Sau khi khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3 (6-5), Quốc hội khoá XII, Quốc hội đã tiến hành
thảo luận Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2007; triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2008. Quốc hội cũng thảo luận một số dự án Luật sửa đổi, bổ sung, nhằm từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tuần qua, gần 500 đại biểu Quốc hội đã tề tựu về Thủ đô dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, kéo dài trong một tháng. Trong những ngày làm việc đầu tiên, các vị đại biểu của dân đã bàn thảo sâu sắc câu chuyện tiền mất giá và cuộc mưu sinh của những người nghèo. Với hướng trọng tâm thảo luận để tìm ra giải pháp chống lạm phát, ổn định kinh tế “trong điều kiện kinh tế không bình thường”, hoạt động của Quốc hội mang đầy hơi thở của cuộc sống, vì thế đã thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của dư luận và cử tri cả nước.
Điểm nổi bật là không khí nghị trường không chỉ bàn chuyện quốc gia đại sự, mà kể cả những vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” và bữa ăn hàng ngày của dân cũng được đưa ra như một chỉ số tham chiếu, buộc Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương khi đề ra chính sách phải hết sức thận trọng, khả thi và triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Các đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ trách nhiệm cao trong việc hiến kế để cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Thông qua việc phân tích, làm rõ những vấn đề nổi bật cả mặt tích cực, tồn tại yếu kém và nguyên nhân trong chỉ đạo điều hành việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch được giao của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong những tháng đầu năm 2008, Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của cá nhân các Bộ trưởng trong việc dẫn đến tình hình lạm phát tăng cao, gây thêm khó khăn cho mọi người dân trong cuộc sống, nhất là đối với chính sách tiền tệ, thay đổi lãi suất ngân hàng; cơn sốt ảo về gạo, cũng như những chính sách an sinh xã hội chưa sát thực tiễn…
Đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP là phù hợp, nhưng giảm xuống khoảng 7% hay bao nhiêu thì vẫn chưa có cơ sở thuyết phục. Điều chỉnh GDP là cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô. Song, về chỉ số tăng giá tiêu dùng, không nên ấn định, mà định hướng tốc độ tăng giá tháng sau thấp hơn tháng trước. Và, 8 nhóm giải pháp chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ chỉ có thể thực hiện được nếu cụ thể hoá một số chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu bội chi ngân sách, giảm nhập siêu và tiêu chí để đình hoãn công trình. Nếu không cụ thể và làm nhanh thì tình hình còn khó khăn hơn nữa.
Trong những tháng đầu năm nay, trên thế giới và trong nước xuất hiện tình hình mới không bình thường về kinh tế, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong 4 tháng đầu năm rất có ý nghĩa. Đến nay, năm 2008 đã đi qua 1/3 chặng đường, 2/3 chặng đường còn lại vẫn đầy khó khăn, thử thách. Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với Chính phủ điều chỉnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm theo hướng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung ưu tiên chống lạm phát, phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp, bảo đảm an sinh xã hội.
Trên thực tế, Chính phủ đang chỉ đạo điều hành theo hướng này và chống lạm phát đã đem lại kết quả ban đầu, nhưng sức ép của lạm phát vẫn đang tăng, kinh tế thế giới xấu đi, thiên tai dịch bệnh đang tăng lên. Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội cho rằng; những vấn đề này chỉ có thể thực hiện được nếu được Chính phủ cụ thể hoá hơn, có địa chỉ cụ thể, tách bạch rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành và địa phương với những chỉ tiêu sát thực. Ví dụ như định lượng hoá phần nhập siêu, về giảm bội chi ngân sách, về giãn, hoãn các công trình đầu tư công hay việc ra văn bản pháp quy để bịt một lỗ hổng gây ra lạm phát là khống chế mức đầu tư của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đối với các ngành, hàng không thuộc vào ngành chính…
Còn nhớ, tại những phiên thảo luận của Quốc hội khóa trước, thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội đều kéo dài trên dưới 15 phút. Đến những kỳ họp gần đây, đã giảm xuống 10 phút mà vẫn trùng lặp, dài dòng. Tại kỳ họp này, thời lượng dành cho mỗi đại biểu Quốc hội chỉ còn lại 7 phút. Đây là điểm mới, nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, nếu được giảm xuống còn 5 phút thì tốt hơn; mỗi đại biểu nên đi thẳng vào vấn đề trọng tâm để nhiều đại biểu được phát biểu ý kiến.
Tuần này, Quốc hội dành nhiều thời gian cho việc xây dựng Luật và cho ý kiến về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Theo đó, các dự Luật về Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Hoạt động Chữ thập Đỏ; Luật Năng lượng nguyên tử, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản… sẽ được Quốc hội lần lượt cho ý kiến thảo luận để có thể thông qua tại kỳ họp này.
Theo VOV