Vâng, tuổi hai mươi, phải chăng, đó là lúc một thanh niên vừa vụt lớn, vụt trưởng thành, đủ để cảm nhận về quá khứ, để suy tư về hiện tại và nhìn về tương lai. Có lẽ, tôi là người may mắn bởi tuổi hai mươi đã đến khi trong tôi đầy ắp lý tưởng, sự cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước trong chính gia đình tôi...

Thế hệ đó là bác cả của tôi, ra đi theo tiếng gọi của quê hương, để lại người vợ trẻ. Thế hệ đó là bác hai tôi, trốn mẹ ra trận khi đàn trâu vừa no nê bữa tối. Thế hệ đó là bác ba của tôi, mặc quần đùi len lỏi xin tòng quân... Để hơn 15 năm sau, ông nội tôi nhận được 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công. Ba bác tôi đã ra trận, ở lứa tuổi 19-20 mà không bao giờ trở lại. Tổ quốc ghi công-3 bác tôi là liệt sĩ. Nhà nước truy tặng bà nội tôi danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Địa phương dành riêng cho 3 bác tôi-3 ngôi mộ trống trong nghĩa trang liệt sĩ.

Một nơi nào đó, chỗ lối mòn hay rừng sâu Trường Sơn, nơi ngập tràn dừa Bến Tre hay rừng đước U Minh... 3 bác tôi đã nằm lại-là những liệt sĩ chưa biết tên!

10 tuổi, tôi “vênh vang” với lũ bạn cùng xóm có 3 bác đã đánh cho lũ giặc tan tành!

15 tuổi, tôi ngơ ngác trước nấm mồ của 3 bác tôi để trống trong nghĩa trang liệt sĩ.

Và 20 tuổi, tôi khóc nghẹn ngào trước thi hài của bác cả tôi chỉ còn lại dúm đất mà bố và anh trai tôi đã đưa về từ nghĩa trang Bình Định. Ông nội tôi chỉ nấc lên mà không thể khóc. Cả làng đón bác cả tôi về, trìu mến, yêu thương như mấy chục năm về trước bác đã ra đi.

Bác cả của tôi, liệt sĩ Bùi Quốc Nụ đã “trở về”. Còn bác hai-liệt sĩ Bùi Quốc Nhủ và bác ba-liệt sĩ Bùi Quốc Nhỉ-2 bác còn ở đâu?

Thế hệ 20 của bác tôi là thế hệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, là thế hệ mà lý tưởng là yêu nước, mơ ước là được cống hiến.

Còn thế hệ 20 của chúng tôi sinh ra khi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, và ký ức về nó chỉ còn là những câu chuyện kể thì lý tưởng “Sống đẹp-sống có ích” của chúng tôi là gì?

Xin thưa, như thế hệ xưa, lý tưởng của chúng tôi vẫn là yêu nước và khát khao được cống hiến. Chúng tôi hăng say với “Mùa hè Xanh” nơi thôn quê, núi rừng; nhiệt tình chắt chiu từng giọt máu đào nhân đạo; không quản ngại khó khăn để gõ cửa từng nhà tuyên truyền về ma túy, HIV.

Là gì khi chúng tôi biết chia sẻ với người nghèo, với đồng bào lũ lụt, biết nhường chỗ cho người già khi lên xe buýt, biết dắt tay một em nhỏ khi qua đường, biết xót xa trước những mảnh đời bất hạnh...!

Là gì khi chúng tôi biết vang lên khi Việt Nam chiến thắng, biết tự hào về thế hệ cha anh và biết tin tưởng vào tương lai đất nước.

Hãy nhìn vào chúng tôi...

Thôn Sa Vĩ, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, bạn Bùi Thu Nội của chúng tôi quên mình vì sự sống của người khác. Tấm gương hy sinh quên mình vì người khác của bạn nhắc nhở, thôi thúc chúng tôi biết sống vì mọi người. Tự hào về Bùi Thu Nội bao nhiêu, chúng tôi lại tự hào về những bạn như Lê Vũ Hoàng bấy nhiêu. Trí tuệ, nghị lực và lòng hiếu thảo đã làm nên vòng nguyệt quế của bạn. Và còn nữa, là tấm Huy chương Vàng giải Sáng tạo rô-bốt châu Á-Thái Bình Dương, giải vô địch cờ vua thế giới...

Là một đoàn viên thanh niên, chúng tôi cũng có lý tưởng, ước mơ và khát khao cống hiến: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, có thể thức thâu đêm vì một bài toán khó, đến 10 thư viện chỉ vì một đề tài hay... Chúng tôi học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, viết chuyên đề sáng kiến kinh nghiệm... Tất cả, chỉ vì một ước muốn nhỏ nhoi làm sao để học sinh hiểu bài nhanh nhất. “Học sinh nên người, trở thành người có ích cho xã hội” là tâm nguyện và mục đích duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình vì tâm nguyện đó.

Có thể nói, cha anh chúng tôi đã cống hiến hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, chúng tôi cũng muốn cống hiến hết mình để xây dựng Tổ quốc. Từng ngày, từng giờ trôi qua là từng ngày chúng tôi không ngừng cống hiến và sáng tạo. Vẫn mãi là:

Hai mươi tuổi tim đang

dào dạt máu

Hai mươi tuổi hồn quay

trong gió bão...

BÙI THỊ THU HƯỜNG (Trường THCS Quốc Tuấn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng)