Đây là cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò nước chủ nhà, thúc đẩy các mục tiêu chung, sáng kiến của ASEAN, cũng như đề xuất các sáng kiến mới nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc phòng nội khối và giữa các nước ASEAN với các đối tác.

Là thành viên ASEAN, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Điều đó được thể hiện qua sự tham gia tích cực vào các hội nghị ADMM và ADMM+ cũng như các diễn đàn quốc phòng, an ninh (QPAN) khu vực, liên khu vực… Việt Nam cũng tích cực đóng góp các sáng kiến trong mỗi lần tham gia, góp phần hiện thực hóa mối quan hệ hợp tác QPAN trong ASEAN và với các nước đối tác bằng những hoạt động và chương trình hành động cụ thể. 

Đặc biệt, không thể không nhắc tới sáng kiến của Việt Nam góp phần thiết lập một cấu trúc an ninh mới ở khu vực, đó là Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức thành công tại Hà Nội vào tháng 10-2010. Đây được coi là một sự kiện đặt dấu mốc trong lịch sử ASEAN, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác quốc phòng của ASEAN nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. ADMM+ ngày càng phát huy vai trò là diễn đàn quan trọng giúp thúc đẩy đối thoại về quốc phòng và hợp tác an ninh giữa ASEAN với các đối tác thương mại chính yếu, đồng thời mở ra cơ hội để các bên hợp tác cùng giải quyết những thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống. 

Tại các hội nghị ADMM+, Việt Nam luôn khẳng định lập trường ủng hộ và đánh giá cao sự hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác, đồng thời đưa ra đề xuất cụ thể để tăng cường hợp tác thực chất của các mối quan hệ này. Chẳng hạn, tại ADMM+ lần thứ 5 ở Singapore, với nước đối tác Trung Quốc, Việt Nam đã đưa ra 3 đề xuất sáng kiến về việc sớm thiết lập đường dây nóng liên lạc trực tiếp giữa các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN và Trung Quốc; tổ chức giao lưu sĩ quan trẻ ASEAN-Trung Quốc lần đầu tiên tại Việt Nam; thiết lập nhóm công tác chung giữa ASEAN và Trung Quốc.  

Hiện nay, trước các thách thức an ninh đang ngày càng phức tạp, đa dạng, vượt khỏi khả năng ứng phó của một quốc gia đơn lẻ, cho dù đó là một siêu cường hay một quốc gia nhỏ bé, sáng kiến ADMM+ của Việt Nam chứng tỏ tầm nhìn chiến lược, góp phần tập hợp nguồn lực bên ngoài củng cố và tăng cường sức mạnh nội khối thông qua tăng cường mối quan hệ hợp tác QPAN đi vào chiều sâu và thực chất với các quốc gia bên ngoài. Sáng kiến này góp phần khẳng định năng lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trong hiện thực hóa các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương và các cấu trúc an ninh khu vực đã định hình. 

Đáng chú ý‎, Việt Nam luôn nhấn mạnh việc duy trì sự đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, coi đây là lợi ích chung của các bên và trách nhiệm của các nước đối tác. Tại Hội nghị ADMM lần thứ 13, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khẳng định ASEAN cần tăng cường đoàn kết, phát huy tính tự lực, tự cường và nêu cao vai trò trung tâm, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác khu vực.

Để hiện thực hóa chủ trương này, tại các diễn đàn QPAN khu vực, Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến và đề xuất các biện pháp nhằm duy trì sự ổn định, an ninh và trật tự ở khu vực của nước chủ nhà. Ở Hội nghị ADMM lần thứ 13 ở Thái Lan mới đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam tích cực ủng hộ sáng kiến của Bộ Quốc phòng nước chủ nhà nhằm phát huy vai trò của lực lượng vũ trang và các cơ quan quốc phòng trong giải quyết vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định. Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm vào sáng kiến này. Việt Nam hiện đang triển khai các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của các nước khác, cũng như ngư dân của các nước khác vi phạm vùng biển Việt Nam. 

Với vai trò nước chủ nhà tổ chức hội nghị ADMM và ADMM+ vào năm 2020, Việt Nam đang tích cực chủ động xây dựng ‎ý tưởng, sáng kiến cùng chương trình nghị sự ưu tiên và kế hoạch tổ chức các hội nghị quốc phòng, quân sự trong năm tới. Với sự tham gia tích cực và những đóng góp hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn QPAN khu vực, cùng sự ủng hộ, tin tưởng của các nước thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác, Việt Nam không những sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt của nước chủ nhà.

Đặc biệt, năm 2020 cũng là dịp kỷ niệm tròn 10 năm hình thành cấu trúc an ninh ADMM+, sẽ là dịp để Việt Nam thúc đẩy vai trò định hướng của ASEAN, đề ra các kế hoạch và chương trình hành động cho giai đoạn tiếp theo.

MỸ HẠNH