Năm du lịch quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008, sự kiện lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là cơ hội tốt để ngành du lịch phát triển. Tuy nhiên, du lịch ĐBSCL hiện vẫn là “vùng trũng” với không ít bất cập, hạn chế khiến cho tiềm năng du lịch chưa thể phát huy thành hiện thực.

Sau tuần lễ khai mạc ấn tượng, đẹp mắt, du lịch ĐBSCL vẫn bộc lộ hàng loạt những yếu kém, bất cập. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ (ngoại trừ khu du lịch ở Phú Quốc đầu tư khá đầy đủ) khiến cho việc hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến với ĐBSCL rất thấp. Lượng khách nước ngoài chỉ mới đạt 15% so với tổng lượng khách tới ĐBSCL

Chợ nổi Cà Mau thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan (ảnh internet)

Cả 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL hiện mới chỉ 18 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, chiếm 2,8% trong tổng số 629 doanh nghiệp của cả nước. TP Cần Thơ được xem là trung tâm du lịch của vùng nhưng hiện mới có 1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, còn lại các tỉnh: Long An, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng chưa có doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành ở ĐBSCL chủ yếu giữ vai trò nối tua cho các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hiện nay, các công ty du lịch trong khu vực vẫn chưa có khả năng thu hút khách trực tiếp, tổ chức các tua, tuyến ở các vùng miền khác trong cả nước và du lịch nước ngoài. Giám đốc một chi nhánh công ty du lịch tại Cần Thơ đã phát biểu rằng: “Du lịch ĐBSCL nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng chúng tôi đành bó tay. Nếu tổ chức cho du khách tới đây chẳng biết bố trí cho họ ở đâu, bởi khách sạn cao cấp 3-5 sao hiện có rất ít. Ở Cần Thơ là có một vài chiếc còn các tỉnh khác thì chẳng có chiếc nào ra hồn. Chỗ ở cho khách đã vậy, chỗ ăn, chỗ vui chơi giải trí, mua sắm lại càng thiếu. Do đó, việc hấp dẫn du khách đến vùng ĐBSCL đã khó, việc kéo dài thời gian lưu trú của họ càng khó khăn hơn”.

Tại hội thảo về Phát triển du lịch Lữ hành ở ĐBSCL, được tổ chức ở Cần Thơ ngay trong tuần lễ khai mạc năm du lịch quốc gia, nhiều đại biểu cũng phàn nàn về chất lượng nguồn nhân lực. Phần lớn đội ngũ làm du lịch tại ĐBSCL hiện nay chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Hướng dẫn viên địa phương phục vụ khách quốc tế còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ phát biểu thẳng thắn: “du khách không thể vừa đi xuồng trên sông Vĩnh Long tham quan vườn cây trái, đến Cần Thơ lại tiếp tục đi xuồng và vào vườn cây trái”. Chợ nổi là một nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng sông nước rất hấp dẫn du khách. Hiện nay, có ít nhất 3 tỉnh, thành phố trong khu vực: Tiền Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang tổ chức khai thác tua chợ nổi, thế nhưng chưa địa phương nào nghĩ ra “cách làm mới” để hấp dẫn du khách. Theo kết quả khảo sát của Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist, rất nhiều du khách trong và ngoài nước than phiền về tình trạng nhiều điểm du lịch tại ĐBSCL đã và đang bị thương mại hóa, dần làm mất đi bản sắc đặc trưng tự nhiên, vốn là thế mạnh của vùng.

Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý du lịch ở các địa phương với các doanh nghiệp lữ hành chưa chặt chẽ, ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch. Chuẩn bị cho năm du lịch quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008, TP Cần Thơ đăng cai tổ chức tuần lễ khai mạc nên đã đề nghị các tỉnh trong khu vực dựng pa-nô, áp-phích, băng-rôn… quảng bá, giới thiệu về năm du lịch, nhưng một số tỉnh lại “nhầm” tưởng đó là việc của riêng TP Cần Thơ nên chẳng nơi nào hưởng ứng!

Yếu tố quan trọng giúp cho du lịch các tỉnh ĐBSCL phát triển chính là sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương, chính quyền với doanh nghiệp trong khu vực và trong cả nước, khắc phục được tình trạng làm du lịch tự phát, đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả kinh tế, tránh sự trùng lắp, đơn điệu các sản phẩm du lịch. Để phát triển, khai thác tiềm năng du lịch đòi hỏi các tỉnh trong khu vực phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng: khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí mua sắm… phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

NGUYỄN KIỂM