Năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện. Trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là điểm sáng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc, khoảng cách so với các nước dẫn đầu trong nhóm ASEAN được rút ngắn...

Về các chỉ tiêu cụ thể: Tăng trưởng kinh tế đạt khá, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội; thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực, quốc tế. Quy mô GDP tăng lên khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD/người. Năng suất lao động đạt khá, mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7,9%, đạt khoảng 263 tỷ USD; xuất siêu dự báo đạt khoảng 1 tỷ USD...

Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng; trong bối cảnh khó khăn chung, các ngành, lĩnh vực vẫn phát triển ổn định, tích cực. Khu vực công nghiệp tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu nội ngành có bước thực chất hơn, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực phát triển toàn ngành và toàn nền kinh tế.... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công với cách mạng , cơ bản hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công. Các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh....

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Quốc hội. 

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, thách thức như: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa bền vững; còn xảy ra thất thu, trốn thuế. Khu vực nông nghiệp chịu tác động, ảnh hưởng lớn của dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu; giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Nhiều ngành công nghiệp tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc lớn vào đầu vào nhập khẩu. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng lớn...

Trên cơ sở dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát năm 2020, đó là: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thị trường trong nước và các ngành dịch vụ, du lịch. Phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu....

Cần thể hiện đậm nét hơn mảng xã hội

Góp ý vào báo cáo, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, thống nhất cho rằng, trong năm 2019, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, tạo tiền đề vững chắc bước vào năm 2020 và phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Cũng nhất trí với đánh giá của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh năm 2020 là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, do đó, cần nghiên cứu, đánh giá khách quan, kỹ lưỡng các mặt về tình hình thế giới, khu vực và trong nước tác động đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2020 của nước ta. Theo đó, cần đánh giá thêm về tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; về tình hình an ninh-quốc phòng; an ninh trật tự, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người, làm sao để giảm ở mức thấp nhất.... Ngoài ra, cần chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...

Đi vào những vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh đến một điểm đổi mới trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây. Đó là, trước đây, các vụ án điều tra, xử lý không chứng minh được chiếm đoạt, vụ lợi, nên việc xử lý phải chuyển sang các tội về kinh tế như cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng. Năm nay, đã chứng minh được yếu tố chiếm đoạt, đã khởi tố điều tra được một số vụ án, trực diện vào tội tham nhũng là đưa và nhận hối lộ. Đây là một bước tiến lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng khá hơn trước đây....

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần thể hiện đậm nét hơn mảng về xã hội. Nhấn mạnh “hiện nay vấn đề đạo đức xuống cấp nghiêm trọng”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu thực trạng, có một số loại tội phạm nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng; như giết người hay tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, hầu như các địa phương nào cũng xảy ra. Hiện nay việc xử lý khá nghiêm nhưng công tác phòng ngừa chưa tốt nên dẫn đến tình trạng này xảy ra nhiều; đề nghị Chính phủ quan tâm, lưu ý đến công tác phòng, ngừa vấn đề này, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.

PHƯƠNG HẰNG