 |
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: VPQH |
Quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân
Tại phiên họp, nhà ở cho công nhân là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận; đề nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội vào danh mục đầu tư công và quan tâm bố trí vốn cho nhiệm vụ này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang (đại biểu Đoàn Ninh Thuận) đề nghị Quốc hội bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, vào danh mục đầu tư công và quan tâm bố trí vốn cho nhiệm vụ này.
Theo đại biểu, một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở; qua thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, bức xúc này càng lộ rõ.
“Hàng triệu công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao. Điển hình, có những địa phương tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự”, đại biểu nêu thực tế.
 |
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang (đại biểu Đoàn Ninh Thuận) đề nghị Quốc hội bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, vào danh mục đầu tư công. Ảnh: VPQH |
Để hiện thực hóa chủ trương ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân, đại biểu tỉnh Ninh Thuận đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, cũng rất cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi" cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân vì chúng ta không thể “khoán trắng” nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói hỗ trợ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương.
Nhiều dự án “đắp chiếu”, gây lãng phí
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, có tổng số hơn 3.400 dự án thuộc diện chuyển tiếp, còn hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt tạo áp lực cho ngân sách trong giai đoạn tiếp theo khi rất nhiều dự án mới được bổ sung.
Đại biểu nhấn mạnh, đầu tư công là tiền thuế của nhân dân, không phải sở hữu của bất kỳ cá nhân, tập thể nào. Tuy nhiên, thực tế khi phân bổ nguồn vốn thì xảy ra trường hợp có một số cá nhân đã cho mình quyền “ban phát”, hoặc xuất hiện câu chuyện cơ chế xin – cho... Từ đó, đại biểu Đoàn TP Hà Nội đề nghị cần phải đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, bên cạnh việc động viên những địa phương thực hiện tốt thì cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ trong thực hiện đầu tư công.
 |
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: VPQH |
Đồng quan điểm trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) dẫn ra một loạt thực trạng về đầu tư kém hiệu quả, là nỗi trăn trở nhiều năm nay của xã hội như: Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, nhiều công trình nghìn tỷ “đắp chiếu”, thua lỗ, chưa xong đã hỏng... Điều này dẫn đến lãng phí, thất thoát, gây ảnh hưởng đến người dân. Cũng có nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, nhất là nơi có số thu ngân sách khó khăn, nguồn thu thấp, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế...
Từ những bất cập, hạn chế trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị phải siết chặt kỷ luật ngân sách nhà nước, cân đối thu chi, giảm chi thường xuyên, tăng vốn đầu tư phát triển. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, cần minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; tăng cường giám sát các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.
Đề cập đến một cảnh báo rằng tình trạng đầu tư công có thể còn tiếp tục kém hiệu quả trong thời gian tới, đại biểu Đoàn Trà Vinh nhấn mạnh, cần nhanh chóng đổi mới cơ chế, tầm nhìn, làm sao xóa bỏ được những rào cản, vướng mắc, trước mắt là câu chuyện giải ngân vốn. “Tình trạng giao vốn, chậm điều chỉnh vốn đầu tư công cho đầu tư, phát triển, trong đó có vốn đầu tư công vẫn chưa được khắc phục; tỉ lệ giao vốn còn phức tạp, chưa được xử lý kịp thời; các khó khăn, vướng mắc còn ảnh hưởng đến tiến độ thi công... khiến nhiều dự án quan trọng tác động đến phát triển kinh tế – xã hội chậm được triển khai, dở dang, kéo dài...”, đại biểu nói.
NGUYỄN THẢO