Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội; đại diện Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Toàn cảnh phiên khai mạc. 

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, do đó, trong thời gian 19 ngày, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian bầu các chức danh chủ chốt, kiện toàn nhân sự bộ máy Nhà nước.


.

 
Dự phiên khai mạc có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung, chương trình phục vụ cho kỳ họp Quốc hội lần này; tổ chức tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội. 

Trước giờ khai mạc kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã vào đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua chương trình kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết khác.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại biểu Quốc hội đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN 

Đúng 9 giờ, Quốc hội họp phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, các vị trong Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đến dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài…

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, những tháng đầu năm 2016, kinh tế nước ta đạt những kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa xã hội, y tế có bước phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tình hình xã hội ổn định; tiềm lực quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế thu được những kết quả nổi bật; vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  phát biểu khai mạc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2016-2020; năm Quốc hội khóa XIII và cơ quan tổ chức bộ máy Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ hoạt động của mình; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước có những khó khăn, thách thức; thời cơ và khó khăn đan xen, kỳ họp thứ 11 là cơ hội để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, tư pháp và các mặt xã hội...., do đó, những việc cần làm trong thời gian tới là phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ và kế hoạch đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) và quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020. Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật, bao gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất, nhập khẩu (sửa đổi); phê chuẩn thỏa thuận về việc cấp thị thực Việt Nam - Hoa Kỳ; xem xét báo cáo về kết quả đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và các vấn đề quan trọng khác.

Quốc hội cũng xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian của kỳ họp này để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước, trong đó có các chức danh chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội; bãi nhiệm một số chức danh cũ của Ủy viên Bộ Chính trị đã nhận nhiệm vụ mới sau Đại hội Đảng XII; xem xét báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri....

Nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của Kỳ họp thứ 11 với khối lượng công việc khá lớn, nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng đề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức chuẩn bị chu đáo các nội dung trình Quốc hội; tăng cường phối hợp, bảo đảm thực hiện tốt chương trình nghị sự theo tiến độ đã xác định; trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp. 

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Tin, ảnh: THU HÀ - NGUYỄN THẢO