Phân cấp, phân quyền cho các địa phương một cách triệt để
Trong các nội dung về tiết kiệm, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh), tiết kiệm về thời gian là quan trọng nhất. Triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, đại biểu nhận thấy, Quốc hội đã ngày càng đưa nhiều nội dung này vào trong các văn bản pháp luật.
Đại biểu đề nghị thể chế phải chặt chẽ, khả thi hơn, phân công phân cấp rõ ràng và lành mạnh. Đại biểu dẫn chứng thực tế: “Qua các đợt dịch Covid-19, chúng ta thấy rằng phương châm 3 tại chỗ, 4 tại chỗ, 5 tại chỗ, chúng ta phân cấp, phân quyền cho các địa phương thì công tác hiệu quả hơn”.
 |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Tiết kiệm về thời gian là quan trọng nhất. Ảnh: Trọng Hải |
"Mặt khác, gần đây, khi làm việc với các địa phương và các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu quan điểm, tôi rất ủng hộ, đó là việc gì địa phương làm tốt hơn, làm hiệu quả hơn so với Trung ương, bộ, ngành thì chúng ta tiến hành phân cấp, phân quyền cho các địa phương một cách triệt để, giảm đi nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục, mà quan trọng hơn là chúng ta giảm thời gian. Thời gian đi lại từ địa phương ra Trung ương, đi tới đi lui nhiều vòng tăng rất nhiều chi phí. Đặc biệt trong tình hình đang có dịch Covid-19 thì việc hạn chế đi lại càng có ý nghĩa", đại biểu phân tích.
Tuy nhiên, theo đại biểu, đi kèm theo đó là vấn đề nâng cao năng lực, khả năng thực hiện của cấp dưới, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm.
Lãng phí đáng lên án, vì lãng phí là mất
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn tiết kiệm, chống lãng phí thực chất phải có kế sách bền vững, lâu dài, mọi nơi, mọi lúc. Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi trở thành yêu cầu của một cán bộ, công chức. “Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, từ đạo đức và coi nó như nếp sống hằng ngày”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội), lãng phí diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều nơi. Tiết kiệm, chống lãng phí là phạm trù rất rộng - đó là tiền bạc, kinh phí, đất đai, thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, là cách thức tổ chức làm việc, chủ trương, chính sách. “Một chủ trương, chính sách sai có thể gây lãng phí cực kỳ nhiều, không đo đếm nổi. Lãng phí còn đáng lên án hơn, đáng phê phán hơn tham nhũng, vì lãng phí là mất”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
 |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội): Phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để mà sống, thực hành và quản lý xã hội. Ảnh: VPQH |
Từ đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong Đảng, Nhà nước quan tâm để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải xứng với yêu cầu của cử tri. “Chúng ta chống lãng phí không phải là đợi để bắt xét xử rồi cho vào tù, bởi rất khó định tội vì khi xảy ra rồi sẽ không còn nhiều hiệu quả. Chống là để chủ động không cho gây lãng phí, muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông. Phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để mà sống, thực hành và quản lý xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) trăn trở là làm sao cho việc tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ nằm trong kế hoạch hằng năm và không chỉ được định lượng bằng các chỉ tiêu bắt buộc, mà chống lãng phí phải trở thành phẩm chất của mỗi người dân, của mỗi một công dân.
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải là những người nêu gương đầu tiên từ trong những việc nhỏ nhất trong cuộc sống của mình. Ảnh: VPQH |
Dẫn chứng ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển nhưng lối sống của con người rất tiết kiệm, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, người dân nước ta đôi khi chưa được tiết kiệm; nhấn mạnh, việc tiết kiệm, chống lãng phí phải được nâng lên thành ý thức và thành lối sống của con người.
“Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải là những người nêu gương đầu tiên từ trong những việc nhỏ nhất trong cuộc sống của mình. Thậm chí, hiện nay có nhiều nơi, nhiều người hiểu còn chưa đúng về thế nào là tiết kiệm, chống lãng phí; họ cho rằng chỉ ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ thì chúng ta mới cần tiết kiệm. Có những dự án triển khai tốn rất nhiều tiền nhưng hiệu quả chưa tương xứng, khi bị chất vấn thì chủ dự án nêu lý lẽ là không dùng tiền ngân sách mà dùng nguồn xã hội hóa. Dù nguồn ngân sách hay nguồn xã hội hóa cũng đều là nguồn lực xã hội và chúng ta cần phải tiết kiệm”, đại biểu nói.
Từ đó, đại biểu cho rằng, muốn việc tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn thì cần có sự thay đổi từ trong nhận thức, đòi hỏi sự vào cuộc quan trọng của ngành giáo dục, đào tạo hay ngành văn hóa, thể thao và du lịch. “Nếu như thế thì việc tiết kiệm, chống lãng phí sẽ không chỉ nằm trong những báo cáo hằng năm về việc chúng ta cắt giảm được bao nhiêu phần trăm kinh phí”, đại biểu nhấn mạnh.
NGUYỄN THẢO