Thủ tướng Chính phủ chủ trì giao ban trực tuyến

* Sẽ giảm và đổi mới hình thức hội họp

Ngày 27-4, Thường trực Chính phủ đã tiến hành cuộc giao ban trực tuyến đầu tiên với 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ). Cùng dự có nhiều Bộ trưởng. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các cấp cùng xem xét tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm và triển khai các biện pháp kiềm chế lạm phát ở từng địa phương nói trên.

Hình thức họp kiểu này sẽ được thực hiện phổ biến trong thời gian tới-Thủ tướng khẳng định như vậy.

Mặc dù lần đầu tham gia song lãnh đạo các địa phương nhập cuộc ngay. Những vấn đề nêu lên khá gọn và rõ nét. Không khí bao trùm trong khoảng hơn 4 giờ đồng hồ là sự chăm chú lắng nghe. Thủ tướng hỏi kỹ về diễn biến từng tháng của giá tiêu dùng, giá trị sản lượng công nghiệp, các chính sách và giải pháp đang được thực thi... ở từng địa phương. Thủ tướng muốn nắm bắt thực chất tình hình của các địa phương này để chuẩn bị cho cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Giải quyết tại chỗ các kiến nghị ổn định sản xuất, đời sống

Về một diễn biến mới, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo: Ngày 26-4, giá gạo tăng đột biến, nhiều người dân đổ xô vào siêu thị mua gạo. Xem xét lại, chúng tôi nhận thấy nguồn cung vẫn rất đầy đủ song yếu tố tâm lý đã tác động vào người tiêu dùng lo thiếu lương thực hoặc tăng giá; còn chủ đầu nậu thì găm hàng lại chờ giá lên nữa. Chúng tôi đã kiểm tra các chủ đầu nậu và đang xử lý những hành vi đầu cơ, nâng giá gạo... Các thông tin về giá lương thực và tình trạng thiếu lương thực trên thế giới đã tác động vào tâm lý của người sử dụng và người cung ứng lương thực. Vì vậy, cần có định hướng thông tin đúng về lương thực trong nước để tránh những tác động xấu như trên.

Thủ tướng nói: Hiện nay chúng ta đang thừa gạo, bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị Nhà nước mua vào. Vụ lúa xuân ở miền Bắc cho đến nay có khả năng cho năng suất không kém vụ năm ngoái. Chúng ta đang mua để dự trữ thay cho số gạo đã phải hỗ trợ thiên tai lũ lụt, giá rét vừa qua. Chưa ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo vì giá thế giới đang tăng, khi nào xuất khẩu thì ta mới ký hợp đồng. Nhà nước và các cấp chính quyền quyết không để người dân nào phải chịu cảnh đói lương thực. Cần nói cho bà con hiểu rõ như vậy để yên tâm. Đồng thời kiên quyết chống tệ nạn đầu cơ, găm hàng chờ giá lên.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An-Phan Đình Trạc-nêu kiến nghị: Thiệt hại do giá rét vừa qua rất nặng nề, số tiền hỗ trợ của Trung ương chưa chuyển về hết. Đề nghị nâng tiền hỗ trợ lên 2 triệu đồng/con gia súc cho hộ gia đình có bò hoặc bê bị chết rét. Các hộ có trâu, bò chết thường ở miền núi, thuộc diện hộ nghèo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính-Vũ Văn Ninh-cho biết số tiền hỗ trợ đang chờ các địa phương báo cáo tổng hợp thiệt hại để chuyển tiếp. Về mức hỗ trợ cũng đã bàn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng lên. Trước mắt là trong mức hỗ trợ một triệu đồng đối với một con trâu, bò bị chết, ngân sách trung ương sẽ chi 70%, của địa phương 30%, ngược lại so với quy định ban đầu. Ở miền núi sẽ có tỷ lệ từ ngân sách trung ương cao hơn.

Khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nói như vậy, Thủ tướng khẳng định ngay: Tôi đồng ý xử lý theo hướng đó!

Cân nhắc kỹ các chương trình, dự án

Không khí cuộc họp rộn ràng hẳn lên khi Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc đề nghị việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc và miền núi nên thực hiện ngay từ năm nay, không chờ đến năm 2010. Việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào thì cứ phải đi mua để cấp và cấp rồi thì bà con tiến hành sản xuất cũng khó khăn...

Thủ tướng gợi ý: Chương trình này dự kiến triển khai từ năm 2010 nên năm nay chưa có kế hoạch ngân sách. Nhưng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cần lưu ý: Giữa năm có tăng thu từ ngân sách thì không chi vào xây dựng cơ bản mà dành cho phòng, chống thiên tai, an sinh xã hội, bù giá và các việc cấp bách khác, trong đó quan tâm đến các chương trình ở các vùng khó khăn. Còn đất sản xuất cấp cho đồng bào dân tộc thì có thể giao đất rừng cho bà con hoặc cấp đất đã có cây trồng trong vùng cao su, cà phê để có thể sản xuất thuận lợi. Nếu chỉ cấp đất không thôi thì có khi không sản xuất được, bà con cũng bán đi mất.

Trả lời ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa-Võ Lâm Phi-về đề nghị được giảm lãi suất vốn vay ngân hàng hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, để giúp xuất khẩu thoát khỏi khó khăn do lãi suất vốn vay ngân hàng cao, đồng USD giảm giá; Thủ tướng cho biết: Không thể giảm lãi suất vốn vay của ngân hàng vì như thế phải lấy ngân sách bù vào phần chênh lệch; còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì Chính phủ cũng có đề nghị giảm song phải chờ Quốc hội xem xét, quyết định. Nhân đây, cũng nói thêm là trong khó khăn, Nhà nước đã giữ giá xăng, dầu, điện... bằng bù lỗ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất- kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với Nhà nước và nhân dân, tiết kiệm các khoản chi, giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Một số dự án, công trình được các địa phương nêu lên xin ý kiến chỉ đạo như dự án POSCO Khánh Hòa; dự án cầu, cảng Hải Phòng; thi công cầu Cần Thơ... Nhiều vấn đề được coi là khá tế nhị và nhạy cảm trong không khí hiện nay. Nhưng Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo hoặc chỉ định các Bộ trưởng giải đáp. Theo Thủ tướng, hiện nay mới chỉ đồng ý để nhà đầu tư POSCO lập dự án để xem xét. POSCO đã trình dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ chức năng và tỉnh Khánh Hòa được giao xem xét, thẩm định dự án này. Nếu thấy phù hợp sẽ có chủ trương chính thức để nhà đầu tư triển khai dự án. Còn đến nay chưa điều chỉnh quy hoạch Vịnh Vân Phong. Với các dự án tại Hải Phòng, phải thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, khi đã khởi công dự án là thi công thực chất, liên tục, tránh khởi công hình thức. Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết dự án cầu Cần Thơ gói thầu số 1 và 3 phát sinh khối lượng bù lún lớn, đang tính toán thêm. Còn gói thầu số 2 tư vấn đã thẩm tra và Bộ Giao thông-Vận tải đang thẩm định, sẽ cố gắng khởi động lại công trình nhanh nhất khi có thể.

Khó kể hết những ý kiến đặt ra trong cuộc họp này, nhưng vấn đề nào nêu lên cũng được xem xét, làm rõ và có câu trả lời ngay.

Giảm họp và đổi mới hình thức hội họp

Đó là mong muốn của Thủ tướng khi nhìn lại kết quả cuộc giao ban. Thủ tướng nói: Tôi nghe có những cuộc họp toàn quốc của cấp ngành có thể tốn tới một tỷ đồng. Nếu tôi và các Phó thủ tướng họp kiểu này thì lãnh đạo các địa phương đỡ phải kéo nhau về Hà Nội, không tốn tiền của, thời gian đi lại, ăn ở... Thay vào đó chỉ cần về một điểm của cầu truyền hình trực tuyến là họp bàn được. Các Bộ trưởng cũng có thể họp theo kiểu này với các địa phương và đơn vị. Đến nay tôi có 8 cuộc hẹn họp với 8 địa phương, không có thời gian vào ngày thường, có thể họp vào ngày nghỉ, tranh thủ 1-2 giờ đồng hồ là giải quyết được việc. Chỉ cần gửi tài liệu về trước, vào họp chỉ bàn những gì cần, kiến nghị gì, đề nghị gì, hướng giải quyết thế nào thì có đại diện các bộ, ngành cùng tham gia luôn. Việc gì thống nhất thì triển khai ngay, việc còn vướng mắc thì hướng giải quyết thế nào, ở đâu, bao giờ, ai làm... cũng sẽ rõ ràng. Kể cả các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương về những vấn đề cấp bách như dịch bệnh, chống buôn lậu cũng sẽ theo hình thức này. Ngay sau cuộc họp, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận để các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện.

Được biết, giao ban trực tuyến đã được triển khai gần đây. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì 3 cuộc, trong đó có cuộc với 5 điểm đầu cầu trên cả nước. Theo lãnh đạo các địa phương tham dự giao ban thì hình thức này cho hiệu quả cao và triển khai áp dụng khá thuận lợi, tiết kiệm nhiều cho ngân sách địa phương. Không khí cuộc giao ban thân mật, hỏi đáp tức thời và gần gũi hơn hội nghị kiểu cũ.

Một hình thức họp mới-không chỉ tiết kiệm mà còn nâng cao được hiệu quả, gây hứng thú cho người tham dự-được mở ra từ cuộc giao ban này.

VIÊT ÂN