Ảnh chụp tại chợ Mơ, Hà Nội sáng 11-2. Ảnh: Phạm Yên

Dù nhiều cửa hàng, chợ và siêu thị trên toàn quốc đã bắt đầu mở cửa trở lại, còn sức mua của người dân chưa nhiều, nhưng giá của nhiều mặt hàng rau quả, thực phẩm thiết yếu sau Tết tăng chóng mặt.

TPHCM: Loạn giá

8 giờ sáng mùng 5 Tết (11-2), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) đã khá nhộn nhịp. Chị Phượng - tiểu thương kinh doanh rau củ và nông sản ở chợ cho biết chị và không ít người đã quyết định buôn bán trở lại từ hôm mùng 2 vì nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng rau xanh sau Tết thường tăng cao.

Suốt từ hôm bán lại đến nay, ngày nào chị cũng “cháy” hàng, chỉ bán đến trưa là nghỉ, trong khi những ngày bình thường có hôm chị phải “cày” đến 7-8 giờ tối.

Ngoài rau quả, sau những ngày nghỉ Tết ê hề thịt lợn, gà, hầu hết người dân đều có cảm giác thèm loại thịt khác. Tôm, cá biển thì vắng bặt do tàu đánh cá còn nằm bờ hoặc chưa kịp trở về, lựa chọn của số đông những bà nội trợ là thịt bò nên loại thực phẩm tươi sống này cũng bán rất chạy dù giá cả không hề rẻ.

Giá tăng cao nhất thuộc về các mặt hàng rau xanh. Tại chợ Bà Chiểu, giá bán lẻ một bó rau xà lách (loại 3 cây/bó) là 5 nghìn đồng, cao gấp đôi so với những ngày cận Tết (2,5 nghìn đồng -3 nghìn đồng/bó).

Rau sống (còn gọi là rau ghém) vọt lên 20 nghìn đồng/kg trong khi vào sáng 30 Tết giá cao nhất chỉ 16 nghìn đồng/kg. Các mặt hàng khác như rau cải, cải bắp, bí xanh, rau muống, mồng tơi, đậu que, … giá đều cao hơn so với những ngày giáp Tết từ 20 – 50%.

Giá thực phẩm tươi sống cũng không hề rẻ. Tại chợ Bà Chiểu, thịt bò phi lê loại ngon (bít - tết) trong ngày mùng 5 giá lên tới 150 nghìn đồng/kg. Giá loại kém hơn (thịt lẫn cả gân) cũng từ 120 nghìn đồng/kg trở lên, cao hơn từ 30 -50% so với ngày bình thường.

Tuy kém hấp dẫn nhưng giá thịt lợn và cá đồng vẫn ở mức cao so với bình thường. Cụ thể : Giá thịt lợn dao động trong khoảng từ 60 – 75 nghìn đồng/kg, cao hơn thời điểm bình thường trước Tết từ 10 -20%. Cá lóc loại ngon có giá 40 nghìn đồng/kg, trong khi trong thời điểm bình thường, giá cao nhất chỉ 35 nghìn đồng/kg.

Anh thông cảm. Mấy ngày này giá thu mua tại vườn và giá bán tại các chợ đầu mối đều cao hơn ngày thường. Chi phí vận chuyển cũng vậy. Bình quân mỗi chuyến hàng, nhà xe đều nâng lên từ 30 -40% nên chúng tôi buộc phải tăng giá bán, Tết mà” – chị Phượng phân bua.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy cùng một loại hàng hóa, chất lượng tương đương nhưng giá mỗi chợ mỗi kiểu. Tại chợ Hòa Bình (quận 5), cũng trong ngày 11-2, giá thịt cốt lết là 65.000 đồng/kg, thịt đùi 65.000 đồng/kg, ba rọi 60.000 đồng/kg.

So với giá bán tại chợ Bà Chiểu, thịt bò phi lê loại ngon giá 130.000 đồng/kg (rẻ hơn 20 nghìn đồng/kg), cá lóc 35.000 đồng/kg (rẻ hơn 5 nghìn đồng/kg) Cà rốt 16.000 đồng/kg, bắp cải, cải ngọt 10.000 đồng/kg, bắp cải trắng 12.000 đồng/kg (cao hơn từ 2-3 nghìn đồng/kg).

Tại chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), giá nhiều loại rau xanh cao hơn hai chợ Bà Chiểu và Hòa Bình. Trong khi đó, giá thịt bò lại rẻ hơn từ 4 -5 nghìn đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Tài – một chủ lò mổ ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) cho biết, giá lợn hơi thu mua trước và sau Tết không tăng (24 nghìn đồng/kg).

Sở dĩ giá bán lẻ các chợ có sự chênh lệch là do chi phí vận chuyển và người bán tự “làm giá”.

Từ mùng 1 Tết, các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đã hoạt động lại và nguồn hàng về mỗi chợ khá dồi dào.

Bắt đầu từ ngày mùng 5 Tết, lượng hàng về chợ đạt mức xấp xỉ ngày thường với con số hơn 1.000 tấn/ngày đêm. Giá cả nhiều mặt hàng từ mùng 4 Tết đã trở lại bình thường.

Tại hai chợ thịt lợn An Lạc (quận Bình Tân) và Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) sản lượng thịt cung ứng cho các chợ lẻ đạt mức xấp xỉ 100 tấn/ngày (mùng 5 Tết) nên giá heo mảnh đã trở lại mức 40 – 45 nghìn đồng/kg.

Thời điểm bình thường, giá bán tại các siêu thị luôn có độ chênh lệch nhất định (cụ thể là cao hơn) so với các chợ nhưng trong ngày mùng 5 Tết, giá nhiều loại thực phẩm tươi sống ở một số siêu thị rẻ hơn.

Cụ thể: Tại Co.op Mart Cống Quỳnh (quận 1), giá thịt heo đùi, ba rọi 61.000 đồng/kg (rẻ hơn 4 nghìn đồng/kg so với chợ Hòa Bình), thịt cốt lết 60.000 đồng/kg (rẻ hơn 5 nghìn đồng/kg so với chợ Hòa Bình).

Hà Nội: Hàng ăn thi nhau “chặt chém”

Ngay từ ngày mồng 1, mồng 2 Tết, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, nhiều cửa hàng ăn, quán ăn ven đường đã bắt đầu bày bán để phục vụ khách hàng. Tại các tuyến phố Nguyễn Quý Đức, Phạm Ngọc Thạch, Bà Triệu, Kim Liên-Ô Chợ Dừa..., dù nhiều hàng ăn như bún riêu, ốc, phở bò, gà, bánh cuốn ven đường đã bày bán, nhưng giá thì vô cùng đắt đỏ.

Tại đây, giá của một bát bún riêu, bún ốc tăng lên từ 20.000 - 30.000 đồng/bát, trong khi ngày thường chỉ từ 10.000- 15.000 đồng/bát. Các quán bán miến lươn, phở bò, phở gà..., các chủ hàng thi nhau đẩy giá lên 30.000 - 50.000 đồng/bát.

Quán phở gà Hà Phương nằm trên vỉa hè đường mới Kim Liên - Ô Chợ Dừa, những ngày này chủ quán đã phải huy động gần chục nhân viên làm việc tốc lực để phục vụ khách hàng ăn

Xếp hàng mua rau (su hào loại nhỏ: 3.000đ/1 củ. Ảnh: Phạm Yên

phở.

Bình thường giá một bát phở gà ở đây từ 15.000-20.000 đồng thì nay giá thấp nhất là 30.000 đồng/ bát, còn phở gà “đặc biệt” là 50.000đồng /bát.

Giá cả các loại thực phẩm tăng đột biến, nên giá hàng ăn cũng phải tăng lên nhiều so với ngày thường, hơn nữa chúng tôi phải trả thêm lương cho các nhân viên đi làm sớm. Dù giá tăng nhưng quán không kịp phục vụ vì khách đến ăn phở rất đông”- Một nhân viên quán phở cho biết.

Đối với nhiều người dân, sau Tết nhu cầu thường “chán bánh, ngấy thịt mà thèm phở”, nên đổ xô đến các nhà hàng, quán ăn và thường với tâm lý dễ dàng chấp nhận với mức giá cao.

Cũng chính tâm lý đầu xuân dễ dàng “bỏ qua”, chấp nhận nên chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm những ngày này cũng dễ dàng được “bỏ qua”. Tại nhiều quán ăn ven đường, chỉ với một chậu nước nhỏ, từng chồng bát đũa được “lướt” nhanh, lau vội để còn phục vụ những khách hàng tiếp theo.

Tại các chợ như: Phùng Khoang, Kim Liên, chợ Mơ, Ngọc Hà..., từ ngày mồng 3 Tết đến nay lượng người mua và người bán chưa nhiều, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào các loại hàng thuỷ hải sản, thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, các loại rau tươi.

Nhiều mặt hàng đã tăng từ 20 - 60% so với thời điểm những ngày cận Tết. Chẳng hạn, giá thịt gà từ 80.000-130.000 đồng/kg; sườn thăn từ 60.000 - 90.000đ/kg; tôm sú là 300.000 - 400.000 đồng/kg; cá trắm đen từ 150.000- 200.000 đồng/kg; cá thu từ 90.000 - 120.000 đồng/kg; thịt bò từ 100.000-140.000 đồng/kg; thịt lợn từ 70.000-90.000 đồng/kg....

Ngoài ra, các loại hải sản khác như: sò huyết, nghêu, mực..., cũng đều tăng giá từ 20.000-80.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.

Không chỉ ở các chợ lớn, tại một số chợ cóc, các sạp hàng bày bán ven đường giá nhiều mặt hàng rau củ, thịt cá đều tăng vọt trong mấy ngày qua. Các mặt hàng rau xanh, đậu phụ, giá cao gấp nhiều lần so với ngày thường.

Cụ thể, rau cải thảo giá từ 20.000-25.000 đồng/kg (tăng hơn gấp đôi so với trước Tết-PV); cà chua từ 12.000-20.000 đồng/kg; su hào từ 4.000- 7.000 đồng/củ; rau cần từ 10.000-15.000đồng/bó... “Thường ngày tôi mua 2.000 đồng được bốn bìa đậu phụ thì nay 2.000 đồng chỉ được mỗi một bìa. Ra Tết từ rau cỏ đến thịt cá đều tăng chóng mặt”-Chị Tạ Thị Hiền, ở quận Thanh Xuân than thở.

Giá các loại hoa quả, trái cây cũng được đà tăng cao, đặc biệt là trái cây nội. Theo các chủ hàng, do thời tiết năm nay rét đậm, rét hại kéo dài nên nhiều loại rau, hoa trái chuyển về thành phố không nhiều khiến giá bán bị “đội” lên ở mức rất cao. Chẳng hạn giá cam từ 30.000-40.000 đồng/kg; thanh long 25.000- 35.000 đồng/kg; xoài từ 20.000-50.000 đồng/kg...”.

Theo lý giải của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, thông thường những ngày sau Tết nguồn hàng thực phẩm tươi sống, rau quả cung ứng của các nhà sản xuất, kinh doanh chưa trở lại mức ổn định như trước Tết nên giá tăng ở mức cao.

Nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm tươi sống những ngày sau Tết và đặc biệt cho ngày Rằm tháng Giêng, các ngày lễ hội sẽ tiếp tục tăng cao vì thế giá thực phẩm tươi sống sẽ còn giữ ở mức cao cho đến ngoài ngày Rằm tháng Giêng là không tránh khỏi” - Ông Phú nhấn mạnh.

Miền Trung: Khan hiếm rau xanh

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, giá cả nhiều mặt hàng gia dụng ở Huế chủ yếu là thực phẩm, mứt, bánh, bia rượu bắt đầu tăng từ 7- 20%.

Tại các chợ lớn như Đông Ba, Tây Lộc, Bến Ngự…, mặc dù chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan quản lý thị trường yêu cầu tiểu thương niêm yết giá bán hàng hóa, nhưng tình trạng tùy tiện nâng giá, không thực hiện niêm yết vẫn diễn ra.

Sau Tết, giá nhiều mặt hàng gia dụng như bia rượu, mì tôm, thực phẩm tươi sống vẫn chưa trở lại bình thường, do lượng dự trữ của các cửa hàng bị thiếu hụt, cầu vượt cung.

Rau xanh trở nên khan hiếm khiến giá bán tăng từ 1.000 - 2.000 đồng mỗi bó. Mì tôm tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng mỗi thùng (loại 30 gói). Bia lon tăng từ 15.000 - 20.000/thùng, nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Thịt lợn mông giữ nguyên giá 85.000 đồng/kg.

Tại Quảng Nam, giá các mặt hàng thực phẩm vẫn tăng cao. Ở các chợ Tam Kỳ, rau xanh giá tăng gấp đôi; cá tăng gấp rưỡi; tuy nhiên ở các huyện thì giá cả thực phẩm các loại tương đối bình ổn.

Theo Tiền Phong