Đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2018, với nhiều chủ trương, chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được tập trung chỉ đạo, giải quyết. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều địa phương đã có cách làm mới trong việc phối hợp tiếp công dân giữa các cấp trên địa bàn, bước đầu phát huy hiệu quả. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có sự linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp phù họp với tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ sở; công tác hòa giải, tổ chức đối thoại được chú trọng hơn...
 |
Toàn cảnh phiên họp sáng 14-11. Ảnh: quochoi.vn. |
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư cũng như số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2017. Cụ thể: Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 4,7%. Trong đó: Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61, 8%). Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 59%, tăng 5,6% so với năm 2017.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân...
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định Ủy ban Pháp luật thống nhất với các số liệu và đánh giá của Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2018. Một số số liệu có tăng so với năm 2017 về số lượng đơn khiếu nại, tố cáo (tăng 11,8%), số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước (tăng 4,7%). Nội dung khiếu nại, tố cáo cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước; khiếu nại vẫn chủ yếu là về đất đai; tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo do kết quả giải quyết không đáp ứng được mong muốn...
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đánh giá, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tích được số liệu những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan theo ngành dọc ở địa phương (như Bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan, thi hành án dân sự...); chưa phân tích cụ thể việc xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài; chưa có đánh giá xu hướng phát triển của các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người ẩn chứa yếu tố phức tạp, nhạy cảm hoặc có sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, gây mất an ninh, trật tự xã hội tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, thời gian qua đã phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính nhà nước, như khiếu nại mức thu phí tại các trạm BOT đường bộ; khiếu nại việc không bàn giao nhà, không làm thủ tục cấp sổ đỏ của chủ đầu tư nhà chung cư hoặc chậm tiến độ thi công so với hợp đồng đã ký kết, chậm giải ngân hoặc ngừng giải ngân nguồn vốn đã được ngân hàng ký cam kết… "Đây cũng là những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có hướng giải quyết, xử lý hài hòa quyền lợi của người dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước để bảo đảm ổn định xã hội", Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với các báo của của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra về công tác khiếu nại, tố cáo năm 2018; cho rằng, năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ khá cao: Trung ương đạt 86,9%; địa phương đạt 83,2%; nhiều vụ việc phức tạp kéo dài đã được giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị-xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển của kinh tế-xã hội năm 2018.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, thực tế cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, vẫn còn tồn đọng nhiều vụ việc đông người tụ tập kéo dài, chậm được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm. Gần đây có tình trạng công dân tập trung dài ngày ở các cơ quan Trung ương, đến khu vực nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để khiếu kiện, gây mất trật tự công cộng, có hành vi chống người thi hành công vụ; theo báo cáo của Chính phủ, có đến 72 vụ việc đông người đến tụ tập ở cơ quan tiếp công dân Trung ương để tố cáo, chủ yếu là các vụ việc liên quan đến đất đai...; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của một số địa phương còn chậm, chưa phù hợp thực tiễn, còn hình thức...
Để công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả, đại biểu tỉnh Nghệ An nhất trí với những nhóm giải pháp như trong báo cáo của Chính phủ; đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương lưu ý tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường đối thoại, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người dân nhằm giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; chấn chỉnh đội ngũ công chức hoạt động hiệu quả, có trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo...
“Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong quy hoạch đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, xử lý nghiêm những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai; việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, đúng pháp luật, bảo đảm người bị thu hồi đất có đời sống ổn định bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, bảo đảm hài hoài lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân...”, đại biểu kiến nghị.
Khẳng định công tác khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực song đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng, công tác khiếu nại, tố cáo vẫn còn hạn chế, bất cập, số lượng đơn thư vẫn gia tăng, có nơi tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại biểu là do chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở, một số nơi chưa quan tâm đúng mức, khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa làm hết trách nhiệm cũng như xem xét tận gốc, thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện. “Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sâu thêm về tình trạng này”, đại biểu đề xuất.
Cũng theo đại biểu, qua thực tiễn cho thấy, có đến 72% là khiếu nại sai và 66,1% tố cáo sai. “Vấn đề đặt ra là hệ quả của khiếu nại, tố cáo sai này như thế nào, lâu nay chưa có đánh giá cũng như cơ chế để xử lý hành vi này. Đây cũng là hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo; là một nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài. Chính phủ cần quan tâm, xác lập cơ chế xử lý hành vi khiếu nại, tố cáo sai này”, đại biểu kiến nghị.
PHƯƠNG HẰNG