Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Chiến hạm Rạng Đông. Ảnh: TTXVN
Thủ đô nước Nga đang trong những ngày mùa hè. Trên sông Mát-xcơ-va, những con tàu chở khách du lịch trôi chầm chậm, để khách đến từ khắp mọi miền trên thế giới có thể ngắm những ngọn tháp tuyệt mỹ của Nhà thờ Thánh Vasily nổi bật trên nền trời xa xa.
Hai biểu tượng bất diệt của tình hữu nghị
Tới Mát-xcơ-va, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới đặt lẵng hoa ở Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên những bước đường bôn ba tìm đường cứu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã gặp học thuyết cách mạng của Lê-nin, để rồi từ đó gắn bó với nước Nga ở nhiều giai đoạn cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của mình. Giờ đây, Người hóa thân thành tượng đài trên Quảng trường Hồ Chí Minh giữa thủ đô Mát-xcơ-va đầy gió và nắng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thành kính đặt lẵng hoa trước tượng đài. Trong số các tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở nước ngoài, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mát-xcơ-va tọa lạc trong không gian rộng lớn nhất. Diện tích khuôn viên quảng trường đặt tượng đài là 676m2, có ba chiếu nghỉ và 8 bậc thang rộng tượng trưng cho 8 cánh hoa sen. Bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng, tác phẩm của Viện sĩ V.E.Txi-gan (Vladimir Efimovich Tsigal), nằm trong vòng tròn khổng lồ hình mặt trời đặt trên bệ đá hoa cương đường bệ, phía trước là hàng chữ bằng tiếng Nga có nội dung: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO.
Phía sau bức phù điêu nằm trong khối điêu khắc là hình hai cây tre uốn cong, biểu tượng của nước Việt Nam. Vẫn còn đó, hơi chếch phía trước tượng đài là ba cây bạch dương sống động, do một cặp vợ chồng người Nga có thiện cảm với Việt Nam trồng trong những năm trước đây.
Hai loài cây như hai biểu tượng bất diệt của hai nước Việt Nam và Liên bang Nga cùng có mặt tại khu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc, trải qua bao biến động "lửa, nước và ống đồng" vẫn mãi trường tồn cùng thời gian.
Mục tiêu 10 tỷ USD
Nhưng quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga còn được thể hiện qua những nội hàm phong phú của các lĩnh vực hợp tác ngày càng hiệu quả, của những giao lưu, trao đổi cấp cao mà chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một minh chứng sống động.
Trong các cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà lãnh đạo Liên bang Nga, một chủ đề thường xuyên được đề cập đến là làm sao để hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên.
Trong cuộc gặp hẹp với Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin trưa 29-6, hai nhà lãnh đạo hai nước đã rà soát việc triển khai các dự án hợp tác trọng điểm hiện nay, đồng thời xem xét khả năng triển khai các dự án hợp tác mới; nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp như lắp ráp và sản xuất ô tô, năng lượng, dầu khí, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Hai bên khẳng định sẽ hỗ trợ các liên doanh dầu khí hoạt động hiệu quả trên lãnh thổ hai nước. Hai nguyên thủ đã bày tỏ tin tưởng rằng việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ tạo bước đột phá trong hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nga, cũng như giữa Việt Nam và các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á-Âu, đưa mục tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020 trở thành hiện thực.
Ở Mát-xcơ-va, ngoài Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ vô danh. Năm 1966, vào dịp kỷ niệm 25 năm Ngày đánh tan đội quân Đức quốc xã bao vây Mát-xcơ-va năm 1941, hài cốt của một chiến sĩ Hồng quân không rõ danh tính hy sinh khi tham gia trận chiến đẫm máu này (trên xa lộ Lê-nin-grát, cách trung tâm Mát-xcơ-va 41km) đã được đưa về chôn cất dưới chân tường điện Crem-li. Ngay bên trên nơi chôn cất người chiến sĩ vô danh, chính quyền Liên Xô đã lập một ngôi mộ bằng đá hoa, bên trên đắp nổi ngôi sao 5 cánh. Bên cạnh ngôi mộ, trên bờ thành cao chừng nửa mét có lá cờ Chiến thắng, cành nguyệt quế và một chiếc mũ sắt Hồng quân; tất cả đều được làm bằng đồng. Hằng ngày luôn có hai quân nhân trẻ túc trực bên mộ, hai tiếng đồng hồ thay phiên một lần.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ vô danh
Ngày 8-5-1967, Ngọn lửa vĩnh cửu đã được thắp sáng lên trên mộ Chiến sĩ vô danh để ngàn đời tưởng nhớ những người lính Hồng quân đã ngã xuống vì đất nước trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Người cầm ngọn đuốc để thắp sáng Ngọn lửa vĩnh cửu trong Vườn A-lếch-xan-đơ-rốp-xki chính là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (trước đây) Le-ô-nít Bờ-rê-dơ-nhếp.
Kể từ đó, Ngọn lửa vĩnh cửu đã trở thành trung tâm truyền thống mới không chỉ của riêng thành phố Mát-xcơ-va mà của cả xứ sở Bạch dương. Tất cả các nhà chính trị Nga, các đoàn đại biểu nước ngoài, cựu chiến binh và con cháu của họ hay những cặp đôi mới cưới đều đến nơi đây để đặt hoa.
Ngọn lửa vĩnh cửu bên chân tường điện Crem-li chưa bao giờ tắt trong suốt gần 50 năm qua. Những người anh hùng đã hy sinh cuộc đời mình vì Tổ quốc không bao giờ bị lãng quên trên mảnh đất này.
Không có gì bị lãng quên!
Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có một chặng dừng chân đặc biệt: Xanh Pê-téc-bua. Thành phố cổ kính, thành phố anh hùng bên dòng Neva đã đi vào sử xanh như một trong những biểu tượng vô cùng lãng mạn nhưng cũng anh hùng bậc nhất của nhân dân Nga. Ở đây có tuần dương hạm Rạng Đông, thời kỳ năm 1905-1906 từng ghé qua neo đậu ở các cảng Việt Nam trong gần một tháng trời trên đường đi tới biển Nhật Bản.
Nhưng điều khiến chiến hạm Rạng Đông đi vào lịch sử chính là việc con tàu này đã nổ phát đại bác báo hiệu cuộc tấn công cuối cùng vào Cung điện Mùa Đông ở Pê-tơ-rô-grát, nơi trú đóng của chính quyền tư sản, mở màn cho cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Ở đây có điện Smolny, nơi Lê-nin trực tiếp lấy làm sở chỉ huy cuộc Cách mạng Tháng Mười, đồng thời cũng là nơi công bố thành lập chính quyền Xô viết của những người vô sản Nga sau khi cách mạng thành công.
Đang là những đêm trắng ở Xanh Pê-téc-bua. Ai đã từng đọc tác phẩm "Năm đêm trắng" của văn hào Nga Đốt-xtôi-ép-xki (Dostoievski) hẳn sẽ chẳng bao giờ quên được cái không khí huyền diệu của những đêm trắng ấy, khi đêm chỉ là khoảng thời gian mỏng manh mơ hồ giữa hoàng hôn và bình minh. Bao thế hệ người Việt đã trưởng thành qua thơ-ca-nhạc-họa với ấn tượng tuyệt đẹp về một Xanh Pê-téc-bua bên sông Neva chiều tà ánh nước, với những đêm trắng dịu dàng, khi những đôi tình nhân nép vào nhau tìm hơi ấm trong cái lạnh của mùa hè phương Bắc.
Nhưng Xanh Pê-téc-bua không chỉ có sự lãng mạn. Sử sách đã ghi dưới cái tên Lê-nin-grát, thành phố trải qua 900 ngày đêm vây hãm khốc liệt của phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kiên cường trụ vững trước các cuộc tấn công tàn bạo của quân Quốc xã. Bom đạn, cùng cái đói, cái rét đã làm cho 650.000 người dân và 300.000 chiến sĩ Hồng quân hy sinh trong cuộc bao vây Lê-nin-grát của quân Đức Quốc xã.
Ở Xanh Pê-téc-bua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi thăm những di tích lịch sử như: Điện Smolnyi, chiến hạm Rạng Đông. Chủ tịch nước cũng đi thăm Nghĩa trang Piskaryoskoe ở đại lộ Nepokorennykh, vùng ngoại ô phía bắc của Xanh Pê-téc-bua. Đây là một trong những nơi chôn cất những người dân và chiến sĩ Hồng quân đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Lê-nin-grát năm xưa. Trong số những đứa trẻ không còn nữa bởi đạn bom của cuộc phong tỏa có cả người anh trai của Tổng thống Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin mà ông không biết mặt, hiện cũng được chôn cất ở đây. Quá khứ đau thương và hào hùng của nhân dân Nga, của Lê-nin-grát, của Xanh Pê-téc-bua dường như vẫn hiển hiện nơi đây, qua những dòng thơ của nữ thi sĩ On-ga Béc-gốt (Olga Berggolts) được khắc trên tấm đá hoa cương trong nghĩa trang:
Nằm ở đây là những người dân Lê-nin-grát
Những trẻ em, những phụ nữ và những đàn ông
Còn bên cạnh họ là những người lính Hồng quân
Họ đã dâng tất cả cuộc đời mình
Để bảo vệ thành phố quê hương
Cái nôi của cách mạng, thành phố Lê-nin-grát
Những cái tên cao quý mà ta không thể nào đếm hết
Chúng được bảo vệ muôn đời bởi đá hoa cương
Nhưng bạn hãy nhớ rằng - khi nhìn bao phiến đá:
Không ai bị lãng quên - không điều gì bị lãng quên
Đúng thế. Không có điều gì bị lãng quên trong quá khứ hào hùng của Xanh Pê-téc-bua, của nước Nga vĩ đại. Tại các cuộc gặp gỡ trong những ngày ở nước Nga, có một điều mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn nhắc đi nhắc lại với các bạn Nga: Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những gì mà nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay, đã làm để giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Không có điều gì bị lãng quên trong quan hệ "đồng cam cộng khổ", hợp tác thắm tình anh em Việt-Nga. Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thắt chặt thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa vĩnh cửu của tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Bài và ảnh: Yên Ba
(từ Xanh Pê-téc-bua, Liên bang Nga)