Nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam. Đại biểu nhấn mạnh, qua thực tiễn trong hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, có thể khẳng định, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là một thành phần của Bộ Quốc phòng, lực lượng nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới đất liền, vùng biển đảo, đã chủ trì thực hiện hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; trực tiếp quan hệ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập, mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới...

Nhắc lại bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, BĐBP là một trong những lực lượng nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương ngăn chặn hiệu quả việc lây lan dịch bệnh qua biên giới. “Tôi được biết trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều đồng chí BĐBP đã cắm trại liên tục nhiều tháng liền, vợ sinh, cha, mẹ mất cũng không được về, cưới hỏi phải hủy nhiều lần... Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng các đồng chí đã giữ vững tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình tội phạm ma túy, tội phạm xuyên biên giới và các tội phạm khác luôn diễn biến phức tạp, là một thách thức lớn đến thực hiện nhiệm vụ của BĐBP, đòi hỏi BĐBP phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Do vậy, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết nhằm xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới", đại biểu nêu quan điểm. 

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: TTXVN. 

Phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng biên phòng

Việc có hay không có sự chồng lấn trong hoạt động của BĐBP và các lực lượng khác như Công an, Hải quan, là nội dung được các đại biểu thảo luận và tranh luận sôi nổi.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 15 quy định quyền hạn của BĐBP được kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng), quy định như thế này còn khá chung chung và có khả năng sẽ có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh của lực lượng hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan và các nghị định hướng dẫn tại cùng một khu vực biên giới cửa khẩu. Đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của BĐBP để tránh chồng chéo.

Tranh luận với đại biểu Bùi Thanh Tùng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) nêu rõ: Qua kiểm tra lại Luật Hải quan, tôi thấy một điều rằng, tất cả các hoạt động kiểm tra trên cửa khẩu hải quan là một trình tự thủ tục hành chính, thông qua hoạt động thông quan trên cửa khẩu. Còn Luật Biên phòng Việt Nam thì quy định: “Áp dụng các biện pháp này khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.

“Vì vậy, tôi khẳng định rằng, giữa 2 hoạt động của 2 lực lượng này không chồng chéo với nhau. Nếu chúng ta chịu khó quan sát trên cửa khẩu sân bay hay các cửa khẩu khác thì cách bố trí để thực hiện nhiệm vụ của 2 lực lượng này hoàn toàn khác nhau. Cho nên tôi khẳng định là không có sự chồng lấn trong đó”, đại biểu nhấn mạnh.

Còn đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, việc quy định giao cho BĐBP nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đề nghị chỉ nên quy định theo hướng BĐBP có nhiệm vụ phối hợp với Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN. 

Tranh luận với đại biểu Võ Đình Tín, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc giao cho công an quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đại biểu nhấn mạnh, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới hoàn toàn khác với ở trong nội địa. Bởi vì nhiệm vụ này không thể tách rời và luôn luôn là một phần của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, việc giao cho quân đội, thực chất là giao cho BĐBP - luôn là một chủ trương của Đảng, Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng. Chính vì thế từ năm 1996 trở về trước, khi Bộ Công an quản lý BĐBP thì nhiệm vụ này giao cho Bộ Công an. Và từ năm 1996, khi BĐBP chuyển về Bộ Quốc phòng thì Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 11 ngày 8-8-1995 giao cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra, nhiệm vụ này đã được cụ thể hóa trong một loạt văn bản pháp luật, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Quốc phòng; Luật Công an cũng có điều khoản giao cho công an có trách nhiệm phối hợp với quân đội trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Nêu rõ thêm về nội dung này, đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) nêu rõ: Trong văn bản pháp luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia hay Luật Quốc phòng đều quy định: “Bộ Quốc phòng là chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành giữ gìn an ninh trật tự, an toàn biên giới”. Luật Công an nhân dân, Điều 16 cũng quy định: “Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở biên giới”. Như vậy, việc chủ trì giữ gìn an ninh trật tự, an toàn ở biên giới đều quy định Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp.

Bên cạnh đó, trong thực tế, qua 61 năm trưởng thành với 4 lần chuyển giao từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Công an và ngược lại, BĐBP đều giữ nguyên nhiệm vụ, là "lực lượng chuyên trách giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu biên giới". 

"Thực tế trên biên giới, BĐBP đã phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng công an và các lực lượng khác giữ gìn an ninh biên giới, tạo cho biên giới bình yên, không có điểm nóng, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm biên giới, cùng phối hợp đấu tranh chuyên án, phối hợp phá chuyên án lớn, những đường dây vận chuyển ma túy từ nước ngoài về, thu hàng tấn ma túy trên thế giới... Cho nên quy định như dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp, không có gì trái với văn bản pháp luật hiện hành, không vướng mắc", đại biểu nhấn mạnh. 

Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN. 

Cùng quan điểm và phân tích thêm, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) nêu rõ: Từ thực tiễn cho thấy, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng biên phòng và trong quá trình thực hiện không có vấn đề gì vướng mắc. Đại biểu lưu ý, với khu vực biên giới, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng là những người rất hiểu nhân dân và việc tuyên truyền pháp luật xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế-xã hội cũng đều là nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm của lực lượng biên phòng ở góc độ xã hội. Mặt khác, biên giới là khu vực có rất nhiều vấn đề đặc thù.

"Tôi thấy trong Bộ luật Tố tụng hình sự đã giao BĐBP được thực hiện các nhiệm vụ điều tra ban đầu, đặc biệt là việc triển khai một số biện pháp để ngăn chặn tội phạm, vì vậy về cơ sở lý luận và thực tiễn đều hoàn toàn hợp lý khi giao cho lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ này", đại biểu Vương Ngọc Hà khẳng định.

PHƯƠNG HẰNG