quốc gia, đa ngành, bởi vậy việc đề xuất các giải pháp khắc phục không đơn giản. Đặc biệt, việc thuyết phục chính phủ áp dụng các tiêu chí quốc tế đối với vấn đề này cũng rất khó khăn.
Kim chỉ nam cho lĩnh vực kiểm toán môi trường
Cũng tại hội nghị lần này, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết: Tại Hội nghị về môi trường trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Câu nói này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành kim chỉ nam cho mọi công tác của KTNN Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm toán môi trường.
Mặc dù còn khá “non trẻ” về kinh nghiệm trong kiểm toán môi trường, nhưng những năm qua, KTNN Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm cao đối với vấn đề này. Từ năm 2010 cho đến nay, hằng năm, KTNN đều thực hiện trung bình 5 cuộc kiểm toán về môi trường với chủ đề đa dạng từ quản lý rừng, đất đai, nước sạch đến quản lý chất thải, khai thác khoáng sản và gần đây nhất là chuyển hóa carbon thấp.
KTNN Việt Nam cũng đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thông qua các khóa đào tạo nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi những phương thức hay, cách làm tốt của bạn bè trong cộng đồng INTOSAI, ASOSAI và Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEAN SAI) về lĩnh vực này. Nhờ đó, KTNN Việt Nam có thêm kinh nghiệm và chủ động áp dụng triển khai thực hiện một số cuộc kiểm toán về chủ đề nước thải công nghiệp, được cộng đồng người dân ủng hộ và đánh giá cao.
Tại hội nghị, các SAI thành viên ASOSAI đều đánh giá cao quyết tâm của KTNN Việt Nam và nhất trí cho rằng, trên cương vị Chủ tịch ASOSAI 2018-2022, KTNN Việt Nam sẽ làm tốt vai trò dẫn dắt các SAI thành viên đi đến thống nhất chung trong cách hiểu, trình tự, thủ tục và quy trình, phương pháp thực hiện kiểm toán môi trường trong mối tương quan đến sự phát triển bền vững.
Bài và ảnh: NGỌC THƯ