Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam kiêm Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, đồng chủ trì Hội nghị. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam và bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Cơ quan thường trú LHQ (UNDP) tại Việt Nam, đồng chủ trì tại các phiên thảo luận.
 |
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và ngài Kamal Malhotra đồng chủ trì Hội nghị |
Tham dự có đại diện phụ trách hoạt động GGHB của các nước ASEAN và Đông Timo, Ban thư ký ASEAN, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Văn phòng điều phối viên thường trú của LHQ,UNDP, tổ chức UN Women, Đại sứ quán Canada và Đại sứ quán Na Uy.
Hội nghị nhằm thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong vai trò kép Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ; duy trì động lực và tăng cường hợp tác giữa các nước trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hội nghị góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực GGHB LHQ và phòng, chống đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, khiến hoạt động GGHB LHQ bị đình trệ tại nhiều phái bộ, nỗ lực của các lực lượng y tế tại các phái bộ nổi lên như một điểm sáng, trong đó có sự tham gia đóng góp của nhiều y, bác sĩ là nữ.
 |
Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội |
Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, dù mới tham gia hoạt động GGHB LHQ từ năm 2014, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nữ quân nhân theo đúng những cam kết đã đưa ra. Hiện tỷ lệ nữ tham gia hoạt động GGHB của Việt Nam chiếm khoảng 16%, một tỷ lệ đáng khích lệ. Tuy nhiên, Việt Nam nhận thức rằng để có sự tham gia bền vững của phụ nữ trong lực lượng GGHB, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của LHQ, các nước, trong đó bao gồm Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ấn tượng nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam tham gia phòng, chống Covid-19
Những kinh nghiệm trong thực tiễn phòng, chống đại dịch Covid-19 ở các phái bộ LHQ, bao gồm hai phái bộ ở CH Nam Sudan và CH Trung phi đã được chia sẻ tại Hội nghị lần này. Thực tế cho thấy, so với các đồng nghiệp nam, trong môi trường địa bàn phái bộ phức tạp, với đặc tính mềm mại, nữ tính và thân thiện, các nữ sĩ quan mũ nồi xanh luôn tạo được thiện cảm và dễ dàng tiếp cận người dân bản địa khi thực thi các nhiệm vụ. Vì vậy, việc gia tăng tỷ lệ nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ là một trong những mục tiêu quan trọng mà LHQ đang thúc đẩy và mong muốn các quốc gia cử quân ủng hộ.
 |
Các đại biểu xem phim tư liệu qua màn hình về sự tham gia của các nữ quân nhân Việt Nam trong hoạt động GGHB |
Đáng chú ý, đại diện cho các nữ quân nhân của Việt Nam tham gia hai phái bộ ở CH Nam Sudan và CH Trung Phi đã chia sẻ về hoạt động của các nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam trong hoạt động phòng chống Covid-19 tại địa bàn. Qua màn hình trực tuyến, Trung tá Nguyễn Thị Liên, nữ sĩ quan ở Phái bộ CH Trung Phi cho biết, chị đã mua vải và nguyên liệu để may khoảng 800 chiếc khẩu trang chỉ trong 3 tuần và tặng miễn phí cho các đồng nghiệp ở phái bộ, cả quân sự và dân sự. Hoạt động có ý nghĩa này của chị đã góp phần nâng cao ý thức đeo khẩu trang ở phái bộ, được Tư lệnh lực lượng ở phái bộ CH Trung Phi đánh giá tích cực và tặng thư khen. Trong thư khẳng định: “Lòng tốt, sự từ thiện và sẵn sàng giúp đỡ người khác của Trung tá Liên phù hợp với các giá trị cốt lõi của LHQ. Cô ấy là một đại sứ tốt cho Việt Nam”.
Từ phái bộ CH Nam Sudan, Đại uý, nữ bác sĩ Lê Thị Hồng Vân, thay mặt cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) của Việt Nam đã chia sẻ về sự tham gia của 10 nữ quân nhân Việt Nam trong công tác phòng, chống và điều trị Covid-19 ở địa bàn Bentiu. Các nữ quân nhân của BVDC 2.2 đã tích cực vượt qua khó khăn để cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ của một đơn vị y tế chủ chốt trong phòng, chống dịch bệnh ở địa bàn phái bộ. Chị cho biết, các nữ điều dưỡng tham gia công việc ngay từ vọng phân loại bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện, bảo đảm các công việc vệ sinh phòng dịch, thay nhau đưa cơm cho bệnh nhân, bàn giao thuốc và vật tư y tế cho khu vực điều trị cách ly… Mọi hoạt động đều bảo đảm an toàn và đúng quy định phòng dịch nhằm tự bảo vệ mình và tránh nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện. Kết quả đáng chú ý là không có đồng chí nào ở đơn vị nhiễm Covid-19 bảo đảm đủ quân số để thực hiện nhiệm vụ. Hình ảnh những nữ nhân viên y tế của bệnh viện làm việc ở các vị trí khác nhau, kể cả khu điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đã trở nên quen thuộc và mang lại sự an tâm cho người bệnh.
Việt Nam có thể đưa ASEAN trở thành hình mẫu về phụ nữ tham gia GGHB
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Trưởng UNDP tại Việt Nam cho rằng tỷ lệ trung bình 16% nữ tham gia vào lực lượng GGHB của Việt Nam là khá tốt theo tiêu chuẩn của LHQ do Tổng Thư ký LHQ đề ra trong chiến lược bình đẳng giới. Theo bà Caitlin Wisen, một nghiên cứu ở ASEAN cho thấy Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia lực lượng GGHB và cam kết của Việt Nam về cải thiện tỉ lệ nữ tham gia là “điều đáng được khen ngợi”. Trên cơ sở đó, Việt Nam đang thúc đẩy thành lập Trung tâm GGHB tầm cỡ khu vực. Đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy, đào tạo và trang bị tốt hơn để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động GGHB, không chỉ cho Việt Nam mà toàn khu vực. Qua đó đóng góp quan trọng không chỉ cho hoà bình khu vực mà còn hoà bình trên thế giới.
 |
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng và bà Caitlin Wiesen đồng chủ trì tại các phiên thảo luận. |
Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng GGHB LHQ và điều này rất quan trọng để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động GGHB LHQ. “Việt Nam đang trở thành hình mẫu, và với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam có thể đưa ASEAN trở thành một hình mẫu của thế giới về phụ nữ tham gia hoạt động GGHB”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
 |
Các đại biểu tại đầu cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội nghị |
Kết thúc Hội nghị, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết, đến nay, cả hai bệnh viện dã chiến Việt Nam lần lượt triển khai tại phái bộ Nam Sudan, số lượng nữ đều là 10/63 người. Tại hai phái bộ CH Nam Sudan và CH Trung Phi, Việt Nam có 3 nữ quân nhân trên tổng số 16 sĩ quan, chiếm tỷ lệ gần 19% và cao hơn nhiều so với mức kêu gọi của LHQ. Việt Nam cam kết đối với các đội Công binh GGHB LHQ mà Việt Nam đang chuẩn bị triển khai cũng sẽ duy trì tỷ lệ nữ trên 10%. Hiện Việt Nam đang chuẩn bị đội công binh, với quân số 295 người và trong đó có tới 31 nữ (hơn 11%).
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh, quan chức LHQ cũng như lãnh đạo các phái bộ đều đánh giá cao trình độ, năng lực của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam, trong đó có các nữ quân nhân. Đây là cơ sở để các lãnh đạo LHQ, Phó tổng thư ký LHQ ủng hộ việc tổ chức Hội nghị quốc tế về phụ nữ tham gia GGHB LHQ theo đề xuất sáng kiến của Việt Nam dự kiến trong năm 2020. Nhưng do đại dịch Covid-19, Hội nghị phải hoãn lại và dự kiến sẽ tổ chức vào năm 2021.
Chia sẻ bên lề, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết: Hình ảnh những nữ quân nhân đội mũ nồi xanh đang đóng góp rất tích cực cho thành công của 13 phái bộ GGHB hiện nay. Các đại biểu cho rằng Việt Nam tuy là nước tham gia hoạt động GGHB LHQ chưa lâu, nhưng Việt Nam đẩy nhanh tham gia hoạt động này và đã đạt hiệu quả cao, điển hình như việc đạt tỷ lệ nữ tham gia khá ấn tượng. BVDC 2.2 ở CH Nam Sudan được LHQ đánh giá cao, có khả năng thu dung và điều trị cao nhất từ trước đến nay. Hình ảnh của những nữ quân nhân, sỹ quan tham gia phòng chống Covid-19 tại bệnh viện được LHQ đánh giá cao. Họ khích lệ Việt Nam tiếp tục tăng cường tỷ lệ nữ tham gia hoạt động GGHB tại các phái bộ. |
Bài, ảnh: MỸ HẠNH