Năm 2007, trong chuyến lên thăm và làm việc tại Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc 30 hồ chứa nước để giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã thành lập BCĐ xây dựng hồ chứa nước, làm việc với 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, xác định những xã nằm trong tình trạng thiếu nước trầm trọng nhất để ưu tiên xây dựng.

Thời gian đầu thực hiện, Sở NN-PTNT được giao làm chủ đầu tư và lập Dự án hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. BQL Dự án đã lựa chọn 4 nhà thầu tham gia tư vấn thiết kế gồm Công ty Chuyển giao công nghệ và xây dựng thuỷ lợi (Viện nghiên cứu Khoa học thuỷ lợi); Trung tâm chuyển giao công nghệ thuỷ lợi (Cục Thuỷ lợi); Công ty Tư vấn thiết kế giao thông thuỷ (Hà Nội) và Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Mai Trang (Hà Giang). Sau đó, do yêu cầu và tính chất công việc, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư 10 hồ chứa nước, 20 hồ còn lại giao cho 4 huyện làm chủ đầu tư.


Sau hơn một năm nỗ lực, tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc đã có 26/30 hồ được khởi công xây dựng, 9 hồ được bàn giao, đưa vào sử dụng từ mùa khô năm 2008. Huyện Mèo Vạc có 5 hồ đã đưa vào sử dụng gồm hồ chứa nước sinh hoạt Sủng nhì B, xã Sủng Máng, dung tích chứa trên 8,8 nghìn m3, tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng; hồ Lùng Phủa, xã Lũng Chinh, dung tích chứa trên 5,3 nghìn m3, tổng mức đầu tư gần 6,9 tỷ đồng; hồ Hạ Pống Cáy, xã Sủng Trà, dung tích chứa gần 7,8 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng; hồ chứa Giàng Chu Phìn, dung tích chứa trên 10,4 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng; hồ chứa Khau Vai, xã Khau Vai, dung tích 4 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 6,5 tỷ đồng. Huyện Đồng Văn có 4 hồ chứa đã hoàn thành gồm hồ chứa nước sinh hoạt Há Búa Đa, xã Thài Phìn Tủng, dung tích 10 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 10,4 tỷ đồng; hồ Cờ Lắng, xã Lũng Phìn, dung tích gần 5 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 3,4 tỷ đồng; hồ chứa nước sinh hoạt Xà Lủng, xã Tả Lủng, dung tích chứa 4,2 nghìn m3, tổng mức đầu tư gần 3,8 tỷ đồng; hồ chứa nước sinh hoạt Lùng Thàng, xã Hố Quáng Phìn, dung tích chứa gần 4,7 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 5,2 tỷ đồng. Hiện tại, có 17 hồ đang thi công, tiến độ đạt từ 30-95% khối lượng. Có 4 hồ chưa thi công gồm hồ chứa nước sinh hoạt Sảng Pẻ, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc); 2 hồ Pờ Chờ Lủng, xã Ngam La (Yên Minh) và Nà Cạn, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) đã tiến hành xong phần khảo sát thiết kế nhưng suất đầu tư quá lớn (18 tỷ đồng/3.000 m3), UBND tỉnh sẽ xem xét, lựa chọn địa điểm đầu tư thích hợp; hồ chứa Nà Phạ, xã Mậu Duệ (Yên Minh) đã hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán trình UBND tỉnh phê duyệt.


 
 


Việc thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng các hồ chứa nước trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị thi công trong điều kiện nguồn vốn ngân sách bố trí chậm. Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ nhằm đưa các hồ chứa nước vào sử dụng trong thời gian sớm nhất vẫn còn một số nhà thầu thi công chậm. Điển hình là Công ty TNHH Quế Lâm (Hà Giang). Công ty Quế Lâm trúng thầu thi công 4 hồ chứa nước, trong đó 1 hồ do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, 3 hồ do UBND huyện Mèo Vạc, Yên Minh làm chủ đầu tư. Hồ chứa nước Tìa Súng xã Sủng Trái (Đồng Văn) có dung tích chứa 7.700m3, tổng mức đầu tư trên 4,6 tỷ đồng là một trong mười hồ do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, Công ty Quế Lâm khởi công xây dựng từ năm 2008 đến nay vẫn chưa xong. Trong khi hầu hết các hồ khởi công xây dựng năm 2008 đã tích nước, đưa vào sử dụng ngay mùa khô 2008 thì hồ này vẫn đang trong quá trình thi công. Hồ chứa Chư Phìn, xã Sủng Trái (Đồng Văn) dung tích chứa trên 4,8 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng;hồ chứa Tủng A, xã Lũng Thầu (Đồng Văn), dung tích chứa 5 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 6,8 tỷ đồng và hồ chứa Sủng Lảng, xã Thắng Mố (Yên Minh), dung tích chứa gần 5 nghìn m3, tổng mức đầu tư gần 5,5 tỷ đồng…tiến độ thi công rất chậm mới chỉ đạt 30-50% giá trị khối lượng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do Công ty Quế Lâm nhận thầu thi công cùng thời điểm nhiều công trình. Trong khi đó, năng lực của Công ty hạn chế, việc tổ chức thi công của rất dàn trải, không khoa học.


Thi công hồ chứa nước sinh hoạt trên vùng cao là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào, là khát vọng bao đời của người dân trên Cao nguyên đá. Các hồ hoàn thành sớm, đón kịp nước trong mùa mưa, khi mùa đông tới người dân vùng cao sẽ bớt đi nỗi lo thiếu nước. Mùa khô 2009 đang đến gần, vì vậy chủ đầu tư cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, đón nước từ những đợt mưa cuối mùa để sử dụng ngay mùa khô tới.

 


Những chiếc hồ chứa nước lớn được xây dựng ở vị trí thung lũng để có thể thu gom nước từ các vách đá xung quanh song lại phải nằm ở vị trí tương đối cao để từ đó có thể dẫn nước về các bể áp, cấp nước cho người dân. Bởi vậy không ngoa khi người ta gọi đó là những chiếc “hồ treo” trên núi…
 

 
Hồ chứa nước Sính Lủng - Đồng Văn - Hà Giang



Hồ chứa nước Lùng Thàng - xã Hố Quáng Phìn - Đồng Văn - Hà Giang

   

Hồ chứa nước Tả Lủng - Mèo Vạc - Hà Giang



Hồ chứa nước Lùng Phủa - xã Lũng Chinh - Mèo Vạc - Hà Giang



Hồ chứa nước Sà Phìn - Đồng Văn - Hà Giang



Bể Há Dấu Cò - Mèo Vạc - Một trong những bể nước đầu tiên cho đồng bào vùng cao Hà Giang.



Hồ chứa nước xã Sủng Trà - Mèo Vạc - Hà Giang



Hồ chứa nước Sủng Nhì B - xã Sủng Máng - Mèo Vạc - Hà Giang



Hồ chứa nước Há Búa Đa - xã Thài Phìn Tủng - Đồng Văn - Hà Giang




Bà con nhân dân lấy nước tại hồ treo SÍnh Lủng - Đồng Văn
Theo: Báo Hà Giang