Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi và trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy, với tinh thần trách nhiệm, Hội nghị APPF-26 đã hoàn thành 4 phiên thảo luận toàn thể, họp Ban Chấp hành và các phiên họp Ủy ban Soạn thảo và các Nhóm Công tác, với nhiều cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn và bổ ích về những vấn đề cùng quan tâm chung của khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 với các đại biểu.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thành công của Hội nghị là đã thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”. Kế thừa các bản Tuyên bố dấu ấn khác của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy mạnh hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) v.v... Tuyên bố cũng đã đưa ra một bức tranh phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, trong đó có những thay đổi căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cùng những tác động hết sức sâu rộng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị đã nhận định tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện, đề ra những nhiệm vụ mà APPF cần phải thực hiện, cũng như thúc đẩy APPF triển khai các hành động nhằm mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Trong giai đoạn tới, APPF cần phải tiếp tục đổi mới nội dung nghị sự, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các thể chế đa phương, như: APEC và các cơ chế hợp tác khác. “Trong tiến trình đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, cùng APPF và nghị viện các nước để hiện thực hóa tầm nhìn mà chúng ta đã đề ra để đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF trở thành hành động cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Thay mặt cho Quốc hội Campuchia, chủ nhà của APPF - 27, ngài Tep Ngorn, Phó chủ tịch Thượng viện Campuchia, chúc mừng Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị APPF -26 trong bối cảnh APPF tròn 25 tuổi -  một dấu ấn mới trong lịch sử của APPF. Ngài Tep Ngorn cho rằng thành công của Hội nghị APPF -26  thể hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm của tất cả các nghị viện thành viên.  Nhấn mạnh niềm vinh hạnh khi được các thành viên giao cho trọng trách chủ nhà Hội nghị APPF-27, ngài Tep Ngorn khẳng định Quốc hội Campuchia đủ năng lực tổ chức và sẽ làm hết sức mình để Hội nghị APPF-27 được thành công tốt đẹp. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Kosachev Konstantin Iosifovich nhấn mạnh thành công của Hội nghị APPF -26 góp phần tăng cường vai trò và tiếng nói của Quốc hội Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng những nỗ lực của APPF sẽ được tiếp nối liên tục, đáp ứng mong mỏi của các nghị viện thành viên, góp phần xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương đoàn kết, hòa bình và ổn định.

Các đại biểu tại họp báo.

Ngay sau lễ bế mạc đã diễn ra cuộc họp báo thông báo kết quả của Hội nghị APPF -26 với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; ngài Tep Ngorn, Phó chủ tịch Thượng viện Campuchia; ngài Takuji Yanagimoto, Trưởng đoàn Nghị viện Nhật Bản - đại diện Chủ tịch danh dự APPF; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời báo chí tại họp báo.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội nghị APPF-26 có 3 điểm nổi bật. Một là nhận được sự ủng hộ to lớn của các nghị viện thành viên khi có 22 đoàn tham dự  (bao gồm cả Việt Nam) với hơn 350 đại biểu quốc tế, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó chủ tịch Quốc hội. Hội nghị APPF-26 còn có sự tham dự của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), nguyên Chủ tịch IPU, Tổng thư ký IPU, đoàn nghị viện Maroc-khách mời của Quốc hội Việt Nam, đại diện Hội đồng Lập pháp Brunei –quan sát viên của APPF. Hai là Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” và 14 nghị quyết với sự nhất trí cao. Ba là Hội nghị đã sửa đổi quy chế APPF, bổ sung quy chế Hội nghị Nữ nghị sĩ thành cơ chế chính thức của APPF./.

HOÀNG VŨ – CHIẾN THẮNG