Hà Nội (TTXVN) - Chiều 18/11, Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 (APEC-14) đã bắt đầu phiên họp kín thứ nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Với chủ đề “Đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong một thế giới đang thay đổi”, trong phiên họp chiều nay, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thảo luận về thúc đẩy vòng đàm phán phát triển Đôha, các thỏa thuận tự do thương mại song phương và khu vực (RTAs/FTAs), Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện lộ trình Busan và các biện pháp thúc đẩy mục tiêu Bôgo.

Kết thúc phiên họp, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố riêng về Vòng đàm phán Đôha, trong đó khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ và đặc biệt nhấn nhấn mạnh một số biện pháp thiết thực nhằm sớm khởi động vòng đàm phán.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng phê chuẩn Kế hoạch hành động Hà Nội, coi đây là cơ sở mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong 15 năm tới và góp phần tăng cường và hoàn thiện các cơ chế hợ tác của APEC.

Sau phiên họp kín, các nhà lãnh đạo đã có phiên đối thoại kéo dài một giờ với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC)./.

Tuyên bố về chương trình nghị sự phát triển Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO):

1. Chúng tôi, các Lãnh đạo Kinh tế APEC, chúc mừng Việt Nam gia nhập WTO và việc Nga hoàn thành một bước tiến quan trọng trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Các sự kiện lịch sử này sẽ tạo đà và tiếp thêm động lực để chúng ta đối mặt với những thách thức hiện nay của Vòng đàm phán Doha.

2. Chúng tôi tái khẳng định cam kết tập thể và của từng nền kinh tế thành viên nhằm ký kết được một Hiệp định Doha tham vọng và cân bằng. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần khẩn trương tháo gỡ những bế tắc hiện nay và đưa các cuộc đàm phán quay lại lộ trình để kịp thời kết thúc. Vòng đàm phán Doha thành công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nghèo đói. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc tạo ra các luồng thương mại mới và giải quyết một cách hiệu quả các khía cạnh phát triển.

3. Các nền kinh tế APEC đã có truyền thống đáng tự hào về vai trò đầu tàu đối với các vấn đề WTO. Chúng tôi quyết tâm nối lại đàm phán - không chậm trễ hơn nữa - nhằm đạt được kết quả cân bằng và tham vọng, phù hợp với tất cả các thành viên WTO. Mặc dù nông nghiệp vẫn là vấn đề then chốt để giải quyết tình hình bế tắc hiện nay, chúng tôi cho rằng cần phải xây dựng một gói cam kết tổng thể bao gồm: tiếp cận thị trường đối với hàng công nghiệp, cam kết mới về mở cửa thị trường dịch vụ, các vấn đề quy tắc và thuận lợi hóa thương mại.

4. Chúng tôi đã sẵn sàng để phá vỡ thế bế tắc hiện nay: Mỗi chúng tôi cam kết sẽ đi xa hơn những cam kết hiện tại trong các lĩnh vực chủ chốt của Vòng đàm phán. Điều đó có nghĩa là cắt giảm hơn nữa hỗ trợ nông nghiệp có tác động bóp méo thương mại của những đối tác lớn, mở rộng tiếp cận thị trường trong nông nghiệp, cắt giảm thực sự thuế quan hàng công nghiệp, và đưa ra những cam kết mới về mở cửa thị trường dịch vụ, trong khi giải quyết một cách nghiêm túc những quan ngại và những vấn đề nhạy cảm của các thành viên. Tất cả các thành viên APEC đều sẵn sàng đi tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng những thành viên WTO khác cũng phải thể hiện quyết tâm và sự sẵn sàng.

Tương lai của APEC gắn bó chặt chẽ với một hệ thống thương mại đa biên vững mạnh và sống động. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia vào tiến trình này nhằm đảm bảo nối lại đàm phán và sẽ đưa ra những linh hoạt và tham vọng cần thiết để tạo bước đột phá. Chúng tôi thúc giục đối tác ở các khu vực khác cùng tham gia và thể hiện tham vọng tương tự.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2006, vào 20.00h tối nay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chủ trì buổi tiệc tối (Gala dinner) cùng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và phu nhân, các Bộ trưởng và quan chức cao cấp.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo các nước Mỹ, Philippines, Singapore, Thái Lan
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo các nước Mỹ, Philippines, Singapore, Thái Lan
** Lễ đón các nhà lãnh đạo - trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC dự Hội nghị AELM-14

Trước khi tham dự lễ khai mạc Hội nghị, tại Đại sảnh lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra lễ đón các nhà lãnh đạo - trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC dự Hội nghị với nghi thức trang trọng. Nhà lãnh đạo đầu tiên được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón tại Đại sảnh lớn là Thủ tướng Australia John Howard. Australia là nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Nam Thái Bình Dương và là một trong 12 nước sáng lập ra APEC và sẽ là nước đăng cai APEC 15.

Tiếp đó, các nhà lãnh đạo đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lần lượt đón và mời vào tham dự Hội nghị, trong đó có các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn như Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào; Thủ tướng Canada Stephen Harper; Tổng thống Liên bang Nga V.Putin; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun; lãnh đạo các nước ASEAN như Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo; Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Malaysia Dato’Seri Abdullah Ahmad Badawi; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont… Nhà lãnh đạo cuối cùng được Chủ tịch nước Trần Đức Lương đón là Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush.

** Một số hình ảnh tại lễ đón các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC (ảnh: AP)


Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Tổng thống Hàn Quốc Roh Moon Hyun và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Tổng thống Hàn Quốc Roh Moon Hyun và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Tổng thống Mỹ G.W.Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Tổng thống Mỹ G.W.Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

** Các trưởng đoàn dự Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC (xếp theo bảng chữ cái):


1. Trưởng đoàn Australia: Thủ tướng John Howard

2. Trưởng đoàn Brunei Darussalam: Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah


3. Trưởng đoàn Canada: Thủ tướng Stephen Harper


4. Trưởng đoàn Chile: Tổng thống Michelle Bachelet


5. Trưởng đoàn Trung Quốc: Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào


6. Trưởng đoàn Hồng Công, Trung Quốc: Trưởng đặc khu hành chính Tsang Yam Kuen, Donald


7. Trưởng đoàn Indonesia: Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono


8. Trưởng đoàn Nhật Bản: Thủ tướng Shinzo Abe


9. Trưởng đoàn Hàn Quốc: Tổng thống Roh Moh-hyun


10. Trưởng đoàn Malaysia: Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi


11. Trưởng đoàn Mehico: Bộ trưởng Kinh tế Sergio Alejandro Garcia De Alba Zepeda


12. Trưởng đoàn New Zealand: Thủ tướng Helen Clark


13. Trưởng đoàn Papua New Guinea:Thủ tướng Michael Thomas Somare


14. Trưởng đoàn Peru: Phó Tổng thống Thứ nhất Luis Giampietri


15. Trưởng đoàn Philippines: Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo


16. Trưởng đoàn Nga: Tổng thống Vladimir Putin


17. Trưởng đoàn Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long


18. Trưởng đoàn Đài Bắc, Trung Quốc: Chủ tịch Công ty Sản xuất thiết bị bán dẫn Morris Chang


19. Trưởng đoàn Thái Lan: Thủ tướng Surayud Chulanont


20. Trưởng đoàn Mỹ: Tổng thống George W.Bush


21. Trưởng đoàn Việt Nam: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch APEC 2006./.


Doha là gì?

Vòng đàm phán Doha được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu tiến hành tại Doha, Qatar năm 2001 bàn về mục tiêu cắt giảm các rào cản thương mại toàn cầu, với tiêu điểm thực hiện thương mại công bằng đối với tất cả các nước thành viên.

WTO dự kiến vòng đàm phán này sẽ kết thúc vào năm 2005, tuy nhiên tiến độ đàm phán đã không được như mong muốn sau hàng loạt hội nghị tại Cancun (2003), Geneva (2004), và mới đây nhất là tại Hongkong (2005).

Các nước thành viên đã không tìm được tiếng nói chung đối với hàng loạt vấn đề kỹ thuật quan trọng trong đó có cắt giảm thuế nông nghiệp, trợ cấp, tiếp cận thị trường phi nông sản (NAMA), dịch vụ. Trợ cấp trong nông nghiệp và mở cửa thị trường là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong đàm phán, chia rẽ sâu sắc các nước phát triển và đang phát triển. Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy phải tuyên bố tạm ngưng vòng đàm phán vào tháng 7/2006 sau khi phiên họp của “6 bên" gồm Mỹ, EU, Nhật, Úc, cùng với Brazil và Ấn Độ là đại diện cho các nước đang phát triển rơi vào bế tắc.

Trước vòng đàm phán Doha là vòng đàm phán Uruguay kéo dài 8 năm và kết thúc vào năm 1994 sau khi đã thông qua 60 thỏa thuận, phụ lục, quyết định,và ghi nhớ. Tuy nhiên sau khi vòng đàm phán Uruguay khép lại, các nước đang phát triển cảm thấy phần lớn lợi ích mà thương mại quốc tế mang lại rơi vào túi của các nước giàu.

Kỳ Thư (VNN)

Theo VOV