Là địa phương có nhiều ca mắc bệnh tiêu chảy cấp nhất, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn sự phát triển của bệnh nguy hiểm này. Lệnh đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép... trong chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố đã ngay lập tức được ban hành.
Ráo riết kiểm tra vệ sinh-an toàn thực phẩm
 |
Trưa 31-10, các quán thịt chó trên phố Nguyễn Khắc Nhu (Hà Nội) vẫn cho khách sử dụng mắm tôm. |
Lệnh đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép… trên địa bàn Hà Nội nêu rõ: Ban chỉ đạo vệ sinh-an toàn thực phẩm (VSATTP) 14 quận, huyện, phường, xã phải phối hợp với các ban ngành liên quan thanh tra, kiểm tra thực hiện tốt lệnh cấm này và báo cáo hằng ngày về Ban chỉ đạo VSATTP thành phố. Nếu thấy mắm tôm, mắm tép được bày bán, lực lượng chức năng phải lập biên bản, niêm phong, đưa về cơ quan quản lý thị trường chờ xử lý.
Liên tiếp trong các ngày 30 và 31-10, thành phố đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành (bao gồm thanh tra y tế, quản lý thị trường, lãnh đạo địa phương…) đi kiểm tra tình hình vệ sinh-an toàn thực phẩm tại một số chợ, cửa hàng ăn uống trên địa bàn. Đoàn thanh tra liên ngành do ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dẫn đầu đã đến chợ Hôm-Đức Viên, chợ Ngô Sĩ Liên, các cửa hàng ăn uống ở phố Lê Văn Hưu. Nhìn chung, các hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống ở đây đã ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh tiêu chảy cấp và chấp hành tốt lệnh cấm sử dụng mắm tôm, mắm tép trong kinh doanh thực phẩm.
Tại chợ Hôm-Đức Viên, theo ghi nhận của đoàn thanh tra, các hàng bán lòng lợn, tiết canh đã ngừng sử dụng mắm tôm, mắm tép. Thay vào đó, họ dùng bột canh, gia vị pha trộn để làm nước chấm cho khách hàng.
Ông Phạm Đức Tiệp-Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, diễn biến bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn Hà Nội rất phức tạp, nguy hiểm. Nhưng rất may, hiện vẫn chưa phát hiện việc lây nhiễm từ người sang người. Tất cả các trường hợp nhiễm đều do ăn uống không hợp vệ sinh, trong đó nhiều trường hợp có sử dụng mắm tôm. Sau khi phát hiện các ca bệnh, nhân viên y tế đã tới nhà bệnh nhân làm vệ sinh, khử trùng. Người nhà chăm sóc bệnh nhân đều được cho uống thuốc kháng sinh để phòng ngừa.
Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát và lan rộng. Bệnh nhân tiêu chảy cấp bị mất nước nhanh chóng, rất dễ dẫn đến tử vong; tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đa số bệnh nhân sẽ phục hồi tốt.
Ông Tiệp cho rằng, để phòng, chống bệnh hiệu quả, cách tốt nhất là người dân phải thực hiện ăn chín, uống sôi, hợp vệ sinh theo đúng 4 biện pháp phòng ngừa mà Cục Y tế dự phòng đưa ra. Việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh phải thực hiện tốt. Người dân dứt khoát không nên sử dụng mắm tôm, mắm tép, nem chua, gỏi cá, hải sản tươi sống trong bữa ăn.
Trưa 31-10, khảo sát một số cửa hàng ăn uống trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi vẫn phát hiện mắm tôm, mắm tép được sử dụng, bất chấp lệnh cấm đã được đưa ra. Tại các quán thịt chó ở dốc phố Hàng Than, phố Nguyễn Khắc Nhu, khách vẫn chấm thịt chó với mắm tôm. Nhiều người còn hoàn toàn chưa biết gì về dịch tiêu chảy. Chủ quán cũng không hề khuyến cáo gì cho khách. Vòng qua quán bún đậu-mắm tôm, cháo lòng-tiết canh nổi tiếng ở 18 Lò Sũ, chúng tôi thấy khách vẫn đông nườm nượp và các món ăn đầy hiểm họa kia vẫn được sử dụng. Tại chợ cóc ở phố Hòe Nhai, mắm tôm được bày công khai trên các sạp hàng. Khi được hỏi mua với số lượng lớn, bà chủ một cửa hàng hồ hởi mang ra một làn đựng đầy chai Lavie chứa mắm tôm để bán. |
Ruồi là vật trung gian lây truyền bệnh rất nguy hiểm nên người dân phải đậy lồng bàn thức ăn, các cửa hàng ăn phải để thức ăn trong tủ kính… Khi phát hiện người nhà bị tiêu chảy cấp, người dân cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Vẫn còn tiết canh, mắm tôm...
Trưa 31-10, khảo sát một số cửa hàng ăn uống trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi vẫn phát hiện mắm tôm, mắm tép được sử dụng, bất chấp lệnh cấm đã được đưa ra. Tại các quán thịt chó ở dốc phố Hàng Than, phố Nguyễn Khắc Nhu, khách vẫn chấm thịt chó với mắm tôm. Nhiều người còn hoàn toàn chưa biết gì về dịch tiêu chảy. Chủ quán cũng không hề khuyến cáo gì cho khách. Vòng qua quán bún đậu-mắm tôm, cháo lòng-tiết canh nổi tiếng ở 18 Lò Sũ, chúng tôi thấy khách vẫn đông nườm nượp và các món ăn đầy hiểm họa kia vẫn được sử dụng. Tại chợ cóc ở phố Hòe Nhai, mắm tôm được bày công khai trên các sạp hàng. Khi được hỏi mua với số lượng lớn, bà chủ một cửa hàng hồ hởi mang ra một làn đựng đầy chai Lavie chứa mắm tôm để bán.
Chỉ có tại chợ 19-12, khi được hỏi mua mắm tôm, ông chủ một cửa hàng xua tay quầy quậy nói, đoàn kiểm tra liên ngành đã tịch thu hết mắm tôm rồi và đưa cho tôi xem lệnh cấm, các khuyến cáo tránh bệnh tiêu chảy cấp để chứng minh. “Nguy hiểm lắm. Tôi khuyên chú cũng đừng ăn mắm tôm nữa”. Các chủ cửa hàng thực phẩm quanh đó đều đã ngừng bán mắm tôm, mắm tép. “Thấy đài, báo, ti-vi thông báo tình hình bệnh tiêu chảy mà ghê quá. Không ai dám bán cho khách nữa”.
Giải thích chuyện mắm tôm, tiết canh vẫn được bày bán, ông Phạm Đức Tiệp cho rằng, có thể do lệnh đình chỉ mới được ban hành nên nhiều cơ sở kinh doanh chưa biết. Các cấp quận, huyện; phường, xã phải có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện tốt quy định. Sau khi lệnh cấm được ban ra, nếu phát hiện mắm tôm, mắm tép là lực lượng chức năng có quyền thu hồi ngay. Nếu cơ sở nào cố tình vi phạm lệnh cấm, sẽ bị xử phạt nghiêm.
Cục Quản lý Dược Việt Nam chuẩn bị đủ thuốc đặc trị
Ngày 31-10, Tiến sĩ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam cho biết: Cục Quản lý Dược Việt Nam đã chuẩn bị đủ nguồn cung cấp thuốc đặc trị, dịch truyền phục vụ công tác cấp cứu dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Cục Quản lý Dược Việt Nam yêu cầu các công ty sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp; khẩn trương khai thác nguồn hàng để sản xuất và nhập khẩu ngay dịch truyền và một số loại kháng sinh như Azithromycin, Cefotaxime, kháng sinh thuộc nhóm Quinolon (Ciprofloxacin, Ofloxacin, Levofloxacin) phục vụ công tác điều trị và phòng, chống dịch tiêu chảy cấp.
Cục Quản lý Dược Việt Nam trực 24/24 giờ để giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc phòng, chống dịch bệnh khi có đề nghị nhập khẩu của các đơn vị theo đúng quy định.
Bài và ảnh: QUỲNH DƯƠNG