Chương trình làm việc cụ thể hôm nay, thứ ba, ngày 28-5:

Buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Dự kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này, trước khi cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

* Hôm qua, thứ hai, ngày 27-5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ bảy của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); sau đó, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

leftcenterrightdel

 Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp.

Tại phiên thảo luận đã có 55 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 2 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội; giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý; cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

Chế độ ốm đau; chế độ thai sản; trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần; mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu, trợ cấp một lần và điều chỉnh tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc quy định về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; khiếu nại và giải quyết khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội; tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội; tác động của cải cách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm xã hội; thời điểm thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

THANH HẢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.